1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hành động nhân văn của Sở GTVT TPHCM

(Dân trí) - Ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Vận tải Công nghiệp (Sở GTVT TPHCM), cho biết: “Sắp tới, Sở sẽ dùng từ “khuyết tật” thay từ “tàn tật” trên thẻ xe buýt miễn phí cho đối tượng này vì một đề nghị mang nhiều yếu tố nhân văn”.

Trong buổi báo cáo tình hình hoạt động xe buýt 6 tháng đầu năm 2008 diễn ra vào chiều ngày 18/6, ông Tính cho biết thêm: “Cách đây 1 tuần, một người khuyết tật (NKT) khi đến Sở nhận thẻ xe buýt miễn phí đã đề xuất với chúng tôi chỉ nên để tên là thẻ miễn phí hoặc thẻ xe buýt miễn phí phục vụ NKT thay cho tên hiện nay là Thẻ xe buýt miễn phí phục vụ người tàn tật”.

 

Lý do NKT này đưa ra là: từ tàn tật khiến anh ấy tự ti về tình trạng của bản thân mình và cảm thấy đó là một sự thương hại chứ không phải ưu tiên. Ông Tính cho rằng: “Tuy đó chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt nhưng là yếu tố rất nhân văn. Chúng tôi đã đề xuất ban lãnh đạo Sở, trong tuần tới sẽ chính thức sửa tên thẻ thành Thẻ xe buýt miễn phí phục vụ người khuyết tật”.

 

Được biết, vào ngày 14/7/2006, tại khách sạn Melia Hà Nội, Văn phòng Điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Khái niệm và từ ngữ về người tàn tật”. 

 

Các đại biểu tại hội thảo cho là: Về mặt ý nghĩa, từ tàn tật mang nghĩa tiêu cực, nặng nề khi chỉ về nhóm đối tượng này. Việc dùng từ tàn tật sẽ khiến người khác có suy nghĩ những người này không còn khả năng gì, không có hy vọng gì. Điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến sự nỗ lực phấn đấu vượt khó khăn của bản thân họ. 

 

Trả lời Dân trí về vấn đề NKT dễ ngã khi được hỗ trợ lên xuống thang nâng theo phương pháp quay mặt ra đường mà Dân trí đã đề cập trong 1 bài viết trước đây, ông Đặng Thế Trung - Chánh văn phòng Sở GTVT TPHCM - cho biết: “Chúng tôi sẽ rà soát lại và nhờ các đơn vị có kinh nghiệm tư vấn thêm. Trong tuần tới, chúng tôi sẽ in các tờ hướng dẫn phát cho nhân viên xe buýt phục vụ các tuyến xe dành cho NKT để tham khảo trong cách hỗ trợ NKT”.

Từ khuyết tật thì có ý nghĩa là những khiếm khuyết, giảm chức năng và vẫn có khả năng phục hồi chức năng, vẫn còn hy vọng. Nó mang ý nghĩa tích cực hơn. Cuối cùng, hội thảo kết luận là cần thiết sử dụng từ khuyết tật thay cho tàn tật để thể hiện tính nhân văn và đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng NKT. Tuy nhiên, vẫn chưa có văn bản chính thức nào của Chính phủ quy định điều đó. 

 

Do vậy, việc Sở Giao thông Vận tải TPHCM chính thức sử dụng từ khuyết tật thay cho từ tàn tật là hành động nhân văn, đáp ứng được nguyện vọng của cộng đồng NKT. 

 

Chị Lưu Thị Ánh Loan - Chủ tịch hội Thanh niên Khuyết tật TPHCM - chia sẻ: “Vấn đề từ ngữ để gọi chúng tôi đã được nhiều đơn vị chú ý lắng nghe và chia sẻ, cảm thông; nhưng chưa thấy đơn vị nào thay đổi. Hành động này cho thấy Sở GTVT TPHCM đã lắng nghe thực sự nguyện vọng của chúng tôi”.

 

Ngoài ra, ngay từ ngày 30/4/2006, Sở GTVT TPHCM đã tiên phong thực hiện miễn phí vé xe buýt cho NKT trên tất cả các tuyến. Năm 2007 đưa hai tuyến xe buýt có xe sàn thấp chuyên dụng cho NKT vào hoạt động. Năm 2008 lại đưa thêm 2 tuyến xe buýt dùng thang nâng xe lăn để phục vụ NKT vào hoạt động. Sở cũng đang nghiên cứu triển khai đề án “Hỗ trợ người khiếm thị đi xe buýt” để giúp người khiếm thị chủ động đón xe buýt.

 

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm