Hàng Trung Quốc “biến hóa” xuất xứ
Sau thông tin một số hàng hoá từ Quảng Đông nhiễm độc, cùng một mẫu áo thun, vài ngày trước chúng tôi được giới thiệu là hàng Trung Quốc thì nay người bán hàng cho biết xuất xứ tại Hồng Kông, một sạp khác lại khẳng định là hàng Việt Nam... nhái mẫu Trung Quốc.
Chúng tôi thắc mắc sao vài ngày trước, cũng chiếc áo này nhưng người bán bảo là hàng cao cấp nhập từ Trung Quốc. Chị bán hàng hạ giọng: “Đúng đó là hàng Trung Quốc, song vài ngày nay rộ lên chuyện quần áo Quảng Đông chứa chất độc hại nên tụi tôi phải nói xuất xứ khác đi cho dễ bán”.
Theo nhiều tiểu thương, phần lớn khách hàng có thói quen chọn theo sở thích, mặc vào thấy đẹp là mua. Ít ai quan tâm đến việc sản phẩm có độc hại hay không, xuất xứ từ đâu nên người bán muốn quảng cáo hàng ở đâu cũng được.
Trong khi đó, các cửa hàng chuyên kinh doanh đồ chơi trẻ em trên đường Ngô Nhân Tịnh (quận 6) và các đường phố gần chợ Bình Tây khá vắng khách. Chủ một cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Ngô Nhân Tịnh cho biết hai hôm nay ít có khách lẻ ghé, song khách sỉ thì vẫn mua hàng đều đều.
“Tôi cũng có nghe tin hàng Quảng Đông độc hại nhưng không thấy ai lấy mẫu kiểm tra hay nhắc nhở gì hết. Chắc sức mua sẽ chậm vài ngày, sau thì đâu lại vào đó thôi”, người bán hàng thản nhiên.
Sẽ cảnh báo người tiêu dùng
Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ người tiêu dùng VN Hồ Tất Thắng cho biết hội vẫn chưa nhận được thông tin chính thức từ cơ quan chức năng về chuyện quần áo và đồ dùng trẻ em sản xuất ở Quảng Đông có chứa hóa chất độc hại.
Theo ông Thắng, nếu cảnh báo của cơ quan chức năng Trung Quốc chính xác, số hàng hóa này tràn về VN sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là trẻ em. Vì thế, hội sẽ lên tiếng cảnh báo đến người tiêu dùng khi có đầy đủ thông tin và cơ sở khoa học về vấn đề này từ cơ quan chức năng.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, một lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM cho biết gần đây, lực lượng QLTT đã kiểm tra, phát hiện nhiều vụ kinh doanh quần áo, đồ dùng trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc , phần lớn là hàng cấm, hàng lậu, không có hóa đơn, chứng từ. Tuy nhiên, từ khi có thông tin quần áo, đồ dùng trẻ em từ Quảng Đông chứa chất độc hại, sở chưa nhận được chỉ đạo gì của UBND TPHCM và cũng chưa có kế hoạch kiểm tra các mặt hàng này.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên phó viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng, cho biết trước giờ viện chưa thực hiện lấy mẫu quần áo trên thị trường để kiểm tra hàm lượng hóa chất. Theo bác sĩ Mai, ngoài khả năng nhiễm formaldehyde, các loại quần áo màu sắc sặc sỡ còn có thể gây dị ứng cho người mặc. Nhất là các loại quần áo cũ mà người bán làm mới bằng các phẩm màu công nghiệp độc hại, khi mặc vào sẽ gây kích ứng da, dẫn đến dị ứng hàng loạt.
Ráo riết kiểm tra quần áo, đồ chơi Quảng Đông
Chiều 30/5, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cho biết thông tin về nhiều mặt hàng quần áo và đồ dùng trẻ em sản xuất ở Quảng Đông chứa chất độc hại đã gây hoang mang cho người tiêu dùng trong nước. Bộ Công Thương đã yêu cầu các chi cục QLTT tăng cường kiểm tra các mặt hàng quần áo và đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc, đặc biệt là ở Quảng Đông.
Thông tin xuất hiện đúng vào dịp Quốc tế Thiếu nhi (1/6) - thời điểm mà nhiều gia đình mua sắm quần áo, đồ chơi cho con em, do đó, Bộ Công Thương đã đề nghị các cơ quan chức năng ráo riết kiểm tra và báo cáo kết quả về bộ vào đầu tuần tới.
Theo Người lao động