1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hành trình 40 năm về với đất mẹ của liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn

(Dân trí) – Cách đây đúng 40 năm, liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn (quê ở Quảng Bình) đã ngã xuống trong trận đánh ác liệt ở một ngôi làng nằm sát thành cổ Quảng Trị. Và sau 40 năm xa cách, nay anh đã trở về̀ với đồng đội của anh tại Nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc.

Lời của người ra trận

Một buổi chiều tháng tư lịch sử, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng niềm Nam, chúng tôi có dịp ghé thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn (phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), thắp cho anh nén nhang để tưởng nhớ ngày anh về với quê hương sau 40 năm xa cách.

Thắp nén nhang lên bàn thờ, bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh (mẹ liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn) hồi tưởng về người con trai cả mà như cứ ngỡ Sơn hãy còn trong vòng tay yêu thương của bà và đại gia đình: "Khi chúng tôi tản cư lên vùng Trạng (Đồng Sơn), mọi người đều phải đào hầm trú ẩn bom đạn. Sơn hay lam hay làm lại khéo tay, bà con lối xóm ai cũng nhờ Sơn đến giúp. Làm xong thời gian dù có muộn mấy, Sơn cũng chạy về nhà ăn cơm. Mẹ hỏi: răng không ăn ở nhà người ta? Sơn chỉ cười bảo: bà con còn nghèo, thôi về với mẹ, có gì con ăn nấy. Nhiều lúc nhà chỉ còn vài củ sắn, củ khoai, Sơn vẫn ăn ngon lành. Lên cấp III, trường học đóng ở vùng Cồn Chùa (Đồng Sơn) cách Trạng chừng hai cây số. Một lần mưa lớn, nước ngập cuốn trôi những tấm ván lót chiếc cầu "Ba sẵn sàng", Sơn đi học bắt gặp, không chút đắn đo, cởi nhanh áo quần lao vào dòng nước để vớt những tấm ván. Hồi đó, Chủ tịch xã là ông Hồ Vân gặp Sơn lặn ngụp dưới nước, hỏi: "Mi mần chi rứa?". Sơn trả lời: "Cháu vớt ván để làm lại cầu cho các bạn đến trường". Ông Hồ Vân hiểu ra rồi cùng xuống vớt ván cầu với Sơn".

Hành trình 40 năm về với đất mẹ của liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn
Liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn bên cuốn nhật ký mãi mãi tuổi 20

Năm 1969, Sơn vào thi đại học, điểm số đạt để đi học ở nước ngoài nhưng vì lí do về "lí lịch gia đình" nên địa phương không để anh nhập học. (ông Nguyễn Kỳ Ngộ - thân sinh iệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn cho đến hôm nay, 40 năm sau ngày anh mất vẫn ân hận một điều: không cho con trai biết về nhiệm vụ bí mật của mình lúc đó - PV). Năm 1970, Sơn thi đậu vào Học viện thuỷ lợi, khoa Thuỷ công.

Tháng 9/1971, đang là sinh viên năm thứ hai, anh viết thư tình nguyện đi bộ đội, biên chế thuộc đơn vị C10, D3, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, huấn luyện chuẩn bị đi B phục vụ cho chiến dịch mùa khô năm 1972. Trong cuốn nhật kí bằng thơ của mình, Nguyễn Kỳ Sơn tự hào: "Tuổi 18 lên đường đánh Mỹ/ Vui gì hơn anh lính tân binh/ Mũ sáng soi miệng cười chúm chím/ Ánh hào quang tỏa sáng niềm tin". Chàng tân binh tạm rời xa giảng đường đại học, hành quân vào nam chiến đấu với một trái tim trong trẻo, rừng rực thế tiến công: "Miền Bắc lên đường khi miền Nam gọi/ Ta lên đường tìm ánh tương lai/ Cờ đỏ gọi người người xông tới".

Trên đường hành quân vào Nam, khi đơn vị dừng ở xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch), Sơn hy vọng được ghé thăm nhà, tạm biệt gia đình, bà con, nhưng khí thế thần tốc của cuộc chiến không cho phép anh thực hiện ước nguyện đó. Anh ghi lại trong nhật ký: "Cảm ơn ánh đèn le lói nhà ai đó đã cho tôi xác định được hướng nhà mình. Nơi đó, có mẹ, có cha, có các em đang ngóng trông tôi từng giờ từng phút. Nếu tôi nhớ nhà một thì gia đình, ba mẹ, các em trông ngóng tôi gấp trăm gấp ngàn lần". Bức thư Nguyễn Kỳ Sơn gửi cho gia đình lúc anh ở Hà Tĩnh như lời hứa của người lính trước giờ ra trận: "Cuộc đời bộ đội rất nhiều bổ ích lắm ba mẹ ạ! Trong cuộc thử lửa tới, ba mẹ sẽ tin rằng con của ba mẹ cứng rắn hơn nhiều... Con không sợ hy sinh chết chóc đâu, có phải con là người đầu tiên đâu. Có chiến thắng là phải có hy sinh".

Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972, đơn vị Nguyễn Kỳ Sơn chốt giữ trong thành cổ đổ nát, khét lẹt mùi bom đạn, chết chóc. 81 ngày đêm giữ thành, tranh thủ giây phút ngớt tiếng bom đạn giữa hai trận đánh, Sơn kê cuốn nhật kí lên gối ghi vội những dòng chữ thấm đẩm tình yêu thương, những nghĩ suy về tình yêu, giá trị cuộc sống. Ngày 15/8/1972, anh viết: "Ta yêu hòa bình, yêu màu xanh. Cho ta sống mãi với cái màu xanh này, màu xanh tương lai, màu xanh mà ta phải tranh đấu. Trong bom đạn tưởng chừng như không bao giờ dứt, một phút như thế này có ý nghĩa biết bao nhiêu. Ta càng quý cuộc sống biết bao nhiêu... Cho ta sống mãi trong phút giây hạnh phúc này".

Ngày 19/8/1972, sáu ngày trước lúc hy sinh, Nguyễn Kỳ Sơn thêm một  lần khẳng định cái tâm thế của người lính can trường và cả của một lớp người trai trẻ nguyện cống hiến, sẵn sàng cống hiến vì độc lập, thống nhất tổ quốc: "Ngày mai tôi giáp trận. Ác liệt là một điều tất nhiên của chiến trận. Rất có thể rằng tôi sẽ ngã xuống. Không can gì, đấu tranh là phải đổ máu, có máu mới có màu đỏ, có chiến thắng. Không sợ chết, không sợ hy sinh, gian khổ. Cái chủ yếu là phải sống cho ra sống, phải lập được những kì tích đẹp. Sống, cuộc sống đẹp nhất là cuộc sống trong chiến trận. Cuộc đời đẹp nhất là cuộc đời được tôi rèn…”.

Hành trình 40 năm về với đất mẹ của liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn

Đọc lại những cuốn nhật ký của anh, thế hệ trẻ chúng tôi như đang được sống một trong thời đạn bom máu lửa

Nhẹ nhàng, thanh thản, xem cái chết, xác định cái chết nhẹ tựa lông hồng, Nguyễn Kỳ Sơn dặn dò cho đồng đội, đồng chí ở lại: "Nếu tôi ngã xuống mong các đồng chí và các bạn hãy báo về cho bố tôi, mẹ tôi, dì tôi. Là những người kháng chiến cũ, bố mẹ tôi không lấy đó làm điều đau khổ". Đêm 25/8/1972, bầu trời đầy ánh hoả châu, tiểu đội trưởng Nguyễn Kỳ Sơn dẫn tiểu đội của mình hành quân tiêu diệt một chốt địch tại làng An Tiêm ven cổ thành Quảng Trị và cùng đồng đội anh dũng hy sinh trong trận đánh ác liệt không cân sức này.

… và hành trình 40 năm về đất với mẹ

Ông Lê Tấn, một cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị, hiện tại đang công tác tại Đại học Dược Hà Nội nhớ lại trận đánh đêm 25/8/1972: "Đêm đó chúng tôi dẫn theo hai tiểu đội thẳng tiến đánh vào cứ điểm của địch tại làng An Tiêm, xã Triệu Thành, nằm phía đông nam thành cổ Quảng Trị. Tiểu đội do Sơn phụ trách theo đường bờ sông, mọi người chỉ mặc quần đùi, người trần mang theo súng đạn, đánh theo kiểu đặc công. Tiểu đội do tôi phụ trách đi dọc đường lộ, hẹn hiệp đồng cùng nhau tiêu diệt địch. Khi tiểu đội tôi gần đến làng An Tiêm thì nghe phía Sơn tiếng súng rộ lên, đến khoảng 3 giờ 30 phút sáng thì im dần. Tôi nằm úp mặt xuống đất nghẹn ngào: Sơn bị rồi!".

Cùng Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 với Nguyễn Kỳ Sơn và Lê Tấn trong trận đánh này có Trần Đức Rẻn. Anh Rẻn dính đạn M79 địch vào bụng lòi cả ruột ra ngoài, anh dùng tay nhét ruột trở lại rồi lết đến một rặng tre. Đêm đó anh khóc vái hương hồn đồng đội: "Chúng mày sống khôn, thác thiêng phù hộ để cho tao sống, mai này có cơ hội để đi tìm xác chúng mày về!". Khấn xong thì ngất xỉu, sáng ra bà con trong làng phát hiện được, tìm cách đưa về tuyến sau. Một Đại đội cùng sát cánh nơi thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972, sau hoà bình chỉ còn sót lại một vài người. Theo lời cựu chiến binh Trần Đức Rẻn: đa số đều nằm xuống tại làng An Tiêm.

Trở lại với gia đình liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn, sau ngày giải phóng không năm nào là không có một vài lần vào Quảng Trị tìm anh. Càng tìm, càng vô vọng. Đêm đến bên bàn thờ con, hai mái đầu bạc ngã vào nhau bùi ngùi. Bà an ủi ông: "Có lẽ thằng Sơn chưa chịu về ông ạ! Con nó sống nặng tình, nặng nghĩa với đồng đội quá".

Hành trình 40 năm về với đất mẹ của liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn

...và sau 40 năm xa cách, nay anh đã trở về với đất mẹ - nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc (Lý Trạch - Bố Trạch - Quảng Bình)

Thế rồi, cũng bắt đầu từ những đồng đội, đồng chí của Sơn. Đó là ông Rẻn. Sau hoà bình, ông Rẻn vào lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, trở thành doanh nhân thành đạt. Nhớ lại một thời lửa đạn, mất mát nơi chiến trường Quảng Trị; nhớ đến lời hứa với người hy sinh, ông Rẻn thành lập hẳn một đội tìm kiếm đồng đội là những cựu chiến binh của Trung đoàn 101 ngày xưa. Ông Trần Đức Rẻn nhiều năm trước cũng đã từng đi với gia đình liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn tìm anh nhưng vẫn không thể định vị được nơi ngày xưa anh ngã xuống, vùng đất An Tiêm bây giờ đổi thay quá nhiều. Nặng lòng với Sơn, đội tìm kiếm của Trần Đức Rẻn cứ âm thầm kiếm tìm, phạm vi  thu hẹp dần... để rồi ngày 25/7/2011, qua điện thoại, tiếng ông Rẻn nghẹn ngào báo tin cho ông Ngộ: "Bố ơi! thấy được thằng Sơn rồi". Bốn mươi năm đổi lại hai ngày theo lời ông Ngộ, hiểu ra là như thế: 40 năm anh nằm nơi đất khách quê người, tưởng không bao giờ trở lại được với quê hương, với gia đình thì nay gia đình vào làm thủ tục đón anh về với mẹ, về với người thân và quê hương.

Bốn mươi năm, quá nửa đời người... Ngày tôi ra thăm anh ở nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc, đứng bên mộ anh tôi lại nhớ những câu thơ trong cuốn nhật kí, lẩm nhẩm đọc mà ngỡ như lời hẹn của Sơn: "Mặc thân sống chết sá gì/ Là người chiến sĩ quyết vì nhân dân/ Tôn thờ một chữ hy sinh/ Đến ngày chiến thắng thì con sẽ về/ Ngày mai sáng rực trời quê/ Ba mẹ tin ở ngày về của con". Bốn mươi năm... những dòng chữ tri ân này như một nén tâm nhang cho thế hệ trẻ chúng tôi nghiêng mình trước anh.

Đặng Tài – Đăng Đức