1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hàng nghìn người dân đón xem “Đồng hồ đếm ngược”

(Dân trí) - 22h ngày 13/1,“Đồng hồ đếm ngược” đặt tại đền Bà Kiệu gõ từng nhịp đầu tiên đánh dấu 1.000 ngày tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dưới tiết trời se lạnh của mùa đông Hà Nội, hàng nghìn người đã có mặt tại đây để chứng kiến thời khắc quan trọng này.

Chiều 13/1, người dân Hà Nội dường như đỡ bận bịu hơn với cuộc sống thường ngày, không phải chỉ vì chiều chủ nhật, mà còn vì chương trình lễ hội “Khoảnh khắc Thăng Long - Đông Đô- Hà Nội”, đánh dấu 1.000 ngày tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Mới 6h chiều, đoạn đường Hồ Gươm - đền Bà Kiệu (nơi diễn ra chương trình lễ hội) tấp nập người qua lại.

Vợ chồng bác Bính sống tại Khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy đã đón xe buýt lên Bờ Hồ từ 5h chiều để chọn cho mình một thuận tiện khi theo dõi chương trình.

Bác Bính hào hứng nói: “Ti vi ở nhà cũng phát chương trình này, nhưng đi xem trực tiếp sẽ cảm nhận được không khí nô nức và hào hùng hơn nhiều. Hàng nghìn người dân chúng tôi đứng bên nhau, trong tiếng ca vang của các bản hùng ca lịch sử, và cảm thấy thật sự tự hào về Thủ đô, về đất nước mình”.

Hàng nghìn người dân đón xem “Đồng hồ đếm ngược” - 1
  

Hàng nghìn người dân Thủ đô đổ về đền Bà Kiệu chờ xem đồng hồ đếm ngược (Ảnh: Trọng Đức)

Cùng chia sẻ cảm nhận với vợ chồng bác Bính, đôi bạn trẻ Nam - Hà nói: “ Hôm nay chúng em hoãn đi xem phim theo quy ước của hai đứa để xem chương trình “Khoảnh khắc Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”. Em ấn tượng nhất là lúc bức trướng được kéo lên, lộ ra chiếc bảng điện tử nổi bật dòng chữ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: Chỉ còn 1.000 ngày. Từ mai trở đi, mỗi khi đi qua đoạn đường này, em sẽ ngước lên nhìn chiếc đồng hồ và đếm số ngày còn lại…”.

Còn nhà sử học Dương Trung Quốc, với tư cách nhà cố vấn các chương trình lễ hội 1.000 năm Thăng Long, cũng không khỏi bồi hồi khi bày tỏ cảm xúc của mình với phóng viên Dân trí: “Chiếc đồng hồ đếm ngược là một ý tưởng rất hay để hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Những tiếng tích tắc của nó sẽ là một sự nhắc nhở, hối thúc người dân Thủ đô hiểu rằng, không phải chúng ta chờ ngày hội ấy đến mà phải làm mọi việc để Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi tuổi to đẹp hơn, phát triển hơn”.

Chị Mary Bruni, du khách đến từ nước Pháp lại không ngớt khen ngợi những nét văn hóa của người Hà Nội xưa khi xem triển lãm ảnh “Hà Nội xưa và nay” (một trong những chương trình diễn ra trước lễ hội Khoảnh khắc Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội).

Chị Mary nói: “Thật thú vị khi được chiêm ngưỡng đời sống, không gian kiến trúc của người Hà Nội xưa - một nét văn hóa riêng và cực kỳ độc đáo. Sau khi trở về Pháp, tôi sẽ kể cho gia đình mình nghe những điều tốt đẹp mà tôi đã gặp tại đất nước bạn và khi có dịp tôi sẽ lại đến Việt Nam để được đi khắp đất nước, được ăn những món ăn ngon có khắp các vùng miền”.

“Khoảnh khắc Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội” bắt đầu từ 20 giờ, mở đầu chương trình là tiết mục Trống hội Thăng Long mang âm hưởng hùng tráng của hàng trăm chiếc trống. Sau đó là những bản hùng ca, những bản tình ca về Hà Nội dưới sự thể hiện của các ca sĩ: Trọng Tấn, Việt Hoàn, Tấn Minh…

Ngày mà Thủ đô kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, với thời điểm chính thức được xác định vào ngày 10/10/2010, là một con số vô cùng ý nghĩa, dù chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử. Ngày 10/10 là ngày kỷ niệm giải phóng Thủ đô, Hà Nội bước vào một kỷ nguyên mới của đất nước và dân tộc. Ngày 10/10 ghép lại theo cách tự nhiên, ta được con số 1010, là năm Đức Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên thành Quốc đô trải dài 10 thế kỷ cho đến hôm nay, trường tồn cùng non sông đất nước.

Đúng 22h, trong thời khắc thiêng liêng nhất, trong sự hồi hộp của hàng triệu trái tim người dân Thủ đô, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thành phố cùng cắt băng chính thức khởi động chiếc “Đồng hồ đếm ngược”.

An Hạ