1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hàng trăm người mất ăn mất ngủ khi 3 đường dây huy động vốn tuyên bố vỡ nợ

Hoàng Lam

(Dân trí) - Mấy ngày nay, ông B.H. (trú xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) mất ăn mất ngủ khi cả 3 đầu mối nhận tiền gửi của ông đều tuyên bố vỡ nợ, mất khả năng chi trả.

Ngày 21/10, ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), cho biết liên quan đến thông tin nhiều người dân xã Quỳnh Long bị mất nhiều tỷ đồng khi gửi tiền vào các đường dây huy động vốn trên địa bàn, UBND huyện đã giao công an huyện làm rõ.

"Công an huyện đang xác minh, lúc nào có báo cáo cụ thể chúng tôi sẽ thông tin", ông Thưởng nói.

Trước đó tối 18/10, nhiều người dân tập trung trước cửa gia đình bà B.T.N. (thôn Cộng Hòa), bà T.T.H. (thôn Minh Thành) cùng xã Quỳnh Long, gây áp lực yêu cầu hai người này trả lại tiền.

Trước tình trạng người dân tập trung đông, la hét, mở nhạc công suất lớn, chính quyền xã Quỳnh Long phải cử lực lượng có mặt để ổn định trật tự, vận động người dân giải tán.

Hàng trăm người mất ăn mất ngủ khi 3 đường dây huy động vốn tuyên bố vỡ nợ - 1

Người dân tập trung trước cửa nhà bà H. để gây áp lực, yêu cầu trả lại tiền tối 18/10 (Ảnh: Hùng Tiến).

Theo phản ánh của nhiều người dân, bà N. và bà H. là 2 đầu mối huy động tiền gửi lãi suất cao trên địa bàn. Rất nhiều người dân trong xã đã gửi tiền cho các cá nhân này, tuy nhiên cả 2 người đột ngột tuyên bố vỡ nợ, mất khả năng trả lại tiền khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Thông tin vụ vỡ nợ của chủ các đường dây huy động vốn diễn ra được 4 ngày nhưng ông B.H. (SN 1963, trú xã Quỳnh Long) vẫn chưa hết sốc. Sau sự bàng hoàng, người đàn ông từng vào nam ra bắc làm ăn đổ ốm, nằm bệt trên giường.

Ông B.H. tham gia gửi tiền vào 3 đường dây huy động vốn của bà N., bà H. và bà N.T.V. (trú thôn Minh Thành). Tính đến thời điểm những người này tuyên bố vỡ nợ, ông H. đã gửi tổng cộng 9 tỷ đồng.

Số tiền này, ngoài toàn bộ gia sản của gia đình, ông H. còn vay mượn bên ngoài để gửi lấy tiền lãi. Trước khi các đường dây huy động vốn tuyên bố vỡ nợ, mỗi tháng, ông H. nhận hơn 130 triệu đồng tiền lãi.

"Lúc đầu tôi chỉ gửi cho bà T.T.H., thủ tục nhanh gọn, lãi suất 1,5%/tháng. Thấy họ trả lãi đều đặn, bản thân họ cũng làm ăn phát đạt, hay làm từ thiện nên tôi càng tin, gửi nhiều hơn. Sau này tôi tham gia gửi tiền thêm cả bên nhà bà N., bà V.

Cách thời điểm tuyên bố vỡ nợ ít ngày, họ vẫn mời tôi gửi tiền. Khoản tiền này tôi định dùng mua đất nhưng chưa mua được, nghĩ gửi vào lấy thêm đồng lãi, khi rút cũng nhanh gọn, không mất nhiều thủ tục như gửi ngân hàng. Cứ tin tưởng họ cùng làng, cùng xã, ai ngờ đâu...", ông H. rầu rĩ nói.

Hàng trăm người mất ăn mất ngủ khi 3 đường dây huy động vốn tuyên bố vỡ nợ - 2

Ông H. gửi vào 3 đường dây huy động vốn lãi suất cao và đứng trước nguy cơ mất trắng (Ảnh: Hùng Tiến).

Người đàn ông này phải bán rẻ ô tô mới mua để trả bớt số tiền vay bên ngoài. Mới đây, ông B.H. đã có đơn trình báo sự việc tới UBND xã Quỳnh Long.

"UBND xã Quỳnh Long đã chuyển đơn của tôi và của nhiều người khác lên Công an huyện Quỳnh Lưu. Phía công an cũng mời những người có liên quan lên lấy lời khai", ông H. nói.

Theo phản ánh, rất nhiều hộ dân xã Quỳnh Long và một số xã lân cận đã gửi tiền vào các đường dây huy động vốn lãi suất cao của bà N., bà H. và bà V. Người gửi ít vài chục triệu đồng, người gửi nhiều hàng chục tỷ đồng.

Nguồn tin riêng của phóng viên Dân trí tiết lộ, nhiều người dân mang tiền tiết kiệm, tiền dưỡng già, tiền chuẩn bị để làm thụ tinh nhân tạo... gửi vào các đường dây huy động vốn nói trên nhằm hưởng lãi suất cao, từ 1,5% đến 3%/tháng.

Trong số người gửi tiền có cả người thân của cán bộ xã Quỳnh Long. Ước tính số tiền người dân gửi cho các đường dây huy động vốn trên lên tới cả trăm tỷ đồng.

Để tìm hiểu thêm vụ việc, phóng viên Dân trí đã liên hệ với lãnh đạo UBND xã Quỳnh Long nhưng không nhận được phản hồi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm