1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hạn chế "tự tung tự tác" để chặn tham nhũng đất đai

(Dân trí) - “Hạn chế hiện tượng tự tung tự tác trong việc thu hồi đất để chống tham nhũng, giảm khiếu kiện đất đai” - chiều 7/9, lần đầu tiên dự thảo sửa đổi Luật Đất đai đã được Bộ TN-MT trình Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và được cơ quan này thẩm tra sơ bộ.

Nhà nước được trao quyền… “quá tay”  

Đại diện cơ quan soạn thảo dự án luật - Bộ Tài nguyên & Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, cho biết, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này có 190 điều, trong đó có 21 điều giữ nguyên so với luật hiện hành, 101 điều được sửa đổi, bổ sung và có 68 điều mới hoàn toàn.

Tổng kết quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2003 thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển thẳng thắn nhìn nhận, một trong những điểm hạn chế cơ bản là các quy định của pháp luật chưa làm rõ cơ chế thực hiện các quyền định đoạt của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu đất đai và chưa giải quyết hài hòa về lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất chưa được quy định đầy đủ, nhất là điều kiện thực hiện các quyền. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất chưa nghiêm.
 
Đại biểu Trần Du Lịch: Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân vẫn thường bị... đánh lận.
Đại biểu Trần Du Lịch: "Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân vẫn thường bị... đánh lận".

Đại biểu Trần Du Lịch phân tích nghịch lý, đất đai được xác định là thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước chỉ có chức năng đại diện chủ sở hữu. Nhưng trước nay khái niệm này thường bị “đánh lận”. Vậy nên mới có những biểu hiện “tự tung tự tác” trong việc sử dụng, thu hồi đất. Ông Lịch đặt yêu cầu khắc phục hạn chế trong lần sửa luật này, để thể hiện rõ quyền tài sản đối với đất đai của người dân.

Tán thành quan điểm này, Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho rằng, cần làm rõ quy định đất đai không phải thuộc sở hữu nhà nước. Nhà nước đóng 2 vai trò - đại diện chủ sở hữu và là người quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Luật đất đai hiện hành trao quyền “quá tay” cho nhà nước. Riêng nội dung quy định quyền thu hồi đất, luật 2003 để chính quyền được quyền quyết định trong quá nhiều trường hợp, từ việc thu hồi phục vụ lợi ích quốc gia tới lợi ích công cộng và cả để phát triển các dự án kinh tế, thương mại. Vô tình, quyền của người dân, người sử dụng đất bị thu hẹp lại.

“Cần quy định rõ ràng về giới hạn thẩm quyền của người đạn diện. Người được ủy quyền cũng chỉ trong chừng mực nhất định, không thể là ủy quyền vô hạn được” - ông Phúc nhấn mạnh.

Thắt chặt cơ chế xin - cho dự án để chống tham nhũng đất đai

Đại biểu Trần Du Lịch nêu một vấn đề khác, yêu cầu sửa luật lần này phải làm sao để chống được tham nhũng, tiêu cực và hạn chế thấp nhất việc khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai. Cần xác định những điều khoản cụ thể nào cần thay đổi so với luật 2003 để khắc phục 2 vấn đề này.
Đại biểu Trần Du Lịch: Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân vẫn thường bị... đánh lận.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nêu nhiều bất cập trong quy định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án giao thông.

Đại biểu Vũ Viết Ngoạn phân tích, thực trạng hiện nay, việc thu hồi đất hết sức phức tạp, khó khăn, nhiều tiêu cực chủ yếu là trong những dự án có tính chất thương mại, chuyển mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp sang đất ở, dịch vụ. Quá trình thu hồi đất, giá bồi thường cho người dân mất đất thấp, tiền sử dụng đất nhà nước thu được không đáng kể, chỉ nhà đầu tư lãi cao, lợi lớn.

Muốn khắc phục tình trạng này, theo ông Ngoạn, nhà nước cần giải phóng mặt bằng “sạch” trước khi làm dự án. Như vậy, luật cần trao cho nhà nước một quyền cao hơn - quyền chưng mua đất.

Đồng tình với lập luận này, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, dự án luật mới đã quy định nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch, sau đó giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

“Luật sửa đổi cũng sẽ bỏ cơ chế giao đất theo dự án, hạn chế giao đất không thu tiền sử dụng đất, các đơn vị sự nghiệp sẽ chuyển sang thuê đất, tăng cường đấu giá đất để tránh xin cho, tham nhũng” - Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường quả quyết.

Tuy nhiên, Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia lật lại, nếu sử dụng đất cho mục đích thương mại thì cần đấu giá, nhưng không phải trường hợp nào cũng đấu giá được. Dự án lên đến hàng trăm tỷ USD thì khó có thể tiến hành đấu giá, nên vẫn có thể giao đất cho một số trường hợp song phải minh bạch và chặt chẽ để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.

Nội dung đáng chú ý khác cũng nhận được sự đồng tình cao tại dự án luật là đã sửa đổi quy định nguyên tắc định giá đất “do nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường” thay cho nguyên tắc “sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường”.

Cũng theo dự án luật mới, quy định thời hạn giao đất trong hạn mức sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân lên 50 năm thống nhất cho các loại đất nông nghiệp để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đất đai và yên tâm đầu tư sản xuất.
 
P.Thảo