Quảng Nam:
Hàng trăm ha ruộng có nguy cơ bỏ hoang vì “lũ cát”
(Dân trí) - Mặc dù đã bước vào vụ sản xuất mới nhưng hàng trăm ha đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đang có nguy cơ phải bỏ hoang sau đợt lũ vừa rồi vì bị cát bồi lấp không thể tiếp tục sản xuất được.
Thôn 10 (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) như một ốc đảo nổi lên giữa dòng Vu Gia đang chia làm 2 nhánh. Dù đã quá quen thuộc với cảnh năm nào cũng có lũ, nhưng năm nay khi nước lũ vừa rút thì hàng trăm hộ dân nơi đây đều không tin ở mắt mình bởi cánh đồng canh tác của làng bị cát trắng bao phủ.
Nông dân Trần Xâng (53 tuổi), cho biết: Năm nào cánh đồng này cũng bị phù sa bồi lấp do lũ nhưng chưa có năm nào cát lại bồi nhiều như năm nay. Đây là cánh đồng sản xuất chủ lực của thôn, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng từ các nông sản như ớt, đậu phụng, bắp...
Tại thôn Thạnh Đại và Đại Mỹ (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc) trong những ngày sau lũ, hàng ngàn tấn cát xuất hiện lấp cả nhà, vườn, ruộng đồng... làm cho người dân vô cùng khốn đốn.
Theo thống kê của UBND huyện Đại Lộc, các xã bị “lũ cát” nặng nhất là Đại Hồng trên 120 ha, Đại Nghĩa trên 30 ha, Đại Cường gần 10 ha, Đại Sơn hơn 5ha…
Ông tâm sự: “Nông dân đến mùa vụ mà không xuống giống thì không chịu được, mà đậu trồng trên cát thế này thế nào cũng mất trắng nhưng biết làm thế nào bây giờ. Hy vọng là trời cho ăn nếu không thì cũng đành chịu”.
Nhìn đất ruộng bỏ không xót lòng, nhiều nông dân ở các xã “liều mình” xuống giống. Theo ước tính của bà con, một sào đất tiền giống khoảng 450 ngàn chưa kể tiền cày xới, phân, thuốc trừ sâu và công cán vì “làm nông đến vụ mà không làm gì thì chịu không được, dù biết trước sẽ trắng tay”, ông Trọng lo lắng.
Ông Nguyễn Khánh Tâm Anh, cán bộ nông nghiệp xã Đại Hồng cho biết, trước đây lũ về mang theo phù sa nhưng vài năm trở lại đây, nhất là từ năm 2009 với cơn lũ lịch sử, lũ không bồi phù sa nữa mà bồi toàn cát khiến nhiều diện tích đất sản xuất của người dân không thể cải tạo được, nguy cơ mất mùa cũng tăng lên.
Hiện huyện Đại Lộc đang thống kê đầy đủ diện tích đất ruộng bị cát bồi lấp trên địa bàn để có hướng giải quyết. Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, ông Phan Đức Tính, cho biết: Số diện tích bị cát bồi khoảng gần 200 ha, tuy nhiên số tiền để cải tạo lại không thể tính được vì chỗ bị bồi mỏng, chỗ bị bồi dày. “Hiện huyện chỉ đạo các xã vận động dân tự cải tạo những diện tích bị bồi ít để tiếp tục trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao, còn diện tích bị bồi nhiều thì chuyển đổi sang các loại cây trồng chịu đất cát như dưa hấu, bí đỏ loại giống bánh xe, bí hồ lô…”, ông Tính cho biết.
Công Bính