1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Hàng loạt cây cổ thụ bị “bức tử” giữa Hà Nội

(Dân trí) - Chặt, đốt, đổ hóa chất, bịt ximăng… là những cách “bức tử” khiến hàng loạt cây to, cổ thụ đang xanh tốt giữa lòng Hà Nội “lăn” ra chết. Người dân Thủ đô bức xúc, xót xa nhưng vẫn phải chứng kiến cái chết tức tưởi của những cây xanh gắn bó cả đời người.

Những cái chết tức tưởi

Tuyến phố Phan Đình Phùng từ lâu được mệnh danh là “con đường màu xanh” đẹp nhất Hà Nội với hàng trăm cây to tỏa bóng mát rượi. Thế nhưng gần đây người dân sống trên tuyến phố này phải xót xa kêu cứu vì nhiều cây xanh đột ngột “qua đời”.

Quan sát trên con đường này, PV Dân trí thấy nhiều cây xanh đã bị “bức tử”. Cụ thể, giữa số nhà 17 và 19, một cây Nhội nhiều năm tuổi có đường kính 65cm, cao 18m chết khô.

Hàng loạt cây cổ thụ bị “bức tử” giữa Hà Nội - 1

Xác cây Nhội chết khô ở số 17 Phan Đình Phùng (Ảnh chụp ngày 14/7)

Theo tìm hiểu của PV, tháng 1/2008, người dân khu phố Phan Đình Phùng phối hợp với Công an phường Quán Thánh (quận Ba Đình) và Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội đã bắt quả tang và lập biên bản đối với ông Phạm Đình Thạch vì hành vi tự ý cắt tỉa cành cây Nhội trước cửa số nhà 17.

Cũng trên đường Phan Đình Phùng, trước cửa Ngân hàng Hàng Hải ở số 39B, một cây Nhội khác có đường kính thân cây 65cm trong hiện trạng chết khô, gốc cây bị bịt xi măng, có hiện tượng bị đốt gốc, cây hiện đã được cắt cành, cắt ngọn, còn phần thân được giữ nguyên để “trưng bày” và “chờ” điều tra.

Ngoài ra, ở số 16, số 37 - 39 và trong vườn hoa Vạn Xuân, Phan Đình Phùng cũng có nhiều cây to, cây xanh bị chết khô.

Hàng loạt cây cổ thụ bị “bức tử” giữa Hà Nội - 2

Cây Nhội bị bịt xi măng quanh gốc ở số 39B Phan Đình Phùng

Tại số 93L phố Lý Nam Đế, một cây đại thụ đang trong tình cảnh “sống dở chết dở” vì bị đẽo thân, đốt gốc và quấn băng rôn xung quanh. Chị N.T. T (phố Lý Nam Đế) cho biết: “Chúng tôi tin chắc là cây bị sát hại chứ không thể nào có chuyện cây đang sống xanh tốt, không bị mối mọt đục thì không thể chết khô một cách nhanh chóng như vậy được”.

Hàng loạt cây cổ thụ bị “bức tử” giữa Hà Nội - 3
 
Hàng loạt cây cổ thụ bị “bức tử” giữa Hà Nội - 4
Ở số 93L Lý Nam Đế, cây chết khô do bị đẽo, đốt (Ảnh chụp ngày 14/7)

Tương tự, ở địa điểm 314 và 316B phố Huế, hai cây Xà cừ “khổng lồ” với đường kính 65cm, 87cm, cao gần 20m tự nhiên “lăn” ra chết một cách lạ lùng.

Qua tiếp cận cho thấy cây bị chết khô, gốc có hiện tượng bị đổ hóa chất. Hai cây Xà cừ này nằm ở mặt tiền của 1 cửa hàng kinh doanh lớn và trước cửa nhà dân đang thi công xây dựng.

Nỗi lo rình rập khi mùa mưa bão đến

Trước thực trạng đáng lo ngại trên, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Cao Quang Đại (Phó phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội). Ông Đại thừa nhận: “Phá hoại cây xanh là hiện trạng vi phạm diễn ra rất nhiều tại Hà Nội”.

Sau khi cung cấp cho PV những tài liệu và hồ sơ liên quan, nói về trách nhiệm của đơn vị mình, ông Đại cho biết: “Chúng tôi chỉ có trách nhiệm quản lý toàn dân, con người lại có hạn nên không thể quản lý hết được. Chúng tôi không làm cho cây chết. Chức năng, nhiệm vụ của chúng tôi là chặt hạ, cắt sửa cây, duy trì công viên cây xanh, phát hiện tình trạng cây và báo cáo với cơ quan chức năng cấp trên giải quyết chứ chúng tôi không có thẩm quyền xử lý”.

Hàng loạt cây cổ thụ bị “bức tử” giữa Hà Nội - 5
Giữa lòng Thủ đô nhưng rất nhiều cây chết khô do bị "bức tử"?!
(Ảnh chụp ngày 14/7 ở số 314 phố Huế)

Theo như ông Đại nói thì hiện nay có nhiều cây chết khô do bị “thảm sát”, dù đã dành thời gian “trưng bày” những gốc cây chết khô quá lâu, thế nhưng việc điều tra thì dường như vẫn chưa có kết quả.

Đơn cử như trường hợp cây Nhội chết khô ở số 17 Phan Đình Phùng, dù phát hiện đối tượng và lập biên bản đã 1 năm rưỡi, tại hiện trường, cây chết đã được cưa cành, bỏ ngọn và để lại thân khô cao chừng 7m. Tuy nhiên, trong khi “chờ” cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ thì đến nay hàng tấn vật liệu xây dựng, cốt pha… đang được đắp đống và chất cao như núi tại gốc cây này một cách ngang nhiên để phục vụ cho việc xây dựng công trình.

Hàng loạt cây cổ thụ bị “bức tử” giữa Hà Nội - 6
Biên bản kiểm tra tình trạng cây Xà cừ chết khô ở số 314 và 316 phố Huế của Sở Xây dựng Hà Nội

Mùa mưa bão đã đến, trong khi người dân lo lắng về tai nạn do cây đổ thì rất nhiều cây to chết khô vẫn “ngự” trên đường. Ai dám chắc những xác cây này sẽ không bị mưa bão quật gãy, ai dám đảm bảo về sự an toàn trên những con đường có cây chết khô?

“Cây đã chết khô thì chúng tôi tiến hành chặt hạ, cắt sửa cây để đảm bảm an toàn, riêng những cây chết mà có dấu hiệu vi phạm thì khi chặt hạ chúng tôi để lại chiều cao cần thiết để phục vụ cho công tác điều tra của cơ quan công an. Chúng tôi phải chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng, phải có giấy phép của Sở Xây dựng thì mới được chặt hạ cây chết khô” - ông Đại cho biết.

Thực tế, phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm thì những cây con mới trở thành cây đại thụ, thời gian ấy bằng cả đời người, thế nhưng vì lợi ích cá nhân mà một số đối tượng vẫn sẵn sàng vi phạm. Nếu như các cơ quan chức năng không kiên quyết và xử lý một cách nghiêm khắc, nhanh chóng thì hành vi “bức tử” cây xanh vẫn là “vấn nạn” nghiêm trọng giữa Thủ đô.

Châu Như Quỳnh