1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nghệ An:

Hạn hán kéo dài, ngành nông nghiệp “nín thở” chờ mưa xuống

(Dân trí) - Suốt một tháng trời không có mưa, mực nước trong các hồ đập đầu mối xuống thấp ở mức kỷ lục khiến ngành nông nghiệp Nghệ An bị ảnh hưởng nặng nề. Tỉnh này đề xuất Trung ương hỗ trợ 75 tỉ đồng để chống hạn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Lúa chết, hồ đập cạn trơ đáy 

Từ cuối tháng 3 đến nay, Nghệ An đã trải qua 7 đợt nắng nóng kéo dài từ 4 đến 10 ngày. Đặc biệt, đợt nắng nóng từ ngày 3/6 tới nay kéo dài 28 ngày liên tiếp không có mưa. Tổng lượng mưa từ đầu năm tới nay ở Nghệ An thấp hơn mức trung bình cùng thời kỳ năm 2017, 2018 từ 50-170mm.

Hạn hán kéo dài, ngành nông nghiệp “nín thở” chờ mưa xuống - 1
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, Nghệ An có 31,2 nghìn ha cây trồng bị hạn thiếu nước, đứng trước nguy cơ bị chết cháy.

Trong số 96 hồ chứa do doanh nghiệp quản lý tính đến cuối tháng 6 thì không có hồ nào đầy nước, 67 hồ có dung tích dưới 50% dung tích thiết kế, chỉ có 8 hồ có dung tích hơn 70% dung tích thiết kế; 3 hồ chứa gồm Khe Sân, Lò Than và hồ Khe Của đã xuống cao trình mực nước chết. Có tới 212 hồ nhỏ ở 11 huyện, thành, thị trên tổng số 529 hồ nhỏ do địa phương quản lý đã xuống dưới mực nước chết, không thể phục vụ sản xuất; các hồ còn lại chỉ còn 20-40% dung tích thiết kế.

Mực nước tại các công trình đầu mối như thượng lưu cống Nam Đàn, cống Bến Thủy trên sông Lam, hồ thủy điện Bản Vẽ đều thấp hơn mực nước thiết kế.

Hạn hán kéo dài, ngành nông nghiệp “nín thở” chờ mưa xuống - 2
Nắng hạn gần 1 tháng qua khiến nhiều diện tích lúa Hè Thu bị chết cháy.

Nắng hạn kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và tình hình sản xuất nông nghiệp. Đến cuối tháng 6, diện tích gieo cấy các loại lúa Hè Thu mới chỉ đạt gần 75%, trong khi đó các loại lương thực khác như ngô, lạc, rau màu và đậu các loại chỉ đạt từ 25% đến 50% kế hoạch. Theo thống kê của Sở NN&PTNN tỉnh Nghệ An, thời điểm hiện tại có hơn 31,2 nghìn ha cây trồng bị hạn thiếu nước, trong đó lúa có hơn 15,2 nghìn ha; cây công nghiệp, cây ăn quả là hơn 8,1 nghìn ha; các loại lương thực, rau màu khác là hơn 7,8 nghìn ha.

Hạn hán kéo dài, ngành nông nghiệp “nín thở” chờ mưa xuống - 3
Nhiều hồ đập cạn đáy, không còn khả năng bơm tưới để chống hạn (ảnh Xuân Hoàng).

Ngành nông nghiệp Nghệ An đang tiếp tục bị nắng hạn uy hiếp khi dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn khu vực Bắc trung bộ, những ngày đầu tháng 7 tới địa phương này tiếp tục xảy ra nắng nóng, có ngày nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37 đến 40 độ C, có nơi trên 40 độ C. Mực nước trên các sông suối biến đổi chậm theo xu thế giảm dần; lượng dòng chảy trên các sông chính phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30-55%.

Đề xuất hỗ trợ 75 tỉ đồng chống hạn, cứu cây trồng

Từ ngày 21/6, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công điện khẩn yêu cầu các địa phương và Thủy điện Bản Vẽ đảm bảo xả từ 100-120 m3/s, Thủy điện Khe Bố xả trung bình ngày từ 120-150 m3/s, hồ Chi Khê xả nước không nhỏ hơn lưu lượng nước đến hồ trong thời gian từ 22/6-19/7 để phía hạ nguồn có nước bơm tưới cứu hạn cho cây trồng.

Hạn hán kéo dài, ngành nông nghiệp “nín thở” chờ mưa xuống - 4
Hạn hán kéo dài, ngành nông nghiệp “nín thở” chờ mưa xuống - 5

Nắng hạn kéo dài khiến nhiều diện tích chè ở huyện Thanh Chương, Anh Sơn bị chết cháy.

Tuy nhiên, so với các năm trước, nước từ thượng nguồn về Thủy điện Bản Vẽ cũng giảm mạnh, chỉ đạt 12 - 50 m3/s so với mực nước về hồ chứa của công trình này hàng năm cùng thời điểm là 70 - 100 m3/s. Trữ lượng nước của hồ Bản Vẽ chỉ còn 87 triệu m3, bằng 5% so với dung tích thiết kế là 1,8 tỷ m3 nên mực nước đã gần với mức nước chết.

Hạn hán cũng khiến tình trạng hỏa hoạn diễn ra nhiều nơi ở Nghệ An. Chỉ trong vòng 2 ngày, 28-29/6, tỉnh Nghệ An xảy ra 10 vụ cháy, trong đó có 6 vụ cháy rừng, 2 vụ cháy nhà dân...

Theo ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An, dù thủy điện Bản Vẽ duy trì mức xả 120 m3/s để nước về hạ nguồn nhưng việc bơm nước cứu lúa từ sông Lam cũng gặp nhiều khó khăn. Tranh thủ lúc thủy triều xuống, cống Mụ Bà (Đô Lương) và cống Nam Đàn mới mở được để các địa phương thay nhau bơm luân phiên chống hạn cho cây trồng.

Bên cạnh chỉ đạo các công ty thủy lợi nạo vét kênh mương để chắt nước cứu cây trồng, ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An đã lên phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích hơn 1.600 ha đất lúa kém hiệu quả, đất bị hạn thiếu nước sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hạn hán kéo dài, ngành nông nghiệp “nín thở” chờ mưa xuống - 6
Nông dân Hưng Nguyên vớt bèo, khơi thông dòng chảy để bơm nước chống hạn, cứu lúa.

Nghệ An cũng đề xuất Bộ NN&PTNT xem xét hỗ trợ 60 tỉ đồng để thực hiện công tác chống hạn và 15 tỉ đồng hỗ trợ chuyển đổi diện tích lúa bị hạn sang các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Với điều kiện thời tiết được đánh giá là khắc nghiệt nhất trong vòng 15 năm qua, bên cạnh huy động tổng lực để chống hạn, ngành nông nghiệp Nghệ An đang… chờ mưa xuống để cứu lúa và các cây trồng đang chết dần, chết mòn vì nắng nóng kéo dài.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm