1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vĩnh Phúc:

Hàng tạp hoá kiêm… hiệu thuốc tân dược

(Dân trí) - Không bằng dược, không chứng chỉ hành nghề, cũng chẳng hiểu biết 1 chút gì về thuốc chữa bệnh, thế nhưng hàng chục năm nay ở xã Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc) có tới hơn 90% cửa hàng tạp hoá vẫn công khai buôn bán thuốc tân dược.

Sự thật đáng lo ngại

Trong vai người ốm tìm đến các cửa hàng tạp hoá trong xã Nguyệt Đức để hỏi mua thuốc, chúng tôi đã mua được các loại thuốc theo ý của mình.

Ghé vào cửa hàng tạp hoá của chị D ở làng Nghinh Tiên, mới nghe chúng tôi nói là bị đau đầu chị D đã kể ra một loạt thuốc như: Fahado, Tiffy, Decolgen… để khách tự chọn: “Thuốc nhức đầu thì ai uống này mà chả khỏi…” - chị D hồn nhiên nói.

Tại một cửa hàng tạp hoá khác ở làng Đinh Xá, khi chúng tôi hỏi mua thuốc cảm cúm thì chị H cũng kể ra đủ các loại tân dược, nhưng khi chúng tôi bảo kê đơn thuốc thì chị H nói ráo hoảnh: “…ở đây làm gì có đơn thuốc, cần gì phải đơn”.

Bác H.V.T (Văn Chỉ - Đinh Xá - Nguyệt Đức) bày tỏ: hàng chục năm nay người dân vẫn “quen” mua thuốc ở các cửa hàng tạp hoá. Người ta cũng chẳng biết về thuốc và liều lượng thế nào đâu, mình mua thuốc gì thì họ bán cho loại thuốc đó…

Theo sự ghi nhận của chúng tôi, người bệnh rất chủ quan và quá tin vào "trình độ dược" của mình nên cứ mua thuốc theo “thói quen”. Còn các cửa hàng tạp hoá chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp bán thuốc một cách “vô tâm”.

Chủ cửa hàng tạp hóa chỉ cần thấy khách hỏi mua thuốc là bán, khách mua càng nhiều càng tốt chứ họ không có sự tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc cho người bệnh (bản thân các chủ cửa hàng tạp hoá này không có hiểu biết về thuốc - PV) nên nếu thuốc có tác dụng phụ, có xảy ra hậu quả thì họ không biết phải xử lý thế nào và cũng “vô trách nhiệm” luôn!

Bà T.T.R (Hội Trung - Nghinh Tiên) mua thuốc không được người bán hướng dẫn sử dụng nên bị sốt chưa đến 38 độ bà đã “tự” uống 2 viên Pamin. Hậu quả là bà R bị tụt huyết áp đột ngột, cũng may là được cấp cứu kịp thời.

Giá bán lẻ các loại thuốc ở mỗi cửa hàng cũng chênh lệch, đơn cử như thuốc Fahado (loại thường) chị H bán 1.000 đồng/vỉ 10 viên nhưng cửa hàng chị C lại bán với giá 1.500 đồng; thuốc Korcin chị N, H bán 2.500 đồng/tuýp thì chị H chỉ bán 2.000 đồng/tuýp…

“Mua thuốc không ai dám mặc cả”, người bán nói hết bao nhiêu thì người bệnh biết thanh toán bấy nhiêu! Điều này đồng nghĩa với việc người bệnh phải bỏ thêm một khoản tiền rất lớn để mua thuốc và cũng không biết là mình đã mua được thuốc thật hay thuốc giả (?!)

Đáng nói hơn, ngoài bán thuốc tân dược, các cửa hàng tạp hoá còn bán cả thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật, phân hoá học, giống cây trồng… với những “cái” giá cao - thấp khác nhau gây bất ổn cho giá cả thị trường và làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người.

Cơ quan chức năng nói gì?

Tại phòng Y tế huyện Yên Lạc, PV Dân trí trao đổi với ông Nguyễn Thế Văn, Trưởng phòng, về vấn đề buôn bán thuốc tân dược bất hợp pháp có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe người dân, đồng thời xin thông tin về công tác quản lý thuốc trên địa bàn.

Ban đầu ông Văn khẳng định rằng trên địa bàn huyện Yên Lạc không có tình trạng các cửa hàng tạp hoá kiêm kinh doanh thuốc tân dược và cho biết huyện luôn làm tốt công tác quản lý của mình.

Thế nhưng khi chúng tôi đưa ra những bằng chứng, những địa chỉ cụ thể của một số cơ sở kinh doanh thuốc tân dược ở xã Nguyệt Đức và đề nghị nhìn nhận nghiêm túc vấn đề thì ông Văn không thể chối được nữa.

Ông Văn thừa nhận sự thiếu sót trong công tác quản lý và xin chịu trách nhiệm đồng thời hứa sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc tân dược không đủ điều kiện.

Ông Nguyễn Thế Văn giải thích 1 “lô” lý do dẫn đến hiện trang trên: "Thực trạng trên tồn tại là do dân trí chưa đồng đều cả về sức khỏe và sự hiểu biết trong sử dụng thuốc; ngành y tế, đội quản lý thị trường chưa sát sao, triệt để trong công tác kiểm tra và xử lý; đội ngũ cán bộ của chúng tôi còn thiếu, phí công tác cho mỗi đợt kiểm tra lại không có nên công tác kiểm tra chưa được thường xuyên… vì vậy hiệu quả không cao”.

“Để xảy ra tình trạng này cũng có trách nhiệm của chính quyền địa phương do sự quản lý lỏng lẻo…” - ông Văn chốt trách nhiệm.

Theo tìm hiểu trên địa bàn huyện Yên Lạc thì xã Nguyệt Đức chỉ là một trong số rất nhiều xã tồn tại hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc tân dược bất hợp pháp. Chúng tôi hi vọng sau bài phản ánh này, ngành y tế và các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đồng bộ vào cuộc để dẹp bỏ hoàn toàn việc kinh doanh, buôn bán thuốc tân dược ở các cửa hàng tạp hoá và những cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh trên địa bàn.

Bách Hợp