1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lâm Đồng:

Hàng trăm dân "màn trời chiếu đất" vì... thủy điện

Hàng trăm người dân lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”, hộ may mắn hơn thì được ra..đường ở trên những căn lều tạm. Tình cảnh khó tin này lại đang diễn ra ở xã Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh, Lâm Đồng) khi thủy điện Đồng Nai 3 được chặn dòng.

Hàng trăm dân "màn trời chiếu đất" vì... thủy điện - 1
Công trình thủy điện Đồng Nai 3.
 
Dân chìm trong nước do... chặn dòng

Đứng trên gò đất cao với đôi mắt thất thần, nhìn căn nhà phút chốc đã ngập đầy nước, anh Trần Nhất Long nói như mếu: “Nước ngập nhanh quá, cả nhà tôi chỉ kịp chạy thoát thân trong đêm qua đồi dốc bên kia, dự tính tìm được chỗ ở tạm rồi hôm sau quay lại tháo dỡ mái tôn để che tạm nhưng không còn kịp.”

Đó cũng là tình cảnh chung của hơn 60 hộ dân với gần 250 người bị mắc lại trên các ốc đảo giữa lòng hồ do “cơn lũ nhân tạo” từ việc chặn dòng của thủy điện Đồng Nai 3, theo thiết kế gồm 2 tổ máy có công suất 180MW với tổng vốn đầu tư 3.598 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Huệ cho biết: “Nhà tôi có bốn con heo nái, một con chết vì uống nước lụt và lạnh, còn lại ba con không biết chạy đâu.”

Có 311 hộ dân thuộc diện bị giải tỏa khỏi khu vực vốn từ lâu đã là nơi an cư của họ vì tất cả đã chìm trong lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 khi thủy điện này được xây dựng. Trong số này, có 80 hộ chưa biết đi về đâu khi phải rời khỏi nhà cửa của mình.

Chính vì thế, khi nước dâng lên ngập nhà cửa, hàng trăm con người nơi đây phải dựng lều nay chỗ này, mai chỗ khác. Rơi vào thế quẫn, không chỉ tự dựng lán trại ngay trên quốc lộ 28 mà có 4 hộ dân đã phá rào, bẻ khóa 4 trong 8 căn nhà do chủ đầu tư xây dựng chưa hoàn thiện để vào ở.

Thậm chí, ông Vũ Công Vinh, 58 tuổi, đã dựng căn lều trước trụ sở UBND xã Đinh Trang Thượng để làm nơi ở tạm của 11 người trong gia đình.

Vì đâu nên nỗi?

Trả lời câu hỏi này, ông Tạ Văn Thành - Trưởng Ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện Di Linh bức xúc nói, do chủ đầu tư công trình thủy điện Đồng Nai 3 làm việc tắc trách, thiếu trách nhiệm, coi thường cuộc sống của người dân. Trong khi chưa đền bù giải phóng mặt bằng xong, chưa lo được nơi ở mới cho người dân, chủ đầu tư đã chặn dòng khiến cho hàng trăm người đang ở trên núi bỗng dưng lâm vào cảnh ngập lụt giữa lòng hồ.

Điều đáng nói ở đây không phải là thời điểm chặn dòng mà là sự chậm trễ, kéo dài trong công tác đền bù, di dời dân... của chủ đầu tư cũng như các đơn vị liên quan.

Ông Tạ Văn Thành cho biết để việc giải phóng mặt bằng kết thúc đúng tiến độ, đảm bảo lợi ích của các bên theo đúng quy định của Nhà nước, Ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện đã liên tục có văn bản đề nghị chủ đầu tư phối hợp giải quyết những vướng mắc, đặc biệt là cung cấp bản đồ đo đạc để xác định chính xác diện tích cần đền bù, giải phóng mặt bằng.

Thế nhưng, Ban quản lý dự án thủy điện 6 rất lơ là việc này, trong khi chủ đầu tư thiếu tinh thần trách nhiệm và thiện chí hợp tác với địa phương trong việc giải phóng mặt bằng.

Con số trên giấy (do Ban quản lý dự án thủy điện 6 thuê một đơn vị dịch vụ của Lâm Đồng đo đạc) để đền bù hoàn toàn khác xa với thực địa nên không thể giải phóng mặt bằng được.

Huyện đã nhiều lần đề nghị Ban quản lý dự án thủy điện 6 chỉnh sửa nhưng việc này được làm rất chậm và phải chỉnh sửa nhiều lần. Vì thế, việc đền bù giải phóng mặt bằng bị giậm chân tại chỗ.

Do chưa được đền bù, thậm chí còn có cả những diện tích chưa được đo đạc đã chìm dưới lòng hồ nên người dân không thể di dời theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Nước hồ đã lên cao và người dân hằng ngày vẫn phải tự bơi thuyền đến những mảnh vườn còn sót lại giữa lòng hồ để sản xuất nông nghiệp. Việc làm này không chỉ mang lại hiệu quả rất thấp mà còn nguy hiểm đến tính mạng.

Ông K’Wẹ, Phó chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng cho biết: “Người dân ủng hộ chủ trương xây dựng công trình thủy điện này. Tuy nhiên, cách làm tắc trách để dân chịu khổ như hiện nay thì không thể chấp nhận được”.

Theo Phan Văn Đông
TTXVN/Vietnam+