1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hàng trăm ngàn nông dân có nhà lầu xe xịn nhưng vẫn đói

Dùng tiền đền bù thu hồi đất để xây nhà, mua sắm đồ dùng học nghề thay vì tìm việc làm, đầu tư sản xuất, 1/3 trong tổng số 2,5 triệu nông dân mất đất đang có điều kiện sống thấp hơn trước. Nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo.

>> Làng bán đất để... chơi

 

Ông Nghiêm Trọng Quý, Tổng cục phó Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), cho biết, trong các năm 2001-2005, mỗi năm nông dân cả nước phải nhường 74.000 ha đất sản xuất phục vụ cho các khu công nghiệp, đô thị. Trung bình mỗi ha đất ảnh hưởng tới 10 lao động thì việc thu hồi đất nông nghiệp và đất ở trong 5 năm qua đã tác động tới đời sống khoảng 2,5 triệu nông dân.

 

Nhận tiền đền bù do thu hồi đất, nông dân hăm hở xây nhà, mua sắm phương tiện, đồ dùng sinh hoạt, nhưng lại không chú trọng học nghề, đầu tư sản xuất, tạo việc làm. Sau một vài năm, tiền đền bù hết, nghề không có, nhiều hộ lại lâm vào cảnh đói nghèo. Hiện tại, tỉnh Hà Tây có trên 35.000 nông dân thất nghiệp do mất đất. Con số này tại Vĩnh Phúc là 22.800, Đồng Nai 11.000, Hải Dương gần 10.000 người.

 

Ông Quý cũng như hầu hết đại biểu tham dự hội thảo dạy nghề cho lao động ở khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất, được tổ chức hôm nay tại Hà Nội, đều khẳng định dạy nghề, giải quyết việc làm là vấn đề bức xúc nhất để ổn định cuộc sống của nông dân mất đất. “Tuy nhiên, công tác này lại đang gặp rất nhiều khó khăn nên kết quả đạt được còn hạn chế”, ông Quý thừa nhận.

 

Tại Hà Nội, nơi có 138.000 hộ nông dân bị thu hồi đất, trong 3 năm qua, toàn thành phố mới tổ chức thí điểm được 27 lớp dạy nghề cho 754 học viên. Tại Đồng Nai, giai đoạn 2003-2005, chỉ có hơn 500 nông dân thuộc khu vực lòng hồ Trị An được học nghề dài hạn, hơn 7.500 người học nghề ngắn hạn.

 

Theo Hồng Khánh

VnExpress