1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khánh Hòa:

Hàng loạt tàu cá nằm bờ vì thiếu lao động đi biển

(Dân trí) - Sau cơn bão số 3, ngư dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ lại đồng loạt ra khơi. Thế nhưng, hiện nay các chủ tàu cá hết sức khó khăn do thiếu trầm trọng lao động đi biển.

 

Hàng loạt tàu thuyền nằm bờ sáng 16/9 tại Cửa Bé, Nha Trang
Hàng loạt tàu thuyền nằm bờ sáng 16/9 tại Cửa Bé, Nha Trang

"Đặt cọc" tiền triệu vẫn không có người đi biển!

Do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vừa qua, hàng vạn tàu thuyền các tỉnh Nam Trung Bộ đã phải dừng đánh bắt để di chuyển về đất liền, hoặc di chuyển đến nơi neo đậu an toàn để trú tránh bão. Sau cơn bão, ngư dân lại hối hả ra khơi, vì thời điểm này đang là cao điểm của mùa đánh bắt.

Thế nhưng, thực tế hiện nay là không ít tàu thuyền đã phải nằm bờ hoặc miễn cưỡng ra khơi dù thiếu lao động.

Dù thiếu 2 - 3 lao động, nhưng sáng 16/9, tàu cá KH-94725-TS vẫn phải cập cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang) - cảng cá sầm uất hàng đầu ở Nam Trung Bộ, để lấy 2.000 lít dầu, 300 cây đá lạnh vươn khơi.

 

Ngư dân Phùng Đình Mậu cho biết tàu thiếu 2-3 lao động nhưng vẫn vươn khơi
Ngư dân Phùng Đình Mậu cho biết tàu thiếu 2-3 lao động nhưng vẫn vươn khơi

 

Ngư dân Phùng Đình Mậu (phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang), chủ tàu cá nói trên cho biết, tàu hành nghề lưới cản, đánh bắt cá ngừ sọc dưa, cá chù… ở ngư trường Trường Sa, Nhà giàn DK1.

Ngư dân báo vẫn thường thấy tàu Trung Quốc

Ngư dân Phùng Đình Mậu cho biết do thường xuyên đánh bắt ở vùng biển Trường Sa nên thỉnh thoảng tàu ông vẫn bắt gặp tàu cá của Trung Quốc. “Tàu Trung Quốc thường đi theo nhóm 10 chiếc và có 1 chiếc tàu hải giám đi theo xâm phạm vùng biển nước ta”, ông Mậu nói và cho biết, khi đó tàu ông thường giữ khoảng cách 7-10 hải lý với nhóm tàu Trung Quốc.

“Bình thường tàu đi 9-10 lao động, nhưng hiện chỉ có 7 người vẫn phải đi biển. Đang là mùa đánh bắt nếu không đi thì không có ăn, mà đi thì anh em làm rất vất vả vì thiếu người”, ông Mậu nói.

Theo các chủ tàu cá đánh bắt xa bờ ở TP Nha Trang, để có đủ lao động đi biển, họ đã phải chạy khắp nơi “kêu” người. Thậm chí có trường hợp, chủ tàu phải “đặt cọc” trước 2 đến 3 triệu đồng cho bạn thuyền/chuyến biển. Thế nhưng, đến ngày đi biển, bạn thuyền không xuống khiến chủ tàu lao đao vì phí tổn đã lấy, đành phải miễn cưỡng đi thiếu người.

“Chuyến này tôi kêu thêm 2-3 lao động và "đặt cọc" mỗi người 2 triệu đồng. Thế mà sáng giờ tôi gọi điện xuống đi biển nhưng không hiểu sao không nghe máy, rồi tắt máy...”, một chủ tàu cá than thở.

Ngư dân “chòng chành” vì thiếu trầm trọng lao động đi biển

 

Nan giải với "bài toán" thiếu lao động biển

Ông Võ Khắc Én, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết, hiện tỉnh này có hơn 450 tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ, đi dài ngày trên biển. “Thực trạng thiếu lao động đi biển, đánh bắt xa bờ hiện nay ở Khánh Hòa là trầm trọng. Chúng tôi ước tính có tới 90% tàu cá đánh bắt xa bờ, đánh bắt dài ngày thiếu lao động”, ông Én cho biết.

 

Nghề lưới cản ở Khánh Hóa nói riêng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói chung đang thiếu lao động trầm trọng
Nghề lưới cản ở Khánh Hóa nói riêng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói chung đang thiếu lao động trầm trọng

 

Theo ban quản lý cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang), hiện nay có 2 nghề đánh bắt xa bờ đang thiếu lao động là nghề câu cá ngừ đại dương và nghề lưới cản. Đây là 2 nghề có nguồn nhân lực không ổn định, thường xuyên thay đổi, xáo trộn theo từng chuyến biển. Mặt khác, sản lượng đánh bắt của 2 nghề này đang sụt giảm, trong khi giá cá lại “dao dốc”.

“Tôi nghe bà con ngư dân than thiếu người đi biển rất nhiều. Cứ 10 tàu thuyền thì có 2 đến 3 tàu thiếu người, mỗi tàu thiếu 2 đến 3 người”, ông Nguyễn Trung Hiếu, trưởng ban quản lý cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang nói. Trước thực trạng thiếu trầm trọng lao động đi biển, ông Hiếu cho rằng ngoài chính sách hỗ trợ nhiên liệu, bảo hiểm tàu cá… cho “chủ tàu”, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ riêng cho “thuyền viên” để bà con yên tâm bám biển.

Viết Hảo