1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Bình:

Hàng chục người dân ôm nợ vì trót vay vốn đi... “thoát nghèo”!

(Dân trí) - Nhiều người dân vùng rẻo cao huyện Minh Hóa (Quảng Bình) mong muốn thoát nghèo nên đã “liều mạng” vay vốn ngân hàng đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở nước ngoài. Tuy nhiên điều họ không ngờ tới là khi mãn hạn hợp đồng trở về nước, họ vẫn không đủ tiền trả nợ.

Nghèo vẫn hoàn nghèo!

Theo điều tra của PV Dân trí, tại huyện miền núi Minh Hóa hiện có hàng chục trường hợp vay vốn ở Ngân hàng chính sách (NHCS) xã hội huyện này để đi XKLĐ nhưng nhiều năm qua vẫn không có khả năng chi trả.

Riêng tại địa bàn xã Thượng Hóa, vào năm 2010, Công ty XKLĐ và chuyên gia Thanh Hóa (chi nhánh Hà Tĩnh) đến đặt vấn đề với UBND xã môi giới tuyển dụng đi XKLĐ sang nước ngoài làm ăn.

Sau đó, UBND xã Thượng Hóa đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện đứng ra tín chấp với Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh xã,  tạo điều kiện cho hàng chục người dân địa phương vay tiền để đi sang nước ngoài làm ăn với hy vọng thoát nghèo.

Hàng chục người dân ôm nợ vì trót vay vốn đi... “thoát nghèo”! - 1

Nhiều gia đình dân tộc thiểu số “vỡ mộng” vì đi xuất khẩu lao động

Sau khi hoàn tất các thủ tục, có 40 lao động là người dân tộc thiểu số tại xã này được sang Malaysia làm việc. Tuy nhiên, trong số 40 lao động thì chỉ có 19 lao động có việc làm, 8 lao động mắc bệnh bị trục xuất, 8 lao động vi phạm luật lao động bị trục xuất, 5 lao động không có việc làm nên phải trở về.

Được biết, vào năm 2009 – 2010, trên địa bàn huyện Minh Hoá có trên 100 trường hợp được tạo điều kiện tham gia vay vốn ở Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa với mức vay bình quân khoảng 25 triệu đồng/trường hợp để được đi XKLĐ. 

Sau khi được đi XKLĐ, một số lao động dù có việc làm nhưng do thu nhập thấp nên sau khi hết hạn hợp đồng trở về nước vẫn không đủ tiền trả nợ. Ngoài ra, một số trường hợp khác không được xuất cảnh, vi phạm luật lao động, mắc bệnh bị trục xuất trở về địa phương đều thuộc diện gia đình khó khăn, nên đến nay vẫn không đủ khả năng trả hết nợ.

Khó thu hồi nợ

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hồ Hải Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa cho biết, năm 2014, đơn vị buộc phải thực hiện “khoanh nợ” lần 1 để gia hạn đối với 103 trường hợp vay tiền để tham gia XKLĐ cùng Công ty XKLĐ và chuyên gia Thanh Hóa.

Đến tháng 6/2019, hệ thống tự động thông báo nợ của ngân hàng về các trường hợp nói trên đã “nhảy” sang lần 2 và cho thấy vẫn còn hàng chục trường hợp nợ quá hạn.

Theo ông Dương, hiện có tới 34 trường hợp từng vay vốn ở Ngân hàng để tham gia XKLĐ cùng Công ty Thanh Hóa nhưng vẫn chưa trả xong. Tổng số tiền dư nợ quá hạn của 34 trường hợp này là hơn 760 triệu đồng.

Hàng chục người dân ôm nợ vì trót vay vốn đi... “thoát nghèo”! - 2

Giấc mơ thoát nghèo vẫn chỉ là giấc mơ!

“Ngân hàng đã nhiều lần cử cán bộ, nhân viên về tận hộ vay để điều tra, khảo sát khả năng trả nợ nhưng hầu hết các hộ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, tài sản không có gì đáng giá, khả năng lao động kiếm thu nhập hàng ngày không cao”, ông Dương cho hay.

Còn ông Đinh Minh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, phía huyện đang đề nghị với Trung ương xem xét để có thể khoanh nợ cho các trường hợp có khả năng lao động để trả nợ; thực hiện xóa nợ đối với những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Đồng thời kiến nghị các ngành chức năng giám sát, quản lý chặt chẽ các đơn vị tuyển dụng XKLĐ nhằm tránh hiện tượng lừa đảo, gây mất niềm tin trong nhân dân; chú trọng tuyên truyền về hiệu quả từ XKLĐ để nhân dân nhận thức đúng đắn hơn.

Đặng Tài - Hùng Trần