1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hành trình 14 năm “đòi di tích” của sư ni chùa Vân Hồ

(Dân trí) - Chùa Vân Hồ (Hà Nội), còn gọi là Linh Thông Tự, là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đã được nhà nước xếp hạng năm 1992. Tuy nhiên hiện nay trong Khu 1 - khu bất khả xâm phạm - của chùa vẫn ngang nhiên tồn tại một hộ dân lấn chiếm từ hàng chục năm qua.

Tình thế bất đắc dĩ buộc các sư ni nhà chùa và Phật tử phải làm đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng.

Trên “thông”, dưới “tắc”!

Tỳ Khiêu Ny Thích Đàm Hợp (84 tuổi), trụ trì chùa Vân Hồ, vừa mới mổ mắt 5 ngày do đục thủy tinh thể. Mặc dù bác sỹ chỉ định phải nằm tĩnh dưỡng nhưng khi biết chúng tôi tới tìm hiểu sự việc vẫn cố gượng dậy chuyện trò.

Sư cụ nói: “Là người nhà Phật, bất đắc dĩ lắm chúng tôi mới phải khiếu nại. Chùa Vân Hồ là di tích cấp quốc gia, nếu chúng tôi bỏ mặc cho người ta vào lấn chiếm nội tự là có tội với các vị sư tổ và vi phạm pháp luật bảo vệ di tích”.

Vụ việc bắt nguồn từ năm 1955, khi đó gia đình ông Trần Văn Lụa đến chùa Vân Hồ xin sư cụ Thích Đàm Tỵ cho ở nhờ trên phần đất phía sau khuôn viên nhà chùa. Ông Lụa đã xây nhà cấp 4 và khu phụ trên diện tích 37,7m2.

Năm 1992, Bộ VHTT đã công nhận chùa Vân Hồ là di tích kiến trúc nghệ thuật, cấm vi phạm. Trong quyết định cấp đất cho chùa Vân Hồ, UBND TP Hà Nội cũng ghi rõ: “phải di chuyển hộ dân đang ở nhờ nhà chùa để bảo vệ di tích”.

14 năm sau khi chùa Vân Hồ được nhà nước xếp hạng, cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt, đến nay hộ gia đình ông Lụa vẫn ngang nhiên tồn tại bất chấp hàng trăm văn bản giải quyết của các cơ quan chức năng.

Sư cụ Thích Đàm Hợp cho biết, tất cả đều thông suốt chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ đến UBND thành phố, nhưng về đến phường và quận là họ “ngâm”. Di tích bị xâm hại hàng chục năm trên địa bàn nhưng hình như đó không phải việc của chính quyền phường Lê Đại Hành và quận Hai Bà Trưng!

Hai cái sai + chính quyền tắc trách = khiếu nại kéo dài

Theo luật di sản văn hóa năm 2001, nhà nước nghiêm cấm việc lấn chiếm, sử dụng di tích lịch sử văn hóa sai mục đích. Vì vậy, việc nhà chùa và chính quyền phường Lê Đại Hành cho phép gia đình ông Trần Văn Lụa vào “sửa sang”, xây dựng nhà cấp 4 để sinh sống phía sau khuôn viên nhà chùa là trái với luật Di sản.

Tháng 7/1997, ông Lụa đã có đơn xin sửa chữa nhà cấp 4 trong khuôn viên chùa Vân Hồ và đã được bà Phạm Thị Yến, lúc đó là Chủ tịch phường Lê Đại Hành xác nhận: “Nhà ông Lụa ở 312 Bà Triệu đã quá dột nát nguy hiểm, kính chuyển phòng Văn hóa quận cho gia đình ông được sữa chữa lại nguyên trạng”.

Không hiểu vô tình hay cố ý mà vị chủ tịch này lại nghĩ ra cách “kính chuyển” lạ lùng: chuyển lên phòng văn hóa để xin phép cho sửa chữa nhà!

Cùng với những văn bản được sự “yểm trợ” của chính quyền địa phương như đã nêu trên, ông Trần Văn Lụa còn có thêm căn cứ là “ở nhờ” nhà chùa từ 1954, đã được công an Hà Nội cấp hộ khẩu tại đây từ năm 1955 và phần đất lấn chiếm đã được cấp số nhà 312 Bà Triệu.

Sự tắc trách của các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cơ sở đã tại điều kiện cho ông Lụa nghiễm nhiên mọc rễ sâu hơn, tiếp tục lấn chiếm đất di tích rộng hơn.

Theo đơn trình bày của trụ trì chùa Vân Hồ, đã nhiều lần sư ni nhà chùa và phật tử viết đơn kiến nghị, phản ánh, tố cáo việc ông Lụa âm thầm lấn chiếm đất chùa nhưng không được chính quyền phường Lê Đại Hành quan tâm giải quyết thấu tình đạt lý.

Ngày 10/11/2004, gia đình ông Lụa lại tự ý phá một khoang bức tường chùa dài 3,3 mét, để lộ ra một cửa đi bằng gỗ, một cửa sổ với ý đồ “bành trướng” mặt tiền đường Bà Triệu.

Thế nhưng, chính quyền phường Lê Đại Hành đã làm ngơ không xử lý việc xâm hại di tích. Đến nay, dấu tích của sự cơi nới vẫn còn nhưng chưa có cơ quan nào vào cuộc yêu cầu gia đình ông Lụa khôi phục lại nguyên trạng.

Vậy là sau rất nhiều lân kiểm tra, kết luận, thậm chí Đoàn công tác của Chính phủ cũng đã có báo cáo từ năm 1999, nhưng đến nay những vị sư nữ chùa Vân Hồ vẫn phải tiếp tục đội đơn thỉnh cầu các cơ quan chức năng vào cuộc để trả lại cảnh quan cho nhà chùa.

Bao giờ cảnh quan di tích quốc gia được khôi phục?

Trước sự thờ ơ của chính quyền phường Lê Đại Hành và UBND quận Hai Bà Trưng, ngày 19/11/2005, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có công văn nêu ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Lê Quý Đôn, yêu cầu các phòng ban chức năng của quận và UBND phường Lê Đại Hành khẩn trương thực hiện việc di chuyển hộ ông Lụa ra khỏi di tích chùa Vân Hồ. Công văn này cũng yêu cầu UBND quận Hai Bà Trưng phải báo cáo kết quả lên thành phố trước ngày 31/12/2005.

Tuy nhiên, đến tận hôm nay, 9/5/2006, hộ gia đình ông Trần Văn Lụa vẫn tiếp tục tồn tại trên phần đất thuộc hậu cung chùa Vân Hồ.

Trước đó, vụ việc này đã được UBND TP Hà Nội giải quyết rốt ráo, thấu tình đạt lý tại rất nhiều văn bản, trong đó có quyết định thu hồi phần đất ông Lụa đang ở trả lại nhà chùa và cấp đất tái định cư cho gia đình ông tại khu đô thị Đền Lừ. Theo quyết định số 3346/QĐ-UB ngày 28/5/2004 của UBND TP Hà Nội, hộ gia đình ông Lụa sẽ được cấp 50m2 đất tái định cư tại khu đô thị Đền Lừ.

Mọi căn cứ pháp lý và chế độ chính sách đối với hộ dân sống nhờ đất chùa đã được giải quyết ổn thỏa, vậy nhưng đến nay việc lấn chiếm đất chùa của ông Trần Văn Lụa vẫn không được chấm dứt. Di tích lịch sử cấp quốc gia vẫn đang bị xâm hại hàng ngày.

Trần Đức