Hà Tĩnh:
Hàng trăm hộ dân “bơ vơ” trên đất của mình
(Dân trí) - Họ là những người đầu tiên khai hoang phục hoá, gắn bó với núi rừng Hương Sơn (Hà Tĩnh) từ hơn 50 năm nay. Nhưng đến nay, 160 hộ gia đình công nhân Nông trường Chè Tây Sơn ấy đang đứng trước nguy cơ không một tấc đất “cắm dùi”.
Nửa thế kỷ làm “không công”
Năm 1959, theo lời kêu gọi của Đảng, hàng trăm thanh niên tình nguyện từ miền xuôi lên với rừng núi Hương Sơn để xây dựng vùng kinh tế mới và làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên cương tổ quốc.
Ông Nguyễn Văn Hoà, một công nhân trú tại xóm Tiền, kể: “Khi tôi mới lên đây khai hoang, ngày cũng như đêm nằm giữa rừng nghe tiếng voi gầm, hổ thét, nhiều người hốt hoảng không dám ngủ, không dám ra khỏi nhà”. Nhưng với sức trẻ, ý chí, lòng nhiệt huyết, họ đã biến vùng rừng núi hoang vu thành những đồi chè bạt ngàn xanh tốt.
Họ đã đem lại sự sống cho mảnh đất này, nhưng lại đứng trước nguy cơ không có quyền sử dụng đất hợp pháp.
Ông Nguyễn Văn Nhâm, Giám đốc Xí nghiệp chè Sơn Tây, cho biết: “Nông trường đã bố trí đất ở cho các công nhân viên chức, hưu trí,… Nhưng đến khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới phát hiện toàn bộ số diện tích đất này thuộc địa giới hành chính của xã Sơn Tây, trong khi hộ khẩu của họ lại do xã Sơn Kim 2 quản lý. Chính vì sự bất cập đó mà đến nay hàng trăm hộ gia đình công nhân đành phải chịu thiệt thòi”.
Chính quyền thiếu trách nhiệm
Dân trí đã có buổi trao đổi trực tiếp với lãnh đạo địa phương và được ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Sơn Tây, trả lời rõ ràng: “Vấn đề đất của 160 hộ dân này chỉ có hai hướng giải quyết. Thứ nhất, xã Tây Sơn cắt số diện tích đất mà bà con đã ở giao lại cho xã Sơn Kim 2 quản lý. Thứ hai, xã Sơn Kim 2 chuyển toàn bộ số nhân khẩu thuộc hai thôn trên cho xã Sơn Tây để địa phương làm thủ thục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ”.
Tuy nhiên, ngay sau đó ông chủ tịch xã lại “kèo” thêm một câu: “Nói thế thôi, nếu thực hiện phương án 1, chúng tôi phải thông qua hội đồng nhân dân xã, mà các anh biết đấy, các vị hội đồng thì bảo thủ lắm, họ chẳng đời nào đồng ý cắt đất đâu”.
Ông Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 lại giải thích kiểu khác: “Chúng tôi hoàn toàn nhất trí lựa chọn một trong hai phương án trên. Tuy nhiên, người dân ở đây lại không muốn về xã Sơn Tây vì họ sợ cắt mất chế độ 135”.
Ông Nguyễn Đình Công, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện trao đổi với chúng tôi: “Chúng tôi đã nhiều lần họp nhau lại để bàn cách giải quyết nhưng vẫn còn gặp phải nhiều vấn đề nan giải”. Ông này hứa sẽ “bằng mọi cách cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân” nhưng thời hạn thì lại thuộc “thẩm quyền phòng nội vụ, chứ chúng tôi không có quyền quyết định”.
Trong khi chính quyền đang phân vân thì dân là người chịu thiệt. Nhiều hộ dân thiếu vốn làm ăn, không có sổ đỏ để thế chấp ngân hàng. Ông Lê Văn Hoà bức xúc: “Người dân chúng tôi bao nhiêu năm đổ mồ hôi, công sức trên mảnh đất này, lý do gì chúng tôi không được cấp đất? Chúng tôi không cần biết đất ở đây thuộc địa phận xã nào, chỉ cần biết đã 50 năm lập nghiệp trên mảnh đất này, nay một tấc cắm dùi hợp pháp cũng không có”.
Minh San - Văn Dũng