1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hàng ngàn ôtô “tạm nhập” mà không “tái xuất”

Trong 5.000 ôtô nhập vào Việt Nam với hình thức “tạm nhập tái xuất” từ năm 2003 đến nay, chỉ có 1.000 chiếc làm thủ tục xuất và nhập trở lại.

Tình hình buôn lậu ôtô bằng hình thức “tạm nhập tái xuất” đang làm đau đầu nhà quản lý, gây thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất ôtô, phương hại cho doanh nghiệp kinh doanh đàng hoàng trong nước.

 

“Điểm nóng” nhập lậu ôtô

 

Biên giới Tây Nam và miền Trung, nơi tiếp giáp với hai nước anh em Lào, Campuchia hiện là những “điểm nóng” của tình hình nhập lậu ôtô qua hình thức “tạm nhập tái xuất”: chỉ nhập mà không tái xuất.

 

Phần lớn các xe ôtô “tạm nhập tái xuất” vào Việt Nam đều đi qua cửa khẩu này. Sau khi qua cửa khẩu, bằng nhiều hình thức, chủ nhân “phù phép” trao quyền sở hữu xe cho người khác sau khi thoả thuận giá cả và mặc cho người mua “đánh tráo” giấy tờ để hợp thức hoá, tất nhiên là không phải đóng thuế.

 

Đặc biệt hiện nay, dân mê ôtô ở TPHCM cũng như một số đại gia ở các tỉnh giáp biên giới có sở thích sang Campuchia hoặc Lào săn xe độc, xe xịn, sau đó nhờ người quen sống tại nước bạn đứng tên mua giúp và mang về Việt Nam. Và tất nhiên, sau thời hạn tạm nhập, những chiếc xe này cũng được “hô biến” và chẳng bao giờ thấy xe tái xuất.

 

Ngoài ra, còn có hình thức trốn thuế nhập khẩu ôtô qua hình thức “tạm nhập tái xuất” bằng đường ngoại giao. Khi xe ôtô hết thời hạn, phải tái xuất hoặc người chủ phương tiện không sử dụng nữa, một số doanh nghiệp, cá nhân người Việt liền “chộp” ngay những chiếc xe này và vẫn giữ nguyên biển số ngoại giao để lưu thông mà không làm thủ tục sang tên chính thức để trốn thuế nhập khẩu.

 

Đau đầu nhà quản lý

 

Trước tình hình nhập lậu ôtô bằng hình thức “tạm nhập tái xuất” để trốn thuế có dấu hiệu ngày càng gia tăng và phức tạp hơn, nhà quản quý tăng cường kiểm soát, nhưng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn cụ thể nào được đưa ra.

 

Trong khi đó, chỉ có Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an phối hợp cùng Cục điều tra chống buôn lậu, thuộc Tổng cục Hải quan, loay hoay với các biện pháp chống nhập lậu ôtô bằng hình thức “tạm nhập tái xuất” qua cửa khẩu trên đất liền.

 

Mặc dù tình hình buôn lậu ôtô bằng hình thức “tạm nhập tái xuất” đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng công tác đấu tranh chống loại hình phạm tội này không phải dễ dàng. Bằng chứng là từ năm 2003 đến nay, cơ quan công an lẫn hải quan vẫn chưa phá được vụ buôn lậu nào bằng con đường này.

 

Nhìn nhận lại thực tế, nếu công tác quản lý các loại xe “tạm nhập tái xuất” và công tác đăng ký hoặc chuyển quyền sở hữu phương tiện đã qua sử dụng này chặt chẽ hơn, công tác phòng và chống loại tội phạm trốn thuế này sẽ hiệu quả hơn, hạn chế được thất thu cho ngân sách Nhà nước.

 

Theo Phan Công

VietNamnet