Hải Phòng:
Hàng trăm hộ dân 13 năm cầm sổ đỏ ảo đi đòi đất thật
(Dân trí) - 132/164 hộ dân mặc dù đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, thậm chí trong đó còn có tới 82 hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ - sổ đỏ) nhưng không hiểu sao sau 13 năm vẫn đội đơn đi đòi đất bởi diện tích đất mà họ được cấp vẫn chỉ... nằm trên giấy.
Dự án đã thu tiền của dân nhưng 13 năm chưa xong cơ sở hạ tầng
Ngày 21/2/2003, UBND xã An Đồng có công văn (không có số) về việc xin quy hoạch khu đất sản xuất kém hiệu quả để giao đất cho công nhân làm nhà ở.
Ngày 5/9/2003, UBND huyện An Dương ra quyết định số 301/QĐ- UB về việc thu hồi đất nông nghiệp xen cư, chân tre, rìa làng, sản xuất kém hiệu quả để giao cho công dân làm nhà ở tại thôn Văn Cú, Vân Tra, xã An Đồng, huyện An Dương. Tổng diện tích thu hồi là 49.000 m2, được giao cho 232 hộ dân.
Ngày 29/7/2003, Hội đồng xét duyệt giao đất làm nhà ở xã An Đồng có biên bản đề nghị xin giao đất cho công dân làm nhà ở. Việc giao đất được chia làm 2 phần: Một do huyện thực hiện với tổng diện tích 40.854 m2, giao cho 164 hộ và hai là UBND xã An Đồng với diện tích 1.399m2 được giao cho 68 hộ.
Tuy nhiên sau đó chỉ phần dự án thuộc xã An Đồng là được giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, bàn giao đất và cấp GCNQSDĐ cho 68 hộ gia đình, cá nhân, đến nay không còn vướng mắc, khiếu nại gì.
Còn phần dự án do huyện làm chủ đầu tư và thực hiện (được chia nhỏ với diện tích từ 85 đến 120 m2/lô) thì cho đến nay, sau 13 năm, mặc dù đã có 132/164 hộ thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính với tổng số tiền lên tới gần 12.800 triệu đồng, 82 hộ đã có GCNQSDĐ nhưng vẫn chưa xây dựng được cơ sở hạ tầng. Đường, hệ thống cấp nước, thoát nước, đường điện đều chưa có nên chưa bàn giao được cho dân.
Dân khốn khổ đội đơn đi đòi đất
Theo bà Nguyễn Thị Băng (SN 1974, ở xã An Đồng), gia đình bà đã nhiều lần làm đơn gửi các cấp chính quyền về việc mặc dù gia đình bà đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, đã nộp tổng cộng hơn 71 triệu đồng và đã được cấp GCNQSDĐ tại khu đất trên từ năm 2004, nhưng đến nay đã hơn 10 năm trôi qua vẫn chưa nhận được diện tích đất đã được cấp.
Bà Băng cho biết thêm, để có tiền thực hiện nghĩa vụ, gia đình bà đã phải đi vay mượn, thậm chí vay nợ lại để nộp nhưng chính quyền xã, huyện hết lần này đến lần khác đều né tránh đùn đẩy và không có hướng giải quyết khiến gia đình rất bức xúc.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Nhính (SN 1962, ở An Đồng) cũng đã có đơn tố cáo gửi tới các cấp chính quyền về việc gia đình bà vay mượn quá nhiều để có tiền thực hiện nghĩa vụ với mong muốn được chính quyền giao đất để làm nhà ở. Tuy nhiên đến nay theo bà Nhính, gia đình bà vẫn chưa nhận được hướng xử lý, giải quyết từ các cấp chính quyền.
Không chỉ các hộ dân trên mà hàng trăm hộ dân khác cũng rơi vào tình cảnh khốn khổ như trên. Theo các hộ dân này, họ đã mòn mỏi đội đơn kêu cứu từ chính quyền xã đến huyện, thậm chí gửi cả thành phố nhưng mọi việc vẫn rơi vào im lặng. Dân vẫn không được giao đất làm nhà ở.
Không chỉ đòi đất, nhiều hộ dân thuộc dự án này còn đặt dấu hỏi về khoản tiền gần 12,8 tỷ đồng đã thu của dân từ 13 năm trước, nay đang ở đâu? Liệu có phải số tiền này đã bị sử dụng vào mục đích khác?
Huyện An Dương trong một báo cáo đã xác nhận tình trạng 132 hộ dân đã thực hiện xong nghĩa vụ, thậm chí đã có GCNQSDĐ nhưng đến nay vẫn chưa được giao đất.
Tại cuộc làm việc với phóng viên Dân trí vào ngày 31/10, đại diện huyện An Dương thừa nhận việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng tại dự án này đến nay vẫn "chưa đâu vào đâu", chưa có đường, hệ thống cấp nước, thoát nước, điện… nên chưa thể bàn giao đất cho 164 hộ dân.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc gây bức xúc trong dân này.
An Nhiên