1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hàng chục người thiệt mạng trong cơn lũ lịch sử

(Dân trí) - Ngay khi cơn lũ lịch sử đổ về miền Trung, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo PCLB TƯ Cao Đức Phát đã trực tiếp tới Quảng Nam, tỉnh bị lũ tấn công nhiều nhất, chống lũ. Trong 2 ngày qua, toàn miền Trung đã có 24 người thiệt mạng do lũ dữ.

Lũ trên các triền sông miền Trung đang dâng lên rất nhanh. Mưa rất to ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi khiến lũ trên các sông Vu Gia, Thu Bồn, Cẩm Lệ đều đã vượt mức lũ lịch sử năm 1999; hầu hết các dòng sông đều đã vượt báo động 3 trên 1m.

 

Trong đợt lũ vượt mức lịch sử này, Quảng Nam là tỉnh bị tàn phá nặng nề nhất. Nhiều vùng trong tỉnh bị chia cắt, cô lập hoàn toàn. Ngay trong chiều 12/11, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã cùng lãnh đạo tỉnh quyết định chuyển ngay 30 tấn mỳ tôm cho các huyện đang bị chia cắt; 15 tấn chuyển từ tỉnh Quảng Ngãi ra và 15 tấn chuyển từ thành phố Đà Nẵng vào.

 

Hàng chục người thiệt mạng trong cơn lũ lịch sử - 1

Bộ trưởng Cao Đức Phát trực tiếp vào Quảng Nam chống lũ.

(Ảnh: K.Hồng - P.Quân)

 

Lũ về nhanh đã cuốn trôi 88 tàu thuyền của ngư dân ra biển, 11 tàu trong số đó đã được kéo vào bờ. Đường sắt Bắc Nam bị ách tắc do bị ngập sâu, 6 chuyến tàu đã phải tạm dừng, gây ùn ứ gần 2.400 hành khách.

 

Thông tin sơ bộ của trực ban phòng chống bão lụt miền Trung cho biết, đến 22h ngày 12/11, đã có 24 người bị chết do lũ (Khánh Hoà 2 người, Bình Định 7 người, Quảng Ngãi 8 người, Quảng Nam 3 người, Đà Nẵng 2 người, Thừa Thiên Huế 2 người).

Tỉnh TT-Huế, trên 80.000 hộ dân bị ngập, 2 huyện miền núi là Nam Đông và A Lưới bị cô lập hoàn toàn. Nước cũng dâng tràn khắp thành phố Huế. Trưa qua 12/11, một số phường trong nội thành đã bị cắt điện cục bộ, Bệnh viện TƯ Huế cũng nằm trong vùng bị cắt điện.

 

100% các trường học phải đóng cửa. Hệ thống giao thông một số tuyến tê liệt, Quốc lộ 1A có đoạn ngập sâu đến trên 2m. Cho đến nay, tuyến đường Hồ Chí Minh mặc dù có có nhiều đoạn sạt lở nhưng vẫn thông xe; nhưng các tuyến tỉnh lộ đều ngập sâu từ 0,5 đến hơn 2m.

 

Do nước lên cao, hoạt động dân sinh khó khăn, giá cả các loại thực phẩm đồng loạt lên giá.

 

Hàng chục người thiệt mạng trong cơn lũ lịch sử - 2

Kinh thành Huế ngập sâu trong nước (Ảnh: Hương Giang)

 

Tại tỉnh Quảng Trị, xã Triệu Long (huyện Triệu Phong) được xem là “rốn lũ”. Nước lũ đổ vào nhanh và mạnh; đoạn kè sông Thạch Hãn đang thi công bị sạt lở nặng, xói lở sâu vào đất liền khoảng 8m, hết sức nguy hiểm.

 

Tại huyện miền núi ĐaKrông, mưa lớn gây ngập và chia cắt nhiều tuyến đường; riêng hai xã đặc biệt khó khăn nhất là Ba Nang và A Vao bị cô lập hoàn toàn, thông tin liên lạc bị gián đoạn. Huyện Hải Lăng, người dân đã phải sống chung với lũ gần 1 tháng nay, đối mặt với nhiều khó khăn như lương thực dự trữ cạn kiệt, không có nước sạch, dịch bệnh rình rập,…

 

Nước lũ dâng cao từng giờ nhưng người dân vẫn chủ quan, xem thường nguy hiểm, đi chèo thuyền vớt củi, đánh cá, đi chơi lũ,… gây nên những thiệt hại về người không đáng có.

 

Hà Giang - Hương Giang - Sỹ Hoàng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm