1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thừa Thiên - Huế:

Hàng trăm bức tượng quý phải “ở nhờ” đến bao giờ?

(Dân trí) - 140 bức tượng, kết quả của 5 trại điêu khắc quốc tế quy mô tại Huế, đang chịu cảnh trơ gan cùng mưa nắng và sự vô ý thức của con người do phải “sống tầm gửi” ở công viên, resort với nhiều thực trạng đáng buồn.

Nhận quà tặng rồi… đi gửi

Có thể nói ở Việt Nam, Huế là nơi đi đầu trong phong trào tổ chức các trại sáng tác quốc tế với 5 lần tổ chức. Tại đây, các nhà điêu khắc trên khắp thế giới đã dựng nên khoảng 140 bức tượng đa phong cách, nhiều chất liệu trong đó nhiều tác phẩm được các chuyên gia trong ngành đánh giá rất cao.

Theo ông Nguyễn Hiền - Trưởng khoa Điêu khắc - ĐH Nghệ thuật Huế, người có công lớn trong việc mời các nhà điêu khắc đến với Huế: đất Cố đô với sự yên tĩnh, hiền hòa và không gian văn hóa là nơi lý tưởng để trưng bày các tác phẩm điêu khắc.
 
Hàng trăm bức tượng quý phải “ở nhờ” đến bao giờ? - 1

Những tác phẩm của các nhà điêu khắc quốc tế tô điểm thêm
cho không gian văn hóa bên bờ sông Hương. (Ảnh: H.K).

Ông Hiền cho biết, những nhà điêu khắc đến với Huế qua 5 trại sáng tác đều phi lợi nhuận và vì ấn tượng với sự trầm mặc của mảnh đất này. Vì vậy, những tác phẩm mà họ để lại là món quà văn hóa của những người bạn quốc tế dành cho đất Cố đô. Tuy nhiên, những món quà này có được nâng niu, bảo vệ xứng với giá trị của chúng?

Hẳn điêu khắc gia Toym De Leon Imao (Philippines) sẽ không khỏi đau lòng khi nhìn đứa con tinh thần của mình, bức tượng “Hoa trinh nữ” bị kẻ vô ý thức nào đó bẻ cụt tay và tróc rỉa nham nhở sau hàng năm trời nằm giữa công viên 3/2 bên bờ Nam sông Hương. Để có được bức tượng giá trị đó, Toym đã phải bỏ công, bỏ của tự túc ăn ở và lao động miệt mài trong gần 1 tháng trời tại Việt Nam.
 
Hàng trăm bức tượng quý phải “ở nhờ” đến bao giờ? - 2

Tác phẩm đẹp "Hoa trinh nữ" đã bị thời gian và con người
phá hoại nghiêm trọng (Ảnh: H.K).

“Hoa trinh nữ” không phải là “số phận” cá biệt trong số gần 100 bức tượng được trưng bày dọc hai bờ sông Hương. Ngoài những bức tượng bằng đá và một số chất liệu bền vững khác, những bức tượng xi-măng, kim loại, nhựa tổng hợp, gỗ… đang bị hư hại theo nhiều cách.

Những tác phẩm kim loại hoặc bị người dân “xẻ thịt” đem bán… đồng nát, hoặc bị thời tiết ẩm ướt ăn mòn, oxi hóa. Còn tượng nhựa, xi măng cũng bị đập, bẻ không thương tiếc.

Mới đây nhất, trại điêu khắc quốc tế lần thứ V (5/2008) được đưa về Abalone Spa&Resort, cách Huế hơn 10 km. Do Abalone tài trợ nơi ăn chốn ở cho các nhà điêu khắc, tỉnh TT-Huế đã ưu ái gửi 25 tác phẩm trong khuôn viên khu nghỉ dưỡng này.
 
Hàng trăm bức tượng quý phải “ở nhờ” đến bao giờ? - 3

Nhiều bức tượng có giá trị đang bị "cách ly" khỏi công chúng
khi Abalone đóng cửa (Ảnh: H.K).

Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm Abalone làm ăn bết bát, không thu hút được khách và bị rao bán (đến nay tạm ngừng kinh doanh chờ đấu giá) nên các bức tượng cũng “vạ lây”. Không chỉ không được khán giả thưởng lãm, nhiều bức còn thường xuyên bị ngập, thậm chí bức tượng “Tình cờ gặp gỡ” tọa lạc giữa hồ nước còn bị người dân xung quanh… quây lưới bắt cá. Do không được bảo vệ nghiêm ngặt, những bãi cỏ xanh mướt dưới chân tượng thu hút được cả trâu bò vào gặm cỏ.
 
Hàng trăm bức tượng quý phải “ở nhờ” đến bao giờ? - 4

Thậm chí trâu bò còn thoải mái vào "thăm" vườn tượng (Ảnh: H.K).

140 bức tượng sở dĩ phải phân bổ đi nhiều nơi như vậy, ngoài mục đích để được cọ xát, đối thoại với công chúng, còn có một nguyên nhân chủ quan là do Huế chưa có một vườn tượng ngoài trời tập trung để quy tụ và bảo vệ những tác phẩm điêu khắc có giá trị này.

Vườn tượng: sôi nước, đuổi gà?

Ông Nguyễn Hiền cho biết: “Hiện nhiều bức tượng đã bị xuống cấp, hư hỏng một phần do ý thức kém của người dân, một phần do trong 3 trại sáng tác đầu tiên các tác giả phải tự chi trả mọi chi phí nên nhiều người đã lựa chọn vật liệu không bền vững. Kết quả là nhiều bức tượng không chịu được sự thử thách của thời gian và thời tiết”.

Được biết, năm 2006 tỉnh TT-Huế đã có quy hoạch một vườn tượng quốc tế quy mô khoảng 6 ha ở chân núi Ngự Bình. Công trình này khi được hoàn thành sẽ là bảo tàng điêu khắc ngoài trời đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên đến nay đã hơn 2 năm dự án này vẫn chưa được triển khai vì chưa có đủ kinh phí và công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Chính vì vậy, qua các trại sáng tác, số tác phẩm đã tăng lên trông thấy nhưng nơi trưng bày tập trung vẫn chưa có.

Chính vì vậy, trước mắt tỉnh chỉ giao cho chính quyền các địa phương và Cty Công viên cây xanh Huế quản lý, bảo vệ. Ông Ngô Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế cũng cho biết: trong năm 2009, tỉnh sẽ xúc tiến xây dựng vườn tượng ở Ngự Bình rồi lựa chọn các tác phẩm có giá trị cho vào trưng bày ở vườn tượng.

Còn trước mắt, 140 bức tượng hiện tại cũng như các tác phẩm trong tương lai gần vẫn phải “ăn nhờ ở đậu” ở 2 ven bờ sông Hương, trên đồi Thiên An và ở các khu nghỉ dưỡng. Ông Hòa cũng cho biết: Sau sự việc đáng tiếc tại Abalone resort, tỉnh sẽ cân nhắc khi quyết định địa điểm đặt tượng, đặc biệt nếu gửi ở các điểm nghỉ dưỡng thì sẽ cân nhắc năng lực của DN sở hữu.
 
Hàng trăm bức tượng quý phải “ở nhờ” đến bao giờ? - 5

Bức tượng "Ngôi chùa lớn ở Huế" liệu còn giữ nguyên giá trị
khi được đặt vào không gian mới? (Ảnh: H.K).

Ngoài ra, nhiều chuyên gia nghệ thuật cũng cho rằng việc di chuyển địa điểm các bức tượng (từ địa điểm hiện tại đến vườn tượng tương lai) là chưa hợp lý. Một ý kiến đáng chú ý của họa sĩ Đinh Khắc Thịnh, khi cho rằng giá trị của tác phẩm không chỉ nằm ở chính nó mà còn nằm ở không gian nghệ thuật mà tác giả đặt vào khi sáng tác. Khi thay đổi không gian nghệ thuật, giá trị tác phẩm sẽ mất đi và ý tưởng tác giả cũng coi như phá sản.

Như vậy, ngoài yêu cầu xúc tiến nhanh việc xây dựng vườn tượng, nâng cao năng lực và trách nhiệm quản lý, bảo vệ các bức tượng hiện có, tỉnh TT-Huế cần tuyên truyền cho người dân hiểu một vấn đề cốt yếu mà theo ông Ngô Hòa là: “Những bức tượng này thuộc sở hữu của công chúng, nên bản thân người dân cần góp sức bảo vệ”.

Có như vậy, những bức tượng mới làm được chức năng vốn có của nó là làm giàu không gian văn hóa - nghệ thuật của mảnh đất Cố đô.

Hồng Kỹ - Minh San