Hạnh ngộ xót lòng trong trại giam
Trại giam số 6 hôm ấy mưa tầm tã. Cái lạnh đầu đông mơn man, dường như càng làm cho cuộc gặp gỡ thêm ấm cúng, thấm đẫm nhân ái. Những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm thắm thiết...
Họ là người thân, đã từng có thời gian sống với nhau cùng một mái nhà hạnh phúc. Phút lầm lỡ đời người, tình thân xé nửa, tình nghĩa chia đôi. Người sau song sắt, kẻ ngoài xã hội cần mẫn thăm nuôi, mong ngày hạnh ngộ.
Ảnh minh họa
52 phạm nhân tiêu biểu, có nhiều cố gắng trong quá trình thụ án, được Ban giám thị trại giam số 6 (đóng tại xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An) chọn để đại diện cho hơn 1.000 phạm nhân tại phân trại K1, tổ chức Hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân. Ngày hội duy nhất trong năm, họ được gặp gỡ người thân của mình mà không bị hạn định về thời gian, không gian. Có thể khóc cười, ôm nhau thật chặt sau bao ngày đằng đẵng xa cách. Nắm bắt được khoảnh khắc gặp gỡ ấy, nên chúng tôi đã đến trại giam này từ rất sớm, để kịp chứng kiến, song hơn hai trăm người thân của các phạm nhân còn đến trước đấy cả tiếng đồng hồ. Bất luận mưa, bất luận gió và cả cái rét đầu đông mơn man khắp da thịt. Họ háo hức cũng là điều dễ hiểu, tình cảm dồn nén, tích tụ bấy lâu nay, chỉ chờ đợi có phút giây này.
Bà Trần Thị Phong (tên nhân vật đã được thay đổi - PV) ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Năm nay bước sang tuổi 75, sức khỏe không được tốt, đi tàu say tàu, đi xe say xe, nhưng nghe tin trại giam số 6, nơi con trai bà đang thu án tổ chức hội nghị gia đình phạm nhân, bà đã hối con dâu, con trai và con gái bắt chuyến tàu muộn vào Nghệ An. 5 giờ sáng, tàu vào ga Vinh. Chẳng kịp ăn sáng, bà cùng con cháu vẫy chiếc taxi chạy vội lên Thanh Chương để kịp gặp đứa con trai út, đang thụ án vì can tội sử dụng trái phép chất ma túy.
Bà Phong là người Hà Nội gốc, có 9 người con, có đứa đỗ đạt, thành danh, cũng có đứa chỉ là công nhân quèn, song điều bà tự hào nhất là chúng ngoan hiền, không chơi bời, đàn đùm với kẻ xấu. Cách đây tầm một năm về trước, biến cố gia đình đã xảy ra, làm đảo lộn cuộc sống của người mẹ già đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy này. Đó là một sáng tinh mơ, bà Phong vừa tỉnh dậy sau giấc ngủ mệt thì cảnh sát đến nhà, báo tin con trai út bà là Nguyễn Văn Kha, đã bị bắt tối hôm qua vì sử dụng ma túy. Hôm đó, sinh nhật bạn, Kha có đến tham dự, sau chầu nhậu sương sương, quên bẵng mẹ già, vợ trẻ và hai đứa con ở nhà, Kha vào phòng hát karaoke, phê phê nên cắn thuốc lắc. Đang say sưa lắc lư thì bị bắt quả tang. Với tang vật trong người là mấy viên hồng phiến, Kha bị kết án 28 tháng tù giam.
Quá tình tác nghiệp tại hội nghị, chúng tôi vô tình được chứng kiến cảnh, người mẹ già lập cập bước lên bậc tam cấp vào hội trường. Từ đằng xa, phạm nhân Kha ngoái lại thấy bóng dáng mẹ, cậu ta đã bật khóc rưng rức. Suốt buổi sáng, Kha hết lau nước mắt, ngoái lại nhìn mẹ già rồi lại quay sang phạm nhân bên cạnh, cười nói trong niềm tự hào tột độ khi giới thiệu về người mẹ của mình. "Con đã giảm án được 4 tháng, thời gian còn lại ở đây không nhiều nữa, con sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để được về với mẹ, với vợ và hai đứa con. Khó khăn lắm mọi người mới vào được để thăm nuôi, động viên. Nhìn thấy mẹ già thêm theo năm tháng, con ân hận lắm, nhất định trở về với xã hội, con sẽ sống thật tốt", phạm nhân Kha chia sẻ.
Chị Đặng Hoài Tâm năm nay đã 54 tuổi, đến tham dư hội nghị phải nhờ người hộ tống. Sở dĩ chúng tôi ấn tượng với chị bởi vì, chị ngồi trên chiếc xe lăn, đôi chân teo tóp đến trai giam thăm cậu con trai đang thụ án tại đây với niềm phấn chấn lạ thường. Chị hiện giờ đang sinh sống tại phường Quán Bàu (TP Vinh), trong ngôi nhà thiếu thốn, gió lộng tứ bề. Con trai chị, phạm nhân Nguyễn Hoài Nhân, năm nay mới 19 tuổi, thụ án 7 năm về tội cố ý gây thương tích. Chuyện của gia đình chị, từ hạnh phúc đến đau thương tàn nhanh như vệt nắng cuối chiều. Chung quy lại, cũng chỉ vì đứa con trai mà vợ chồng chị rất mực cưng chiều.
Con chị đang là sinh viên năm thứ nhất của một trường đại học tại Hà Nội. Một ngày chị bàng hoàng đón nhận hung tin, nó cùng chúng bạn gây gổ đánh nhau, hại chết một cậu bạn cùng lớp nên bị bắt giam. Trong nỗi đớn đau khôn tả, chị Tâm đón xe ra Hà Nội để gặp con. Lúc xe chạy đến quận Hoàng Mai, chưa kịp giáp mặt con thì một tai nạn bất ngờ xảy ra, chiếc xe ô tô 12 chỗ ngồi mà gia đình chị thuê lúc chui qua cầu vượt thì bị mất phanh, mất lái đâm trực diện vào chiếc xe đầu kéo kéo theo rơ moóc phía sau. Chị ngồi đầu xe nên bị nặng nhất, mê man bất tỉnh suốt ba ngày ba đêm. May mắn thoát khỏi thần chết, nhưng chị bị gãy cả hai chân, suốt đời chẳng thể đi lại được, phải sống trên chiếc xe lăn. Con trai bị kết án tù, chị đều đặn thăm nuôi hàng tháng: Gần như có dịp là chị lại lên trại giam gặp con, động viên nó gắng cải tạo tốt để về với gia đình, với xã hội, sớm làm lại cuộc đời.
Cùng chung nghịch cảnh, là trường hợp của chị Phan Thị Ngọc Anh, 52 tuổi ở tỉnh Sơn La. Chị Anh là cán bộ ngân hàng, hai đứa con cũng đã thành đạt, trưởng thành và nối nghiệp mẹ, làm việc tại các nhà băng trên địa bàn thành phố. Chồng chị làm nghề kinh doanh vận tải. Gia đình chị, đã có thời gian là mẫu mơ ước của bao người. Thế nhưng, thần tượng ấy nhanh chóng sụp đổ kể từ ngày chồng giải thể công ty, chuyển sang lái xe đường dài trên các cung đường Tây Bắc. Chính công việc rong ruổi trên các tuyến đường đã đẩy anh vào vòng lao lý.
Phạm nhân Trần Văn Tuân, án chung thân vì vận chuyển trái phép chất ma túy, là chồng của chị Phan Thị Ngọc Anh kể lại quá trình phạm tội của mình trong nước mắt: "Làm nghề lái xe thuê, nên đôi lúc cũng muốn có thêm dăm ba đồng ngoài lương để trang trải. Chính bởi vậy mà tôi nhận chuyển hàng hóa từ Sơn La, Lạng Sơn về Hà Nội cho các con buôn. Cũng chính vì tin tưởng bạn hàng nên không kiểm tra. Một lần, Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm, phát hiện ma túy với số lượng lớn trên xe, tôi bị bắt và bị kết án tù chung thân". Đó, hẳn là một bài học cay đắng, bởi từ sau khi chồng vào tù, gia đình chị Anh đã mất đi một nửa hạnh phúc. Đến nay, Trần Văn Tuân đã thụ án được 6 năm, đường về còn xa ngại nhưng vì vợ, vì con cháu, Tuân bảo, sẽ quyết tâm cải tạo tốt để mong ngày về ngắn lại.
Phạm nhân, dù phạm bất cứ tội lỗi nào, thì khi cánh cửa trại giam mở ra trước mắt, họ đều để lại sau lưng mình những số phận người thân bi đát. Những hình ảnh bất chợt bắt gặp trong ngày gặp lại trong hội nghị gia đình phạm nhân chỉ là một lát cắt rất mỏng trong dòng chảy miên man của trường đời. Phạm nhân Lương Thị Phượng, 24 tuổi đời, là một cây văn nghê chủ đạo trong đội văn nghệ phạm nhân. Hát hay, múa giỏi nhưng ít ai biết, Phượng có một hoàn cảnh gia đình riêng, vừa đáng thương, vừa đáng trách lại vừa khâm phục.
Lẽ dĩ nhiên, người đáng để chúng tôi phục ở đây không phải là Phượng, mà là người chồng nhẫn nại, đã từ bỏ được tấm áo sọc dọc, trở về xã hội nuôi con, chí thú làm ăn thành đạt chứ không phải ngựa quen đường cũ như Phượng. Chồng phạm nhân này, anh Trần Đình Khát, cũng từng lầm lỡ, thụ án tại phân trại K1, gặp và phải lòng Phượng, người đang thụ án vì dính vào ma túy. Ra trại, hai người kết hôn, sinh được hai đứa con. Trong khi Khát phải vào Sài Gòn mưu sinh thì Phượng ở nhà nuôi con. Xa chồng, công việc không ổn định đã khiến cho Phượng bị cuốn xoáy vào cuộc chơi không hợp pháp. Lần thứ hai, cô gái này sa ngã và phải vào trại. Khát ở nhà, vừa tiếp tục công việc kinh doanh, nuôi con vừa thăm nuôi vợ, mong ngày đoàn tụ.
Dịp này, mặc dù đang bộn bề với tá công việc cuối năm song Khát vẫn sắp xếp thời gian để về gặp và động viên vợ. Anh không bay thẳng ra Hà Nội được để đón con, nhưng người mẹ già nhân từ của anh, suốt mấy năm qua cưu mang cháu nội, cũng đã kịp đưa nó vào để gặp bố mẹ. Cuộc gặp gỡ trong hoàn cảnh khá đặc biệt éo le, song không gì có thể ngăn được tình cảm cha con, mẹ con. Đứa trẻ 5 tuổi, nhấm chừng lâu ngày không gặp mẹ, cứ ôm chầm lấy khóc cười trong khoảnh khắc. Từ lúc gặp đến khi tàn cuộc hội ngộ, nó cứ đòi mẹ cõng trên lưng. Nhìn thấy vợ con quấn quýt bên nhau, anh Trần Đình Khát vừa rơm rớm nước mắt, vừa chia sẻ, 7 năm là một quãng thời gian dài, song bằng tình yêu, anh tin vợ mình sẽ hướng thiện để làm lại từ đầu, ít ra cũng vì tương lai của con trẻ.
Trại giam số 6 hôm ấy mưa tầm tã. Cái lạnh đầu đông mơn man, dường như càng làm cho cuộc gặp gỡ thêm ấm cúng, thấm đẫm nhân ái. Những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm thắm thiết giữa người thân với nhau, và cả với những người đang làm công tác giáo dục hướng thiện với người thân của phạm nhân, rất thân thiện, hàm ơn và nhân văn. Tin rằng, có những buổi gặp gỡ như thế này, lỗi lầm sẽ bớt đi, tình người thêm gần lại.
Theo Cảnh sát Toàn cầu