Hàng không VN tăng cường giám sát phi công sau vụ rơi máy bay Đức

(Dân trí) - Sau vụ tai nạn máy bay của Hãng hàng không Germanwings hôm 24/3, nhà chức trách Hàng không Việt Nam cho biết sẽ yêu cầu các hãng giám sát nghiêm ngặt nội bộ đội ngũ phi công và thực hiện ngay nguyên tắc “2 người trong buồng lái” nhằm tăng cường các giải pháp an ninh hàng không.

Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho PV Dân trí biết như vậy khi đề cập đến các giải pháp an ninh tăng cường sau vụ máy bay của Hãng hàng không Germanwings (Đức) gặp tai nạn thảm khốc hôm 24/3, mà nguyên nhân ban đầu được xác định là do có sự can thiệp cực đoan của cơ phó.

Cơ quan quốc gia về hàng không của Việt Nam là Ủy ban An ninh hàng không Quốc gia sẽ triển khai tăng cường an ninh hàng không tới các cơ quan liên quan tới an ninh nội bộ. Cấp tiếp theo là Cục Hàng không Việt Nam cũng ban hành Chỉ thị về quy tắc tăng cường an ninh và các giải pháp cụ thể.

Theo người đứng đầu cơ quan quản lý hàng không Việt Nam - ông Lại Xuân Thanh, Chỉ thị về quy tắc tăng cường an ninh hàng không tại Việt Nam sẽ được triển khai ngay trong ngày hôm nay (27/3).

“Giải pháp trước mắt là Cục Hàng không yêu cầu các hãng tăng cường giám sát an ninh nội bộ đối với đội ngũ phi công. Về lâu dài, Cục sẽ rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để bổ sung các biện pháp an ninh mà cụ thể các giải pháp liên quan đến tình huống xảy ra như vụ máy bay của Đức” - Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết.

Với quy tắc giám sát nội bộ phi công, hiện không có quy định phải báo cáo việc giám sát phi công tại Đoàn bay của các hãng hàng không về Cục, nhưng Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết trong quy định yêu cầu các hãng phải triển khai các công tác an ninh nội bộ, gồm lý lịch, giám sát để phát hiện những điều bất thường trong đội ngũ phi công.

Hàng không VN tăng cường giám sát phi công sau vụ rơi máy bay Đức
Sau vụ tai nạn máy bay của Đức, Việt Nam sẽ tăng cường công tác giám sát nội bộ phi công, coi đó là giải pháp trước mắt về an ninh hàng không

Vụ tai nạn máy bay của Đức với kết quả điều tra ban đầu mới được công bố đã gây chấn động. Qua phân tích hộp đen của chuyến bay 4U9525 cho thấy cơ phó đã “cố tình” vô hiệu hóa hệ thống khóa cửa từ bên trong buồng lái để thực hiện các hành vi can thiệp cực đoan khi cơ trưởng không có mặt. Trong trường hợp này không có người nào giám sát nên viên lái phụ dễ dàng lợi dụng tình hình để thực hiện hành vi.

Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết, Cục Hàng không Việt Nam sẽ triển khai ngay nguyên tắc “2 người trong buồng lái”.

“Vấn đề ở đây là nếu ngay bây giờ thêm 1 phi công nữa vào buồng lái (tổng cộng 3 phi công trên chuyến bay) chỉ để thay thế khi 1 người đi ra thì rất khó áp dụng. Bởi không chỉ phải tăng thêm nhân lực cho chuyến bay mà còn tăng thêm cả chi phí. Vậy nên chúng tôi đang nghiên cứu với tình huống tương tự thì có thể giao nhiệm vụ cho tiếp viên trưởng.

Bên trong buồng lái máy bay có 1 ghế phụ, nếu đưa tiếp viên vào buồng lái thì vẫn thực hiện được nguyên tắc 2 người mà lại không ảnh hưởng gì đến hoạt động điều hành bay của phi công. Cục sẽ nghiên cứu theo hướng này để cùng các hãng triển khai” - Cục trưởng Lại Xuân Thanh nhấn mạnh.

Một vấn đề liên quan khác, sau vụ khủng bố ở Mỹ vào ngày 11/9/2001, để chống thâm nhập từ bên ngoài nên trong buồng lái của phi công có thêm chốt cài, mật mã để mở cửa buồng lái chỉ có phi công và tiếp viên trưởng được biết. Tuy nhiên, như tình huống vụ tai nạn máy bay Đức vừa qua thì cơ phó đã lợi dụng chốt cài này để khóa trái cửa từ bên trong. Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho rằng hiện hàng không các nước đều không xét tới chốt cài này mà chỉ tăng cường thêm giải pháp để khắc phục hạn chế bằng nguyên tắc “2 người trong buồng lái”.

Cũng liên quan đến phi công, với việc đào tạo phi công theo hình thức xã hội hóa, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu tất cả quy trình này phải thông qua đầu mối là hãng hàng không. Các hãng hàng không phải căn cứ vào nhu cầu của mình, phải tuyển chọn và gửi nhân sự đi đào tạo ở những địa chỉ tin cậy, chỉ xã hội hóa ở vấn đề chi phí (phi công phải tự bỏ tiền) nhằm tránh việc bị cơ sở đào tạo lừa đảo và cũng là hình thức giám sát nội bộ phi công, tăng cường an ninh.

Về phía hãng vận chuyển, trao đổi với PV Dân trí, đại diện Hãng hàng không lớn nhất Việt Nam là Vietnam Airlines cho biết, quy định về phi công và số người luôn có mặt trong buồng lái đã có trong quy định thuộc tài liệu khai thác bay của Vietnam Airlines (Flight Operation Manual - FOM) được Cục Hàng không phê chuẩn từ 2005 và tiếp tục duy trì cho đến bản mới nhất được Cục phê chuẩn năm 2014.

“Trên các chuyến bay của Vietnam Airlines, trước khi có người lái nào rời buồng lái vì bất kể lý do gì, phải gọi một tiếp viên vào và tiếp viên đó phải ở trong buồng lái cho tới khi người lái quay trở lại” - đại diện Vietnam Airlines khẳng định.

Châu Như Quỳnh