1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Khánh Hòa:

Hàng trăm dân tụ tập phản đối nhà máy thuốc lá

(Dân trí) - Từ khi Nhà máy Chế biến tách cọng thuốc lá Khatoco đi vào hoạt động, người dân thôn Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang, Khánh Hòa, liên tục kéo đến trước cổng nhà máy phản đối về tình trạng ô nhiễm. Mới đây nhất là vụ náo loạn ngày 16/7.

Chiều ngày 16/7, hàng trăm người dân ở 2 thôn Đắc Lộc 1 và Đắc Lộc 2 đã vào Công ty Khatoco hò hét, thậm chí nhiều người quá khích còn ném đá, mắm cá vào khu vực nhà máy để phản đối việc nhà máy này gây ô nhiễm môi trường, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn, sức khỏe bị ảnh hưởng.
 
Hàng trăm người dân bày tỏ nỗi bức xúc tại buổi họp đối thoại với chính quyền xã Vĩnh Phương
Hàng trăm người dân bày tỏ nỗi bức xúc tại buổi họp đối thoại với chính quyền xã Vĩnh Phương

 

Sống cùng mùi thuốc lá

 

Nhà máy sơ chế và tách cọng thuốc lá do Tổng Công ty Khánh Việt làm chủ đầu tư, có công suất 18.000 tấn nguyên liệu/năm, với tổng mức đầu tư trên 420 tỷ đồng, được khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 10/2012 tại cụm công nghiệp Đắc Lộc, thuộc xã Vĩnh Phương, thành phố Nha Trang đã giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động.

 

Tuy nhiên, bụi, tiếng ồn và mùi thuốc lá nồng nặc bốc ra từ nhà máy đã làm cho cuộc sống của người dân thôn Đắc Lộc đảo lộn, nhiều người khó thở, bệnh tật ngày càng nhiều. Bụi từ nhà máy bay khắp nơi, phủ kín cả thôn Đắc Lộc. Nhà cửa bị bụi đóng lớp, bám vào quần áo, nguồn nước, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân. Tiếng ồn phát ra tư nhà máy kéo dài khiến cho người đau ốm cũng không có thời gian để dưỡng bệnh…

 

Đặc biệt là mùi thuốc lá bốc ra từ nhà máy nồng nặc từ sáng đến tối, nhiều người trong thôn bị chảy máu cam, viêm họng, ho hen, khó thở. Thậm chí, nhiều người phải đi lánh mùi thuốc lá trong thời gian nhà máy làm việc hoặc đến ở nhờ nhà người thân…

 

Bà Lê Thị Thiệp, nhà cách tường nhà máy chỉ hơn chục mét bức xúc nói: “Tại sao nhà nhà nước cấm hút thuốc lá mà tỉnh lại cho xây nhà máy thuốc lá để cho dân chúng tôi phải ngày đêm ngửi mùi thuốc lá thế này?”.

 

Còn ông Hồ Xuân Lâm, nhà cách nhà máy gần 100 mét cho biết, ông bị bệnh phổi đã lâu, từ khi nhà máy này đi vào hoạt động, sức khỏe của ông ngày càng yếu bởi suốt ngày phải ngửi mùi thuốc lá.

 

Ông Nguyễn Văn Đôn, trưởng thôn Đắc Lộc 2 cho biết, 2 thôn Đắc Lộc 1 và Đắc Lộc 2 có hơn 700 hộ dân, đa số các hộ dân đều nằm trong diện ô nhiễm môi trường do nhà máy này gây ra nhất là các hộ năm gần khu vực nhà máy.

 

Di dân hay dời nhà máy?

 

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có chủ trương di dời 26 hộ dân giáp ranh với nhà máy đến khu tái định cư mới, để nhà máy tiếp tục được hoạt động.

 

Tối 17/7, UBND xã Vĩnh Phương đã tổ chức cuộc đối thoại giữa chính quyền xã với các hộ dân để lắng nghe ý kiến từ phía người dân. Buổi họp cũng mời ban lãnh đạo công ty Khatoco nhưng không có ai đến dự.

 

Tại cuộc đối thoại, người dân rất bức xúc về việc nhà máy Khatoco gây ô nhiễm môi trường. Đa số người dân đều không đồng  tình với phương án di dời 26 hộ dân nằm gần nhà máy và yêu cầu công ty phải ngưng hoạt động, trả lại môi trường trong sạch trước đây.

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phương cho biết, theo ông Đặng Thái Luyện, Gíam đốc nhà máy Khatoco, các thông số kỹ thuật của nhà máy đều nằm trong tiêu chuẩn (trong đó không có thông số mùi) nhưng theo báo cáo của Sở Tài nguyên- Môi trường, mùi thuốc lá vẫn còn cao, bay xa đến km.

 

Bà Lê Thị Thiêp cho hay: “Dân Đắc Lộc đã sống ở đây hơn 300 năm nay, tự nhiên nhà máy đến rồi bắt dân chúng tôi phải đi để nhà máy tiếp tục hoạt động là không được, không công bằng. Tại sao khi xây nhà máy họ không xây ở xa dân đi, để bây giờ dân chúng tôi phải khổ sở thế này”.

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phương - chủ trì cuộc đối thoại cho biết, đa số các hộ dân đều không đồng ý với phương án di dời của UBND tỉnh đưa ra, bởi nếu di dời những hộ dân trong vòng 50 mét thì những hộ dân nằm ngoài 50 mét bị ảnh hưởng, họ tiếp tục phản ứng với công ty, với chính quyền thì sẽ giải quyết như thế nào đây? Đây là cái sai của các cấp khi đặt nhà máy ở vị trí này. Theo quy định, cụm công nghiệp phải cách nhà dân tối thiểu là 50m, vậy tại sao lại đặt nhà máy chỉ cách nhà dân 1-2m?

 

Ông Hoàng Đình Doanh - Phó Giám đốc Công ty Khatoco, cho biết, trước phản ứng của người dân, nhà máy đã cố gắng khắc phục nhiều về tiếng ổn, khói bụi… Hiện các chỉ số về môi trường của nhà máy đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Về yêu cầu trả lại cuộc sống bình yên như trước đây cho dân, nhà máy không thể đáp ứng. Nhà máy đã được đầu tư trên 450 tỷ đồng, đặt trong cụm công nghiệp theo đúng quy hoạch, không thể di dời được.

 

 Nguyễn Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm