Hạnh phúc tròn đầy của hai phận người không trọn vẹn hình hài
(Dân trí) - Họ sinh ra bình thường như những người khác nhưng rồi trở thành tật nguyền sau cơn bạo bệnh. Ông mất đi đôi mắt, bà mất đi đôi chân. Họ gặp nhau, người nọ bù trừ cho khiếm khuyết của người kia để trở thành một gia đình trọn vẹn.
Ông Sơn, bà Thủy hạnh phúc bên một nửa của mình.
Tuổi thơ nhuốm màu buồn
Sinh ra, ông Vương Đình Sơn (SN 1957, quê Nam Đàn, Nghệ An) vốn bình thường như những anh em khác trong nhà. Lên 3 tuổi, Sơn bị đau mắt, gia đình quá nghèo không thể đưa cậu con trai cả đi viện chạy chữa mà dùng mấy phương thuốc dân gian. Bệnh tình không những không khỏi mà ngày càng nặng hơn. Đôi mắt của Sơn mờ dần, khi lên 4 tuổi thì không còn nhìn thấy gì cả.
Đôi mắt không nhìn thấy có nghĩa là Sơn cũng chẳng được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Cuộc sống của Sơn cứ trôi qua trong buồn lặng và tủi phận. Bố mẹ ngày càng già, các em lớn lên có gia đình riêng, không muốn làm gánh nặng của mọi người, Sơn bắt đầu cuộc sống lang bạt kiếm sống.
Chật vật lo cho cuộc sống của mình, Sơn cũng chẳng dám nghĩ đến “đèo bòng” dù người đàn ông trong anh luôn khát khao có một mái ấm của riêng mình cho đến khi được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An (đóng tại huyện Đô Lương, Nghệ An). Tại đây, Sơn tìm được người phụ nữ của đời mình – cũng là một người chịu sự bất hạnh của số phận.
Bà Phan Thị Thủy (SN 1960, quê Can Lộc, Hà Tĩnh) sinh ra cũng lành lặn, khỏe mạnh. Lên 8 tuổi, sau một trận ốm thập tử nhất sinh, đôi chân của Thủy teo dần rồi bại liệt luôn từ đó. Năm 1991, cũng được coi là quá lứa lỡ thì, không còn trông mong vào người đàn ông nào đó sẽ đến với mình, bà Thủy được gia đình gửi ra Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An.
Hạnh phúc của hai mảnh ghép không hoàn chỉnh
Khi vào Trung tâm, ông Sơn được bố trí vào đội bán tăm còn bà Thủy ở trong đội sản xuất tăm. Hai người ở cùng một trung tâm, ở cách nhau cũng không xa lắm nhưng lại chẳng quen nhau. Hấp háy đôi mắt mờ đục, ông Sơn vui vẻ kể về kỷ niệm lần đầu quen nhau: “Bận đó, tôi đi bán tăm về, tiện đường bẻ lá sắn cho cá ăn. Trời nắng, khát nước khô cả cổ, nghe tiếng phụ nữ trong ngôi nhà gần ao, tôi đánh bạo xin miếng nước. Bà ấy bảo vào nhà uống chứ không đưa ra được. Tui lần theo bờ ao vào nhà. Từ bữa đó thì quen nhau”.
Quen biết nhau, hai người vẫn chỉ dừng lại ở chỗ giúp đỡ nhau bằng sự đồng cảm cùng cảnh ngộ. Thinh thoảng, ông Sơn giúp bà Thủy chẻ thân tre làm tăm, còn bà Thủy giúp ông Sơn vá víu, giặt giũ quần áo. Dần dần tình cảm nảy sinh nhưng khổ nỗi tình cảm của họ lại không được gia đình hai bên ưng thuận. Hai người khỏe mạnh lấy nhau sống còn chật vật, huống hồ là hai người tật nguyền? Cha mẹ thế này, liệu có chăm lo được cho các con hay lại làm gánh nặng cho người khác? Kệ, hai ông bà vẫn quyết tâm đến với nhau.
Khi bà Thủy mang bầu, chiếu theo quy định thì hai ông bà không được phép ở lại Trung tâm. Bà Thủy mang theo một sinh linh vừa mới hình thành dắt díu nhau về nhà bố mẹ bà Thủy để nương nhờ. Dù phản đối nhưng bố mẹ Thủy cũng không nỡ bỏ rơi con gái của mình. Ngày bà Thủy trở dạ, mọi người gần như nín thở chờ đợi bởi đôi chân tật nguyền như thế, liệu cuộc vượt cạn có mẹ tròn con vuông hay không? Bé gái Vương Thị Hoài Lam – được đặt theo tên dòng sông chảy qua quê cha, quê mẹ - nặng 3kg cất tiếng khóc chào đời trong tiếng thở phào của mọi người.
Sau thời gian ở cữ vất vả, bà Thủy lại ra Trung tâm với chồng. Chẳng ai nỡ gây khó khăn cho 3 con người khốn khổ này. Ông lại dò dẫm khắp nơi bán tăm, bà vừa chăm con, vừa vót tăm. Được ban lãnh đạo Trung tâm và những người cùng cảnh ngộ giúp đỡ, hai ông bà cũng lần hồi vượt qua được khó khăn bước đầu.
Bà Thủy có thai đứa con thứ 2. Cả gia đình lại tiếp tục dắt díu nhau về quê. Lần này là một thằng bé bụ bẫm, kháu khỉnh. Khó khăn lại chồng chất thêm khó khăn. Ông bà lại mang theo 2 con ra Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An tá túc.
Ông Nguyễn Xuân Phú – Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An nhớ lại: “Trung tâm chỉ giải quyết chế độ cho hai ông bà, vì hai đứa trẻ mới sinh không thuộc đối tượng được trợ cấp. Nhìn 4 người lớn bé ăn hai suất cơm đạm bạc của Trung tâm mà ai cũng rơi nước mắt. Nhiều người đã nhường cơm và thức ăn cho gia đình ông Sơn bà Thủy”.
Chị em cái Lam lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, của các bác, các cô cán bộ Trung tâm và những người cùng cảnh ngộ với cha mẹ mình. Thương cha mẹ, thương các cô, các bác, hai chị em bảo ban nhau tự giác làm những công việc vừa với sức của mình và cố gắng học hành thật giỏi.
“Dù chưa một lần được nhìn thấy con nhưng biết các con khỏe mạnh, lành lặn thì tôi thấy hạnh phúc lắm rồi. Hành trình bán tăm không chỉ còn quanh quẩn ở thành phố Vinh hay các huyện phụ cận mà có khi phải lên tận Tương Dương, Kỳ Sơn – cách nhà đến 200-300 cây số hay vào tận Miền Nam tôi cũng không thấy mệt nữa”, ông Sơn tâm sự.
Hai đứa con lớn lên rồi đi học. Hoài Lam theo học trường y, ra trường và đã lập gia đình. Còn thắng bé cũng đã lớn, nối tiếp chị thi vào Trường ĐH Y Vinh với ước mơ trở thành một bác sỹ giỏi.
Ngày ngày, ông vẫn mang túi tăm lên vai, dò dẫm đi khắp nơi để kiếm từng đồng bạc lẻ. Bà Thủy tuy phải lê từng bước chân nặng nhọc nhưng vẫn cố nuôi thêm con lợn con gà, trồng thêm luống rau tăng gia. Ít thì để ăn, nhiều thì mang bán. Gánh nặng kinh tế vẫn tiếp tục đè nặng trên hai đôi vai gầy nhưng ông bà chưa một lần hối hận về quyết định của mình.
“Còn vất vả lắm cô ạ. Nhưng cứ chiều chiều được đón ông ấy trở về, rồi cả nhà quây quần bên mâm cơm đạm bạc là thấy hạnh phúc lắm rồi. Con Lam lấy chồng rồi, tôi cũng đã lên chức bà ngoại. Nếu ngày đó không vượt qua được định kiến, vượt qua dư luận thì làm sao có được niềm hạnh phúc này”, bà Thủy cười, cái cười rạng rỡ xóa mờ vết hằn thời gian trên khuôn mặt.
Hai phận người không trọn vẹn hình hài nhưng họ đã dám đến, dám sống vì nhau. Hạnh phúc với họ giản dị như thế thôi…
Hoàng Lam