1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hàng chục năm đi tìm hài cốt người cha liệt sỹ của ân nhân

(Dân trí) - Có những khi bà ngồi như hóa đá trước tờ giấy báo tử anh trai chồng và người cha của đồng đội - cũng là ân nhân của bà. Họ đã đi, chiến đấu vì Tổ quốc và chưa trở về...

Người phụ nữ hàng chục năm đi tìm hài cốt người cha liệt sỹ của ân nhân

Tìm cha cho đồng đội

Đầu tháng 5/2017, Lễ an táng 104 hài cốt liệt sỹ chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam hi sinh ở nước bạn Lào diễn ra ở nghĩa trang liệt sỹ huyện Nghi Lộc (Nghệ An).

Giữa dòng người đi viếng những ngôi mộ chưa có tên, tôi đặc biệt chú ý đến một người phụ nữ luống tuổi, đôi mắt thâm quầng, tay ôm khư khư bọc giấy cũ mờ tất tả bước đi.


Hàng chục năm nay, bà Đào Thị Hải Xuân cố gắng khớp nối các thông tin để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ Lê Công Trinh (người cha của ân nhân) và liệt sỹ Trần Quốc Sự (anh chồng bà).

Hàng chục năm nay, bà Đào Thị Hải Xuân cố gắng khớp nối các thông tin để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ Lê Công Trinh (người cha của ân nhân) và liệt sỹ Trần Quốc Sự (anh chồng bà).

Nắng chói chang, đôi vai gầy của bà như rũ xuống. 104 hài cốt được cất bốc, đưa về nước về lần này chỉ có 2 hài cốt xác định được danh tính. Rất tiếc, không phải là tên Lê Công Trinh mà bà đang tìm.

“Đây là giấy báo tử bố của người đồng đội cũng là ân nhân của tôi”, bà Đào Thị Hải Xuân (SN 1948, trú tại Tp Vinh, Nghệ An) nói. Như đọc được sự ngạc nhiên của tôi, bà chậm rãi kể: Năm 1996, bà nhập ngũ, một thời gian sau thì được phân về kho vũ khí Z20 đóng ở lèn Vũ Kỳ (Đồng Thành, Yên Thành, Nghệ An).

Cùng đơn vị của bà có chị Lê Thị Phớt (quê Quỳnh Trang, Quỳnh Lưu, Nghệ An), là con gái liệt sỹ Lê Công Trinh. Liệt sỹ Lê Công Trinh hi sinh năm 1954 tại mặt trận Trung Lào.

Những thông tin về liệt sỹ Lê Công Trình mà bà Xuân có đều thông qua bản điếu văn và bức thư đơn vị gửi về quê nhà
Những thông tin về liệt sỹ Lê Công Trình mà bà Xuân có đều thông qua bản điếu văn và bức thư đơn vị gửi về quê nhà

“Sáng đó, tôi với chị Phớt trèo lên đỉnh Vũ Kỳ chơi, tôi ăn nhầm quả dại, bị ngộ độc. Chị Phớt cõng tôi từ đỉnh núi về trạm xá. Tôi mang ơn cứu mạng của chị ấy suốt đời”, bà Xuân kể.

Không ai nhờ nhưng bà Xuân tự nguyện ghé vai trong cuộc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ Lê Công Trinh về quê mẹ. Nhưng tìm bằng cách nào, tìm ở đâu, chính bà vẫn chưa hình dung ra.

Lấy chồng rồi sinh 3 đứa con. Trách nhiệm làm dâu, làm vợ, làm mẹ cứ cuốn lấy bà. Bà Xuân cũng mất liên lạc với chị Phớt từ khi chị lấy chồng và sinh sống ở Quảng Bình. Năm 2001, các con lớn khôn, bà Xuân bắt đầu hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sỹ Lê Công Trinh.

Liệt sỹ Lê Công Trinh, Đại đội 98, Tiểu đoàn 326, Trung đoàn 18, Đại đoàn 325, hi sinh ngày 3/4/1954, an táng tại Trung Lào. Trung Lào – một danh từ quá chung chung và rộng lớn đối với người phụ nữ chưa một lần đặt chân sang Lào!

Sức khỏe không cho phép đi xa, mỗi khi có tin đoàn quy tập hài cốt liệt sỹ từ Lào trở về, bà Xuân đều cố gắng đến, mong có thể tìm thấy thông tin về liệt sỹ Lê Công Trinh
Sức khỏe không cho phép đi xa, mỗi khi có tin đoàn quy tập hài cốt liệt sỹ từ Lào trở về, bà Xuân đều cố gắng đến, mong có thể tìm thấy thông tin về liệt sỹ Lê Công Trinh

“Đợt ấy, hai vợ chồng tôi sang Lào để tìm nhưng cuộc tìm kiếm không có kết quả. Tôi về Việt Nam với lời hứa của một đồng chí lãnh đạo tỉnh bạn nhưng đến giờ vẫn chưa có thông tin nào”, bà buồn bã.

Sau nhiều nỗ lực kết nối, bà cũng liên lạc được với bà Lê Thị Phớt. Bà Phớt hiện đang chăm sóc người chồng bị tai biến tại xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, chồng tai biến nằm một chỗ.

“Chị ấy không nhờ tôi tìm nhưng tôi mang nợ chị ấy cả mạng sống, tôi mang ơn liệt sỹ Trinh – người đã sinh ra ân nhân của tôi, nên tôi đi tìm. Nhà nước cho tôi 3 triệu tiền lương hưu, trời thương cho tôi cái sức khỏe, tôi phải đi tìm chứ. Không đi Lào được, tôi tìm ở các nghĩa trang liệt sỹ Việt – Lào. Giờ tôi già rồi, đi lại khó khăn, chồng chưa mãn tang nên không đi xa được. Đợt nào có hài cốt liệt sỹ bên Lào về, tôi cũng đến, rồi thất vọng trở về…”, đôi mắt bà như phủ một lớp sương mờ.

Đau đáu người anh trai chồng chưa từng gặp mặt

Năm 1973, bà Xuân về làm dâu nhà ông Trần Quốc Bình. Thời điểm đó, người anh trai của ông Bình là Trần Quốc Sự đã hi sinh 3 năm. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, người bố chồng của bà vẫn canh cánh trong lòng người con trai đi chiến trận chưa về.

Những thông tin trên giấy báo tử không đủ để bà Xuân xác định được chính xác đơn vị, nơi chiến đấu và an táng của liệt sỹ Trần Quốc Sự
Những thông tin trên giấy báo tử không đủ để bà Xuân xác định được chính xác đơn vị, nơi chiến đấu và an táng của liệt sỹ Trần Quốc Sự

Tờ giấy báo tử vẫn còn rất rõ ràng nhưng để tìm ra manh mối thì lại hoàn toàn không dễ: Liệt sỹ Trần Quốc Sự, trung đội trưởng thuộc KH, Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị; hi sinh ngày 18/3/1970 tại mặt trận phía Nam; án táng tại khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận.

“Chúng tôi nghĩ anh Sự chắc làm nhiệm vụ bí mật nên trong giấy báo tử không ghi đơn vị và mặt trận cụ thể. Tìm hiểu tôi được biết KH là ký hiệu của một đơn vị Quân khu 4, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên Huế. Tôi cũng đã tìm đến các cơ quan chức năng và tỉnh đội Quảng Trị nhờ giúp đỡ nhưng không có được thông tin cụ thể”, giọng bà Xuân như chùng xuống.

Người phụ nữ nhỏ bé này đã 5 lần tìm vào chiến trường Quảng Trị và các nghĩa trang liệt sỹ để tìm kiếm anh trai chồng nhưng rồi đều phải thất vọng trở về.

Trong chiếc túi nhựa của bà còn có một tờ giấy báo tử của liệt sỹ Đào Đức Lợi (quê xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) - em trai con chú ruột bà Xuân. Liệt sỹ Lợi hi sinh ngày 30/6/1972 tại mặt trận phía Nam, hiện vẫn chưa xác định được vị trí mai táng.

Với bà, nỗi day dứt và mong mỏi lớn nhất là có thể tìm thấy nơi an táng của liệt sỹ Lê Công Trinh và liệt sỹ Trần Quốc Sự, liệt sỹ Đào Đức Lợi
Với bà, nỗi day dứt và mong mỏi lớn nhất là có thể tìm thấy nơi an táng của liệt sỹ Lê Công Trinh và liệt sỹ Trần Quốc Sự, liệt sỹ Đào Đức Lợi

Bà trầm ngâm: “Hàng chục năm nay, chưa đêm nào tôi ngủ được một giấc tròn bởi cứ nhắm mắt lại nghĩ đến anh Sự, bác Trinh, em Lợi còn nằm lạnh lẽo ở đâu đó chưa về. Tôi già rồi, không có nhiều sức khỏe để đi tìm nhưng nếu có một đội tình nguyện đi tìm mộ liệt sỹ, kiểu gì tôi cũng đi. Đợi mãn tang ông nhà tôi, tôi cũng phải đi tìm một chuyến nữa, biết đâu anh Sự, bác Trinh, em Lợi linh thương, hiểu mong mỏi và lòng thành của tôi mà cho tôi được tìm thấy!”.

Tôi cũng mong, ở nơi nào đó, liệt sỹ Trinh, liệt sỹ Sự, liệt sỹ Lợi và hàng nghìn, hàng vạn liệt sỹ khác sẽ thấu hiểu cho lòng thành và sự nỗ lực của bà Xuân, của những người mẹ, người vợ, người chị, người em khác để sớm trở về.

Chiến tranh đã đi qua, đất nước bình yên rồi, sao các anh đi mãi chưa về?

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm