Hàng loạt sai phạm trong khai thác khoáng sản ở Bắc Kạn, Lai Châu

Thế Kha

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Lai Châu.

Theo kết luận thanh tra về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn của Thanh tra Chính phủ, đến thời điểm thanh tra, các doanh nghiệp vẫn còn nợ trên 35 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường, trong đó riêng Công ty cổ phần Thương mại và Khoáng sản Nguyên Phát nợ 32,6 tỷ đồng (chiếm 93%).

Việc nợ phí bảo vệ môi trường của doanh nghiệp này vi phạm Nghị định 164 của Chính phủ về Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, vi phạm pháp luật về thuế.

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn, việc tính phí bảo vệ môi trường của Công ty Nguyên Phát còn có điểm chưa hợp lý giữa quy định pháp luật với thực tế khai thác của dự án.

Hàng loạt sai phạm trong khai thác khoáng sản ở Bắc Kạn, Lai Châu - 1

Khai thác khoáng sản ở Na Rì, Bắc Kạn (Ảnh: H.C).

Vì thế, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bắc Kạn xem xét, kiến nghị xử lý về vụ nợ phí bảo vệ môi trường của Công ty cổ phần thương mại và khoáng sản Nguyên Phát, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và thực tế khai thác tại địa phương.

Cơ quan thanh tra cũng yêu cầu Bắc Kạn xử lý theo quy định đối với 6 dự án vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; trường hợp cần thiết tạm dừng việc khai thác của doanh nghiệp để yêu cầu khắc phục triệt để sai phạm.

“Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý, kiến nghị xử lý theo quy định đối với các dự án đã được cấp phép nhiều năm nhưng không khai thác, không thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, các dự án không thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ trên địa bàn tỉnh; các dự án dừng khai thác nhưng không có văn bản xin tạm dừng”- kết luận nêu rõ.

Hàng loạt doanh nghiệp khoáng sản sai phạm

Tại tỉnh Lai Châu, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện 21 dự án không lập đề án cải tạo, phục hồi môi trường; 21 dự án không nộp, còn nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.

Đến thời điểm hiện nay chưa có điểm mỏ nào chủ động thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường khi kết thúc giai đoạn khai thác, để được đóng cửa mỏ theo quy định gồm: Dự án khai thác quặng chì- kẽm tại mỏ Nậm Sa (xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ); Dự án khai thác mỏ chì kèm Khun Há (huyện Tam Đường) của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Nam; Dự án khai thác mỏ đồng Lao Chai (huyện Tam Đường); Dự án khai thác chế biến khoáng sản vàng tại mỏ Pắc Ta 10 (xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên) của Công ty TNHH MTV Khoáng sản Lai Châu; Dự án khai thác mỏ vàng gốc Pắc Ta của Công ty TNHH Đại Hoàng Long; Mỏ đá Đội 9 (xã Phúc Than, huyện Than Uyên) của Công ty TNHH Xây dựng Đạt Phát,…

Thanh tra Chính phủ khẳng định, cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu chưa làm tốt công tác quản lý nhà nước trong việc đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư các dự án khai thác mỏ vàng khu vực Pắc Ta thực hiện việc đóng cửa mỏ cải tạo, phục hồi môi trường khi giấy phép khai thác hết hạn. Điều này dẫn đến các hộ dân tự vào khai thác trái phép, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội trên địa bàn. UBND tỉnh Lai Châu phải trích ngân sách để thực hiện việc nổ mìn phá sập các hầm lò tại các điểm mỏ vàng khu vực này.

Hàng loạt sai phạm trong khai thác khoáng sản ở Bắc Kạn, Lai Châu - 2

Cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu kiểm tra, xử lý một điểm khai thác khoáng sản trái phép (Ảnh: Báo Lai Châu).

Có 3 dự án nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản gồm: Mỏ đồng Dần Thàng nợ 1,8 tỷ đồng; Mỏ đá Sùng Chô 2 nợ 1,6 tỷ đồng; Mỏ cuội, sỏi Đội 9 (huyện Than Uyên) của Công ty TNHH Đạt Phát nợ gần 37 tỷ đồng.

Trong các dự án thanh tra trực tiếp có 3 dự án không nộp và còn nợ tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo quy định, gồm 2 dự án đang khai thác là Mỏ đá Nà Phầy (huyện Mường Tè) của Doanh nghiệp tư nhân số 24 và Mỏ đá Suối Thầu (huyện Tam Đường) của Doanh nghiệp tư nhân Long An; dự án Mỏ cuội, sỏi Đội 9 của Công ty TNHH Đạt Phát đã dừng khai thác do hết hạn giấy phép.

4 dự án không nộp phí bảo vệ môi trường gồm 2 dự án mỏ vàng tại xã Pắc Ta của Công ty Đại Hoàng Long, Công ty Khoáng sản Lai Châu và 2 dự án của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Nam.

Thanh tra Chính phủ còn phát hiện 3 dự án chưa được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành nhưng đã khai thác gồm: Mỏ đá Nà Phầy của Công ty TNHH MTV số 24; Mỏ đá Suối Thầu của Doanh nghiệp tư nhân Long An; Mỏ đá Vàng San của Công ty cổ phần Tân Phong. Điều này vi phạm Nghị định 155/2016 của Chính phủ.

Kết luận thanh tra đã kiến nghị tỉnh Lai Châu kiểm tra, xử lý nghiêm đối với chủ đầu tư các dự án khai thác khoáng sản không khai thác theo đúng biện pháp được phê duyệt, các dự án chưa đảm bảo điều kiện về an toàn lao động theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý phù hợp đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.