1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hàng loạt bệnh viện thiếu thuốc!

Nhiều bệnh viện (BV) tại TPHCM than không đủ thuốc phục vụ bệnh nhân. Nguyên nhân được khẳng định do qui định đấu thầu thuốc có nhiều bất cập.

Một số bác sĩ làm việc ở một BV lớn thuộc Sở Y tế TPHCM cho biết tình trạng thiếu thuốc “âm ỉ” tại BV này đã xảy ra từ mấy tháng nay, nhưng “nóng” nhất là từ đầu tháng 8/2007.

Kho thuốc của BV gần như cạn kiệt, không đủ phục vụ bệnh nhân (BN) điều trị nội trú, nên bác sĩ phải kê toa thuốc cho BN ra ngoài mua.

Không chỉ thiếu thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, an thần, hô hấp, huyết áp, dịch truyền, thuốc phòng uốn ván mà ngay cả thuốc thông thường là thuốc bổ, hạ sốt... ở BV này cũng không còn để phục vụ BN nội trú. Nguy hiểm hơn, thuốc vận mạch dùng trong hồi sức cấp cứu cũng cạn kiệt. Vật tư tiêu hao, hóa chất... cũng hết.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh - giám đốc BV Nhân Dân 115 - cho biết đúng là hiện nay BV không đủ thuốc phục vụ BN. Có những loại thuốc đã hết. BV Nhân Dân Gia Định cũng đang trong tình trạng thiếu nhiều loại thuốc phục vụ BN.

Bác sĩ Lý Lệ Thanh - giám đốc BV Nguyễn Trãi, bác sĩ Trần Thanh Mỹ - giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình TP cho biết hiện BV cũng sắp sửa thiếu thuốc. Số thuốc dự trữ của BV còn có thể cầm cự được vài tuần nữa. Nếu hồ sơ đấu thầu thuốc chưa duyệt kịp thì có thể sẽ thiếu thuốc trong thời gian tới.

Bác sĩ Nguyễn Đình Chanh - giám đốc BV An Bình - cho hay BV cũng thiếu khá nhiều loại thuốc, nhất là nhóm thuốc kháng sinh, tim mạch... dù trước đó BV đã dự trù mua thêm nhưng hiện không còn bao nhiêu.

Ăn no rồi chỉ lo... đấu thầu!

Đây không phải là lần đầu tiên các BV ở TPHCM rơi vào tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao phục vụ BN. Vì sao tình trạng thiếu thuốc cứ lặp đi lặp lại? Nhiều BV cho biết họ quá mệt mỏi vì chuyện đấu thầu thuốc.

Trước đây các BV đấu thầu thuốc theo qui định của thông tư 20 liên bộ Y tế - Tài chính (ban hành tháng 7/2005). Nhưng sau này phải thực hiện theo Luật đấu thầu (tháng 4/2006) và nghị định 111 (9/2006).

Do “sinh con rồi mới sinh cha” nên việc thực hiện đấu thầu thuốc ở các BV hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, bất cập do luật và thông tư “chỏi” nhau.

Nhiều BV cho biết phải “mất” hẳn một lực lượng để chuyên lo mỗi chuyện xét thầu. Còn tại Sở Y tế TP, hội đồng xét duyệt đấu thầu thuốc có đến 10 người và thêm 11 người giúp việc khác chỉ ăn no rồi lo... đấu thầu (duyệt hồ sơ mời thầu và duyệt hồ sơ đấu thầu) thuốc cho các BV. Tuy nhiên, tiến độ công việc vẫn không thể giải quyết nhanh được theo yêu cầu của các BV.

“Đẩy” thuốc chất lượng cao ra ngoài

Có BV cho rằng qui định đấu thầu thuốc đã dẫn đến chất lượng thuốc điều trị cho BN chưa đảm bảo. “Cơ chế đấu thầu hiện nay đã “đẩy” những loại thuốc có chất lượng (thường là giá cao) của châu Âu ra khỏi danh mục thuốc của BV.

Còn những thuốc được gọi là thuốc “nhái”, thuốc “phiên bản” của những nước châu Á hoặc trong khu vực lại dễ dàng trúng thầu vì giá rẻ. Chất lượng thuốc giá rẻ này như thế nào cho đến nay chưa ai kết luận được vì hầu hết BV chưa thực hiện được dược lâm sàng, mà thường là BV dựa vào thông tin của nhà sản xuất cung cấp cho mình và BV chấp nhận điều đó” - một BV cho biết.

Đây cũng là điều mà vừa qua chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới khi đi khảo sát về thực trạng xét nghiệm tại TPHCM đã phải kêu lên nhiều BV dùng hóa chất xét nghiệm rẻ tiền, kém chất lượng dẫn đến kết quả xét nghiệm có thể không chính xác.

Chưa kể có những công ty có rất nhiều chiêu thức, hoặc liên kết, toa rập với nhau để không tham gia đấu thầu thuốc và ngày càng đưa giá thuốc lên cao nhưng các BV vẫn phải chạy theo... năn nỉ họ bán, năn nỉ họ tham gia đấu thầu.

Theo Lê Thanh Hà
Báo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm