Quảng Trị:
Hàng chục điểm chứa thuốc độc trong khu dân cư
(Dân trí) - Những điểm chứa thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tồn dư hàng chục năm nay, với mức độ ô nhiễm gấp hàng trăm đến hàng triệu lần cho phép, đã và đang để lại nhiều hiểm họa khó lường, đe dọa cuộc sống người dân.
Chất độc từ các điểm chứa thuốc nói trên cứ ngấm dần vào lòng đất, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân. Không chỉ vậy, các kho thuốc trên còn nằm cạnh các trường học, nơi có hàng ngàn học sinh học tập.
“Sống mòn” bên những kho thuốc độc…
Theo số liệu của ngành chức năng tỉnh Quảng Trị, trên địa bàn hiện có khoảng 65 kho thuốc BVTV còn tồn đọng, hầu hết đều không còn nguyên trạng. Nhiều địa phương có số lượng kho thuốc gây ô nhiễm tập trung như: huyện Triệu Phong 14 điểm; huyện Vĩnh Linh 13 điểm; huyện Hải Lăng 9 điểm, huyện Gio Linh 7 điểm…
Trong số đó, có 52 điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật có mức độ ô nhiễm phổ biến gấp hàng trăm đến hàng triệu lần mức cho phép, nằm ngay giữa khu dân cư, trường học. Các loại thuốc như DDT, 666, Basudin, Wonfatox còn tồn dư với mức độ ô nhiễm cực kỳ cao.
Đơn cử như kho thuốc BVTV của HTX sản xuất nông nghiệp Quyết Tiến (thôn Quy Thiện, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng), tồn tại từ năm 2002 đến nay. Chỉ tiêu 666 vượt quy chuẩn đến 1.373,2 lần; chỉ tiêu DDT vượt đến 2.168.024,4 lần.
Nhiều kho thuốc khác cũng nằm rất gần nhà dân, trụ sở UBND xã, Hợp tác xã, nhà sinh hoạt cộng đồng và các trường học gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân. Qua thời gian, các loại chất độc này cứ ngấm dần, bốc mùi hôi nồng nặc.
Hàng chục năm trôi qua, gia đình chị Văn Thị Nhung (xã Hải Quy, huyện Hải Lăng) vẫn âm thầm chịu đựng sự ô nhiễm từ kho thuốc của HTX Quyết Tiến (cũ). Dẫn chúng tôi đi tìm hiểu thực trạng ô nhiễm thuốc, chị Nhung tỏ ra hoang mang, lo lắng: “Vừa rồi có đoàn về kiểm tra tôi mới tá hỏa vì nhà mình nằm ngay bên kho thuốc BVTV với lượng thuốc còn tồn dư cao. Từ trước đến nay, gia đình tôi vẫn lấy nước giếng gần đây để sinh hoạt. Không biết chất thải độc hại có ngấm vào nguồn nước hay không?”
Ông Lê Thanh Duyên, Chủ nhiệm HTX Quyết Tiến, cho hay, kho thuốc của HTX được xây từ những năm 1977 và bị phá bỏ vào năm 2003. Trong quá trình làm kho chứa thuốc BVTV như 666, DDT, Wonfatox…một lượng thuốc nhất định đã bị rơi vãi và ngấm vào đất.
Ngoài ra, hàng loạt các điểm chứa thuốc BVTV khác còn tồn dư nhiều năm qua đang tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe người dân: kho thuốc BVTV tại vườn nhà ông Đoàn Thanh Tuấn (khu vực 6, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong), tồn tại từ năm 1974 đến nay. Chỉ tiêu 666 vượt quy chuẩn 3,1 lần, chỉ tiêu ĐT vượt 37,4 lần; Kho thuốc gần nhà ông Trần Toàn có chỉ tiêu DDT vượt 125.000 lần; kho thuốc ở khóm 3A (thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa) còn một tấn thuốc trừ sâu 666 chôn sâu trong lòng đất. Điểm chứa này có chỉ tiêu DDT thấp nhất là vượt 1,4 lần;…
Nguy hiểm hơn, các kho thuốc BVTV tồn tại ngay trong khuôn viên các trường học, gây ô nhiễm môi trường và đe dọa đến sức khỏe của hàng ngàn em học sinh. Kho thuốc tại trường Tiểu học Kim Đồng (phường 4, TP Đông Hà) đã tồn tại từ năm 1977 đến nay, với chỉ tiêu 666 vượt quy chuẩn cho phép lên đến 26.520 lần; Kho thuốc trong khuôn viên Trường Tiểu học số 2 xã Triệu Long, tồn tại và gây ô nhiễm từ 1997 đến nay, với chỉ tiêu DDT vượt quy chuẩn 5.927,9 lần.
Bao giờ mới được xử lý?
Được biết, các hợp chất có trong thuốc BVTV như 666, DDT…đều có tính bền vững cao và khó phân hủy. Trong một số điều kiện, các chất này bị phân hủy ngoài tự nhiên còn tạo ra một số hợp chất còn độc hại hơn. Các loại thuốc BVTV như 666, DDT từng một thời được sản xuất hàng loạt để phục vụ sản xuất nông nghiệp, do giá thành rẻ và hiệu quả cao. Nhưng hiện nay, đã bị cấm sử dụng bởi những tác động gây ra cho sức khỏe của con người và môi trường sinh thái.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trường Khoa, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị, cho biết, năm 2013, Sở đã tiến hành lập đề án điều tra toàn bộ các điểm ô nhiễm thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh. Qua quá trình khảo sát đã phát hiện 52 điểm ô nhiễm với mức độ lớn. Trong khi chờ xử lý, Sở mới có công văn gửi các địa phương để cảnh báo không sinh sống hoặc di dời các hộ dân, không khoan đào giếng, hạn chế sử dụng nước ngầm, cắm biển cảnh báo…tại các điểm ô nhiễm này.
"Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị cũng vừa có văn bản gửi Tổng cục Môi trường đề nghị đưa 52 điểm này vào danh mục “Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường", nhằm đảm bảo đời sống dân sinh. Dự kiến kinh phí xử lý các điểm này khoảng 134 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn đến năm 2025", ông Khoa nói.
Đăng Đức