Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực trong tháng 2
(Dân trí) - Bộ trưởng được đi xe công có giá 1,1 tỷ đồng; điều chỉnh tiền lương đóng bảo hiểm xã hội; chi tiền để mua tin thuốc lá nhập lậu; xác định tuổi người bị buộc tội dưới 18 tuổi… là những chính sách quan trọng có hiệu lực trong tháng 2/2019.
Bộ trưởng đi xe công 1,1 tỷ đồng
Nghị định 04 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô trong các cơ quan Nhà nước có hiệu lực từ ngày 25/2. Nghị định nêu rõ Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội được sử dụng thường xuyên 1 ô tô, kể cả đã nghỉ công tác và không quy định mức giá.
Theo Nghị định, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được sử dụng 1 xe ô tô có giá tối đa 1,1 tỷ đồng trong thời gian công tác.
Thứ trưởng, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được sử dụng ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác với giá mua tối đa 920 triệu đồng/xe.
Trường hợp người tiền nhiệm nghỉ, chuyển công tác hoặc thôi giữ chức vụ, ô tô đã trang bị chưa đủ điều kiện thanh lý, thay thế thì người kế nhiệm tiếp tục sử dụng, không trang bị mới.
Điều chỉnh tiền lương đóng BHXH từ 2019
Thông tư 35 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ ngày 15/2.
Cụ thể, tiền lương tháng đã đóng BHXH với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2016 trở đi, người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định… được điều chỉnh theo công thức:
Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.
Chi 200 triệu đồng để mua tin thuốc lá nhập lậu
Theo Thông tư 122 (có hiệu lực 1/2) thuốc lá lậu bảo đảm chất lượng sẽ được đấu giá, tiền thu được sẽ chi cho hoạt động chống buôn lậu thuốc lá. Số tiền thu được từ việc đấu giá còn để chi mua tin thuốc lá nhập lậu tối đa không quá 200 triệu đồng/vụ việc; Chi bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ cho cán bộ, công chức…
Thông tư cũng nêu rõ, trong thời hạn 3 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được số tiền thu được do đấu giá) thì cơ quan, đơn vị được giao tổ chức bán đấu giá có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước.
Danh mục hàng hóa nhập khẩu phục vụ in, đúc tiền
Thông tư 38 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 8/2, quy định rõ việc nhập khẩu hàng hoá phục vụ hoạt động in, đúc tiền. Khi làm thủ tục nhập khẩu, cơ sở in, đúc tiền gửi Cơ quan hải quan 1 bản chính văn bản xác nhận của Ngân hàng Nhà nước kèm hồ sơ nhập khẩu theo quy định của cơ quan hải quan.
Danh mục hàng hóa chỉ định cơ sở in, đúc tiền nhập khẩu phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước bao gồm: Phôi kim loại sử dụng để đúc, dập tiền kim loại; Giấy in tiền; Mực in tiền; Máy in tiền; Máy ép foil chống giả; Foil chống giả để sử dụng cho tiền, ngân phiếu thanh toán và các loại ấn chỉ, giấy tờ có giá khác thuộc ngành Ngân hàng phát hành và quản lý; Máy đúc, dập tiền kim loại.
Quản lý tiền mặt, tài sản tạm gửi tại kho bạc
Thông tư 135 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 15/2, quy định rõ việc quản lý đối với tiền mặt, tài sản quý tạm gửi, tạm giữ do Kho bạc Nhà nước. Cụ thể, Thông tư quy định Kho bạc Nhà nước nhận bảo quản tài sản theo hòm, túi, gói được niêm phong của đơn vị gửi tài sản; trên niêm phong đóng dấu của đơn vị gửi, chữ ký của người niêm phong.
Trong trường hợp đơn vị gửi tài sản bảo quản là tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của đơn vị thực hiện như sau: Đối với tiền mặt nộp tại Kho bạc Nhà nước phải kiểm đếm xác định giá trị tài sản và hạch toán vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của đơn vị tại Kho bạc Nhà nước…
Nếu Kho bạc Nhà nước phát hiện mất tài sản của đơn vị gửi tài sản tại Kho bạc Nhà nước thì Kho bạc Nhà nước nơi để mất tài sản phải báo ngay cho cho cơ quan chức năng và đơn vị gửi tài sản để phối hợp giải quyết. Trường hợp bên gửi phát hiện mất hồ sơ tài sản gửi bảo quản phải báo ngay cho Kho bạc Nhà nước bằng văn bản để phối hợp ngăn ngừa kẻ gian lấy tài sản.
Xác định tuổi của người bị buộc tội dưới 18 tuổi
Thông tư 06 có hiệu lực từ ngày 5/2, hướng dẫn cụ thể việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi. Cụ thể, việc xác định tuổi được căn cứ vào một trong các giấy tờ như: Giấy chứng sinh; Giấy khai sinh; Chứng minh nhân dân; Thẻ căn cước công dân; Sổ hộ khẩu; Hộ chiếu.
Nếu các giấy tờ trên có mâu thuẫn thì cơ quan tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, nhà trường… để hỏi, lấy lời khai, hoặc tìm các tài liệu khác chứng minh về tuổi của người đó.
Quang Phong