Hàng trăm con bò ngã bệnh, cả xã mất Tết
(Dân trí) - Hàng trăm con bò tại xã Bình Tân (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đồng loạt ngã bệnh lở mồm, long móng. Trong số này có 20/25 con bò mua của một công ty theo dự án phát triển sản xuất nông thôn mới được cấp phát cho người dân vẫn mắc bệnh, dù doanh nghiệp khẳng định số bò này đã được tiêm phòng.
Chiều 22/1, con bò thứ 3 của gia đình ông Phan Minh Khánh (thôn Liêm Quang, xã Bình Tân) chết do bệnh lở mồm, long móng. Đàn bò 13 con còn lại cũng đều mắc bệnh. Nhiều con lở loét ở miệng, móng, chảy nước dãi và bỏ ăn.
"Chết 3 con, mất khoảng 45 triệu rồi, số còn lại chưa biết ra sao đây. Vay mượn tiền mua bò về nuôi mà vầy thì đến khi nào mới trả được nợ. Năm nay coi như khỏi ăn Tết", ông Khánh rầu rĩ.
Chiều 28 Tết mà cả gia đình ông Khánh phải dồn sức chăm sóc đàn bò. Khó nhất là khâu vệ sinh miệng và bơm thức ăn cho những con bò mắc bệnh nặng. Gia đình ông quần quật cả ngày bên chuồng bò, quên cả cái Tết đã cận kề.
Theo ông Khánh, dịch lở mồm, long móng tại thôn Liêm Quang xuất hiện đầu tiên ở hộ bà T.T.Y. Chưa đầy 1 tuần sau, bệnh dịch lan ra cả thôn với khoảng 100 con bò mắc bệnh. Điều đáng nói, con bò đầu tiên bị bệnh là bò được cấp phát theo dự án Phát triển sản xuất Nông thôn mới.
"Thôn này có hơn 100 con bò mắc bệnh rồi, trong đó có 6 trong tổng số 7 con bò được cấp cũng mắc bệnh. Lúc nhận bò nghe nói bò này đã được tiêm phòng đầy đủ sao bây giờ mắc bệnh hết?", ông Khánh băn khoăn.
Mấy ngày qua, anh Thới Hồng Thanh (thôn Liêm Quang) cũng không màng đến Tết. Suốt ngày anh chỉ quanh quẩn quanh đàn bò 6 con, trong đó có 3 con mắc bệnh. Điều anh Thanh lo sợ nhất là bò sẽ chết, lúc đó số nợ 50 triệu đồng mua bò sẽ trở thành gánh nặng trong năm mới.
Nhiều người nghi ngờ đàn bò được cấp phát mang mầm bệnh rồi lây lan ra diện rộng. Bởi toàn xã được cấp 25 con thì hầu hết đều mắc bệnh.
"Bò giống cấp cho người dân có hoàn cảnh khó khăn mà vừa mang về đã mắc bệnh. Mà có phải một vài con đâu, như thôn này được hỗ trợ 7 con thì đã có 6 con mắc bệnh", anh Thanh nói.
Ông Đào Duy Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân xác nhận, dịch bệnh lở mồm, long móng đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại thôn Liêm Quang.
Đến thời điểm này đã có trên 150 con bò mắc bệnh, 6 con đã chết. Trong đó có 20/25 con bò (mỗi con có giá 17,5 triệu đồng) do công ty Nông Tín cung ứng để cấp cho dân cũng mắc bệnh.
Về nguyên nhân, ông Dương cho rằng, trước thời điểm cấp bò thì dịch bệnh lở mồm, long móng đã xuất hiện nhưng người dân giấu dịch. Do đó, khi đưa đàn bò giống về trụ sở UBND xã để cấp cho người dân thì bò bị lây bệnh.
"Sau này mới biết là một số hộ gần UBND xã giấu dịch nên có thể bò cấp cho dân bị lây bệnh tại đây. Khi đưa bò về xã đợi cấp phát có thể bò bị lây bệnh qua không khí", ông Dương nói.
Theo người dân, công ty Nông Tín giải thích về việc có đến 20/25 con bò đã tiêm phòng vẫn mắc bệnh là dù tiêm phòng thì tỷ lệ phòng bệnh cũng chỉ được 70 - 80%, số còn lại vẫn có thể mắc bệnh.
Trao đổi với PV vào chiều 22/1, ông Phan Sơn - đại diện công ty Nông Tín cho rằng, số bò này được công ty thu mua từ nhiều nơi, sau đó tiêm phòng rồi cung ứng cho dự án phát triển sản xuất tại xã Bình Tân.
Đối với nghi vấn bò giống mang mầm bệnh, ông Sơn phủ nhận, nhận định không có cơ sở để cho rằng chính đàn bò của công ty khiến dịch bệnh lây lan. Thế nhưng cũng chính ông Sơn lại thể hiện sự nghi ngờ đối với đàn bò giống của đơn vị mình.
"Thật ra thì cũng không biết. Nói đúng ra là không biết bò đã có (mầm bệnh - PV) hay chưa, hay là sau này mới bị nhiễm ở ngoài vào", ông Sơn nói.
Đối với việc có đến 20/25 con bò được cho là đã tiêm phòng vẫn mắc bệnh, ông Sơn lại giải thích đây là "tai nạn nghề nghiệp". Đồng thời vị này cũng cho rằng, một phần lỗi về phía người dân.
"Bò chúng tôi mua về tiêm phòng xong phải theo dõi trên 10 ngày mới đảm bảo. Riêng ở Bình Tân thì dự án được phê duyệt quá gấp, rồi người dân cứ đòi phải nhận bò ngay nên chúng tôi phải cấp", ông Sơn nói.
Về trách nhiệm của công ty Nông Tín, ông Sơn cho biết, đơn vị đã tốn khá nhiều tiền để phối hợp cùng địa phương dập dịch. Đồng thời, công ty này sẽ "bảo hành" cho số bò do đơn vị mình cung ứng. Đối với thiệt hại của những hộ dân khác sẽ được xem xét sau thời gian nghỉ Tết.
Quốc Triều