1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Hàng trăm hộ dân lo lắng vì sông “ngoạm” vào làng

(Dân trí) - Mấy ngày nay trên 200 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu thôn Phước Yên (xã Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) ăn ngủ không yên vì nước sông đang từng ngày “ăn” sát nhà cửa, ruộng vườn…

Mùa này, nước lũ từ thượng nguồn đổ về làm cho con sông Vu Gia - Quảng Huế đoạn chảy qua thôn Phước Yên nước đục ngầu cuồn cuộn chảy và đẩy thẳng vào bờ khiến hàng ngàn mét vuông đất đai, ruộng vườn của người dân nơi đây bị trôi tuột xuống sông.
 
Hàng trăm hộ dân lo lắng vì sông “ngoạm” vào làng - 1
Rất nhiều người dân thôn Phước Yên lo lắng vì sông đang “ngoạm” vào làng
 
Không những ruộng vườn bị “hà bá” nuốt chửng, hiện nay có khoảng 70 ngôi nhà sát mép sông cũng bị đe dọa khiến người dân ở đây hết sức hoang mang. Ông Nguyễn Quang Năm mới xây được ngôi nhà 2 tầng bề thế cách bờ sông khoảng 15m lo lắng: Cứ với mức độ sạt lở như thế này, căn nhà tôi gop góp mấy chục năm nay mới xây được không sớm thì muộn cũng bị đổ xuống sông.
 
Hàng trăm hộ dân lo lắng vì sông “ngoạm” vào làng - 2
Đất ruộng giờ dựng đứng bên dòng sông chảy xiết

Cũng như ngôi nhà bề thế của ông Năm, mấy chục hộ dân ở đây đang mất ăn mất ngủ khi bờ sông Vu Gia - Quảng Huế ngày đêm “ngoạm” vào làng. Người dân cho biết, chưa năm nào bờ sông này sạt lở mạnh như năm nay; nhất là từ ngày 15/10 đến nay, mỗi ngày sông “ăn” vào vài mét đất với chiều dài trên 1.000m.

Chỉ tay ra giữa sông với nhiều bụi tre giờ đã nằm giữa dòng nước, ông Nguyễn Quang Thịnh (trú tổ 1, thôn Phước Yên) nói: Đó, bụi tre của tui đó mấy bữa trước còn nằm trong bờ nay sông đã cuốn ra đó rồi, không biết sông còn lở đến bao giờ nữa đây, chúng tôi lo quá đi chú ơi.
 
Hàng trăm hộ dân lo lắng vì sông “ngoạm” vào làng - 3
Trưởng thôn Phước Yên - ông Huỳnh Thiên chỉ ngôi nhà kiên cố của ông Nguyễn Quang Năm cách bờ sông khoảng 15m có nguy cơ bị “hà bá” nuốt

Gần nhà ông Thịnh là bà Nguyễn Thị Mua cũng đang thấp thỏm bởi sông cũng đã tiến đến cách nhà bà khoảng 15m. Bà Mua lo âu: Mấy ngày nay trời mưa gió chúng tôi không thể ngủ được chú à. Đêm nào cũng nghe sông lở ầm ầm làm chấn động đến nhà mà tôi lo quá, không đêm nào mà tôi ngủ ngon giấc.

Theo người dân ở đây cho biết, đã có 5 hộ sát bờ sông đã dọn nhà đến nơi khác vì không thể ở được. “Đó là những ngôi nhà làm bằng tre, gỗ chứ nhà xây thì làm sao mà dời đi được”, ông Huỳnh Thiên, trưởng thôn Phước Yên nói với chúng tôi.
 
Hàng trăm hộ dân lo lắng vì sông “ngoạm” vào làng - 4
Bờ sông vẫn đang tiếp tục lở

Ông Thiên cho biết, từ đầu mùa mưa đến nay, thôn Phước Yên này đã có vài ha đất ruộng bị “hà bá” nuốt chửng, hàng trăm bụi tre người dân trồng để chống xói lở cũng bị cuốn trôi xuống sông. “Rất may ở đây chưa xảy ra vụ tai nạn chết người nào do sông sạt lở, nếu cứ kéo dài tình trạng này, sẽ có người dân chạy không kịp cũng sẽ bị trôi xuống sông thôi”, ông Thiên nói.

Để chúng tôi được tận mắt chứng kiến bờ sông sạt lở thế nào, anh Nguyễn Quang Tô, làm nghề đánh cá trên sông này bảo chúng tôi lên ghe ông chở đi một vòng để thấy mức độ xói lở khủng khiếp của bờ sông.
 
Hàng trăm hộ dân lo lắng vì sông “ngoạm” vào làng - 5
Nhiều bụi chuối...
 
Hàng trăm hộ dân lo lắng vì sông “ngoạm” vào làng - 6
... bụi tre của người dân giờ đã nằm giữa sông

Anh Tô cho biết nhà anh cũng như nhiều nhà khác ở đây, thời gian gần đây cuộc sống bị đảo lộn vì ngày đêm lo canh sông lở để… chạy, nhất là những đêm mưa gió, nhiều người phải thức trắng đêm để canh.

Nguyên nhân đoạn sông này sạt lở mạnh, theo người dân ở đây cho biết mấy năm trước không có tình trạng này nhưng năm ngoái đoạn sông này được chính quyền địa phương “chỉnh trị”, nạo vét khơi thông dòng chảy nên năm nay mới xảy ra tình trạng sạt lở mạnh. Hơn nữa, đoạn sông này nằm ngay khúc cua nên khi nước từ trên nguồn đổ về dội thẳng vào làng cũng là một trong những nguyên nhân gây sạt lở.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại của người dân là khi nước lũ dâng cao bờ sông sạt lở đã đành mà khi nước xuống tốc độ sạt lở cũng rất nhanh khi nước xói mạnh dưới chân đất tạo ra hàm ếch, do đó dù nhiều khi trời không mưa gió nhưng đất vẫn lở ầm ầm.

Không thể rời bỏ ruộng vườn nhà cửa đi nơi khác vì người dân đã sống ổn định ở đây mấy chục năm qua, mong mỏi lớn nhất của người dân là được nhà nước xây kè để bảo vệ nhà cửa, hoa màu và tính mạng của người dân.

Trao đổi với PV Dân trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc – ông Phan Đức Tính cho biết, sau đợt mưa lũ vừa qua, huyện đã đi khảo sát và có làm tờ trình gởi lãnh đạo tỉnh báo cáo về tình trạng này. Trước mắt, để khắc phục tạm thời tình trạng sạt lở, ông đề nghị tỉnh có nguồn kinh phí nào khẩn cấp để chống xói lở ở đoạn sông này. Về lâu dài, huyện sẽ lập dự án để báo cáo với tỉnh và Trung ương vì muốn xây kè cần phải có nguồn kinh phí rất lớn.

Theo ông Tính, nên xây kè chứ không thể dời dân đi vì không có quỹ đất dành cho các hộ dân này, hơn nữa xây kè mặc dù kinh phí lớn nhưng sẽ bảo vệ đất đai, hoa màu và người dân vẫn ở được lâu dài nơi chôn nhau cắt rốn của họ.

“Mỗi năm trên địa bàn huyện có khoảng 50ha đất bị mất do tình trạng sạt lở, nhất là những xã ven sông. Tốc độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây do biến đổi môi trường và sự tàn phá thiên nhiên của con người. Hiện trên địa bàn huyện mới chỉ có 5km được kè với kinh phí khoảng 250 tỉ đồng, còn khoảng 14km bị sạt lở nặng chưa được kè trên tổng số 50km bờ sông chảy qua địa bàn huyện”, ông Tính cho biết.

Ông Tính cũng khuyên người dân nên chủ động phòng tránh thiên tai bằng cách sơ tán khi có mưa lũ xảy ra để không thiệt hại đến tính mạng và tài sản, về lâu dài dứt khoát phải có phương án xây kè để người dân yên tâm làm ăn.

Một số hình ảnh sạt lở đoạn sông Quảng Huế - Vu Gia được PV Dân trí ghi lại

Hàng trăm hộ dân lo lắng vì sông “ngoạm” vào làng - 7
 

Hàng trăm hộ dân lo lắng vì sông “ngoạm” vào làng - 8

Hàng trăm hộ dân lo lắng vì sông “ngoạm” vào làng - 9

Hàng trăm hộ dân lo lắng vì sông “ngoạm” vào làng - 10

Hàng trăm hộ dân lo lắng vì sông “ngoạm” vào làng - 11

Hàng trăm hộ dân lo lắng vì sông “ngoạm” vào làng - 12

Công Bính