1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10/1991 - 1/10/2011):

“Hành trình” 20 năm Ngày Quốc tế Người cao tuổi

“Khi tuổi già được coi là một thành tựu thì việc tin cậy vào các kĩ năng của con người, các kinh nghiệm và các nguồn lực của các nhóm NCT sẽ đương nhiên được thừa nhận như một tài sản vô giá..”.

Trước tình hình tuổi thọ trung bình ngày một tăng cao và số người cao tuổi (NCT) ngày càng nhiều làm thay đổi cấu trúc dân số ở từng nước, từng vùng và chung trên toàn cầu, năm 1982, tại Thủ đô Viên (Cộng hòa Áo), Liên Hợp Quốc triệu tập Đại hội thế giới lần đầu tiên về chủ đề người già, gồm các nhà lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức phi Chính phủ và nhiều nhà nghiên cứu, hoạt động xã hội. Đại hội thông qua chương trình hành động quốc tế dài hạn về NCT; phát động Năm Quốc tế NCT 1982 và thông qua biểu tượng “Cây đa”… Tuyên bố của Đại hội chỉ rõ: “Cần bảo đảm một cách không hạn chế mọi quyền lợi của NCT theo đúng tuyên ngôn về quyền con người của Liên Hợp Quốc”.

 

Sau 10 năm thực hiện chương trình trên, năm 1991, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đề ra chương trình hành động về NCT trong 10 năm tiếp theo 1992 - 2001; thông qua Nghị quyết nêu “Những nguyên tắc về đạo lí của Liên Hợp Quốc đối với NCT” làm cơ sở cho các chương trình quốc tế, quốc gia về NCT và quyết định lấy ngày 1 tháng 10 hằng năm là Ngày Quốc tế NCT. Đây là một mốc son thể hiện quan điểm của thế giới về NCT.

 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc, năm 1982, nước ta đã tổ chức trọng thể Năm Quốc tế NCT; thành lập Ủy ban Năm Quốc tế NCT ở Trung ương do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch và ở cấp tỉnh do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách. Năm 1983, Nhà nước thành lập Viện Bảo vệ sức khỏe NCT Việt Nam (tiền thân của Viện Lão Khoa quốc gia ngày nay) do giáo sư Phạm Khuê làm Viện trưởng. Từ đó, các hoạt động về NCT được triển khai dần từng bước trong phạm vi cả nước.

 

“Hành trình” 20 năm Ngày Quốc tế Người cao tuổi - 1

Tại Lễ vinh danh “Tuổi cao - Gương sáng” ngày 2/6/2010.

 

Năm 1991, sau khi nhận được thông báo của Liên Hợp Quốc về Ngày Quốc tế NCT, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã ra Lời kêu gọi khẳng định: “Quyết định đúng đắn của Liên Hợp Quốc thể hiện mối quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế đối với NCT” và “Chăm sóc NCT là một chính sách quan trọng, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta”. Ngày 17/9/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị số 332-CT về tổ chức Ngày Quốc tế NCT hằng năm: “Ngày Quốc tế NCT cần được tổ chức tốt, có sự chỉ đạo cụ thể của các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng” và nêu rõ những việc cần làm: Tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, mục đích của Ngày Quốc tế NCT; tổ chức hội thảo những vấn đề về NCT hoặc liên quan đến NCT; biểu dương những người tốt, việc tốt về lĩnh vực này; tổ chức họp mặt NCT, thăm hỏi động viên, tặng quà NCT…

 

Sau một quá trình vận động và chuẩn bị, kế tục sự nghiệp của các tổ chức Phụ Lão Cứu quốc được thành lập và hoạt động trong cả nước theo lời kêu gọi ngày 6/6/1941 của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ Nhất của NCT tiến hành tháng 5/1995 đã quyết định lấy ngày 10/5/1995 là Ngày thành lập Hội NCT Việt Nam và thông qua biểu tượng của Hội là “Cây đa có hình cờ đỏ sao vàng ở phần ngọn”.

 

Tháng 4/2002, Liên Hợp Quốc triệu tập Đại hội thế giới lần thứ II về NCT tại Ma-drít, Thủ đô Tây Ban Nha. Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm dẫn đầu. Tuyên bố chính trị của Đại hội khẳng định: “Sự tăng thêm tuổi thọ ở nhiều vùng trên thế giới là một thành tựu quan trọng của loài người” và nhấn mạnh: “Khi tuổi già được coi là một thành tựu thì việc tin cậy vào các kĩ năng của con người, các kinh nghiệm và các nguồn lực của các nhóm NCT sẽ đương nhiên được thừa nhận như một tài sản vô giá cho sự phát triển của lứa tuổi đang trưởng thành trong các xã hội có tính nhân văn và hòa nhập đầy đủ”. Tiềm năng của NCT là cơ sở vững chắc cho sự phát triển tương lai. Điều đó làm cho xã hội có thể tin cậy vào các kĩ năng, kinh nghiệm và trí tuệ ngày càng tăng của NCT, không chỉ giúp họ có cuộc sống tốt hơn mà còn tham gia tích cực vào việc nâng cao cuộc sống toàn xã hội”. Đại hội đã thông qua chương trình hành động quốc tế về NCT, chỉ ra những nội dung và mục tiêu cần đạt được, theo ba hướng ưu tiên: Người cao tuổi và sự phát triển; tăng cường sức khỏe và cải thiện cuộc sống NCT; bảo đảm môi trường thuận lợi và hỗ trợ NCT.

 

Để tạo cơ sở pháp lí cho việc triển khai các hoạt động chăm sóc, phát huy vai trò NCT, ngày 28/4/2000, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X đã ban hành Pháp lệnh NCT. Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh NCT và xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống, ngày 23/11/2009, Kì họp thứ 6 Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật NCT. Nhà nước ta đã pháp luật hóa các hoạt động của NCT, Hội NCT Việt Nam và các hoạt động liên quan đến NCT và Hội NCT. Đây là những biện pháp sáng tạo hữu hiệu thực hiện có hiệu quả các quan điểm, khuyến cáo, chương trình, kế hoạch hành động của Liên Hợp Quốc về NCT.

 

Ngày 5/8/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 141/2004QĐ-TTg về thành lập Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam, một tổ chức liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, phối hợp các hành động phục vụ công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Sau đó, Bộ Nội vụ có văn bản hướng dẫn lập Ban Công tác NCT ở cấp tỉnh với nhiệm vụ và cơ cấu tương tự như Ủy ban cấp Trung ương. Ngày 21/11/2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2005-2010. Chương trình này đang được các ngành, các cấp tổng kết, chuẩn bị cho việc ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về NCT giai đoạn 2012-2020. Ngày 1/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định Hội NCT Việt Nam là tổ chức xã hội có tính chất đặc thù, hoạt động trong phạm vi cả nước.

 

Chính sách bảo trợ xã hội và các chế độ ưu tiên đối với NCT được quy định cụ thể tại Luật NCT và các Nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã và đang được triển khai một cách tích cực trong cả nước, được NCT hào hứng, nhiệt tình đón nhận

 

Theo Song Hà
 Nguoicaotuoi.org.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm