1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hàng nghìn m3 gỗ sử dụng không đúng mục đích?

(Dân trí) - Hàng năm, Bộ NN&PTNT giao chỉ tiêu cho Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (VINAFOR) khai thác một số lượng gỗ nhất định nhằm mục đích dự phòng và cung ứng cho việc khắc phục hậu quả thiên tai. Thực tế, số gỗ này có được sử dụng đúng mục đích?

Trong báo cáo tình hình khai thác, thu mua và cung ứng gỗ tròn theo chỉ tiêu được phân bổ năm 2004 của Công ty Cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên (đơn vị thành viên của VINAFOR) cho thấy, số gỗ tròn khai thác tại các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum đã được công ty này bán cho các đơn vị có nhu cầu về nguyên liệu gỗ tròn phục vụ phòng chống thiên tai, bão lụt.

Theo danh sách mà Công ty Cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên, số gỗ này được bán cho các doanh nghiệp ở 8 tỉnh là Bình Dương, An Giang, Long An, Đồng Nai, Bình Định, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Gia Lai.

Việc thu mua số gỗ này, theo quy định, sau khi có thông báo về khối lượng cung ứng gỗ trong năm, các địa phương phải chủ động liên hệ và có văn bản giới thiệu xác nhận từng đơn vị để ký kết hợp đồng thu mua.

Theo báo cáo tình hình thu mua, dự trữ và cung ứng gỗ tròn theo các chương trình của Nhà nước mà VINAFOR báo cáo Bộ NN&PTNT, năm 2005 các đơn vị thành viên của VINAFOR đã cung ứng được 30.637,36 m3 cho 11 tỉnh, tuân thủ theo đúng quy trình.

Tại công văn gửi UBND các tỉnh có khai thác gỗ rừng tự nhiên do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hứa Đức Nhị ký nêu rõ: “chỉ tiến hành ký kết hợp đồng cung ứng gỗ phục vụ các chương trình của Nhà nước trên cơ sở có đề nghị của địa phương (UBND tỉnh, huyện) theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Tuy nhiên, trên thực tế có những doanh nghiệp vẫn mua được gỗ mà không cần qua công đoạn giới thiệu của địa phương.

Trả lời báo chí về số doanh nghiệp được tỉnh giới thiệu mua gỗ tròn theo đúng chủ trương, ông Văn Hiệp, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Định, nói trong tổng số 4 doanh nghiệp mua gỗ của Công ty Cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên thì UBND tỉnh Bình Định chỉ giới thiệu duy nhất Công ty TNHH Hoàng Thiện, 3 doanh nghiệp khác không thông qua tỉnh.

Việc Công ty Cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên bán gỗ cho các doanh nghiệp mà không thông qua giới thiệu của UBND tỉnh đã nói lên điều gì, liệu số gỗ này có đến được mục tiêu phục vụ cho phòng chống thiên tai?

Và cũng không thể làm ngơ trước những dấu hiệu khuất tất về số gỗ phục vụ thiên tai bị bán vô tội vạ, cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên, ông Lê Văn Khải đã có đơn gửi Chủ tịch HĐQT VINAFOR. Theo ông Khải, việc bán gỗ tròn (theo chỉ tiêu dùng để dự phòng khi có sự cố thiên tai xảy ra) cho tư thương là trái với tinh thần chỉ đạo trước đó.

Ông Trần Đức Sinh, Chủ tịch HĐQT VINAFOR, khẳng định, việc bán gỗ của Công ty Cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên là không đúng đối tượng. “Thay vì chỉ được cung ứng cho nhu cầu xây dựng cơ bản của tỉnh Đắc Lắc thì công ty đã cung ứng cả cho nhu cầu của các doanh nghiệp ở tỉnh khác”, ông Sinh nói.

Khi đề cập đến chỉ tiêu khai thác gỗ tròn ở các địa phương, ông Nguyễn Việt Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói thẳng: “nếu hỏi về thủy sản thì tôi nói, tôi không trả lời về gỗ”.

Chúng tôi cũng đã cố gắng liên hệ với ông Hứa Đức Nhị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT để tìm câu hỏi cho vấn đề này nhưng rất tiếc không thể gặp.

Trần Hưng