1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hạn chế tốc độ bất hợp lý “buộc” lái xe phạm Luật

(Dân trí) - "Đề án điều chỉnh tốc độ xe cơ giới lưu thông trên đường bộ" vừa được Cục đường bộ Việt Nam trình lên Bộ Giao thông Vận tải với đề xuất giới hạn tốc độ tăng từ 10-20km đang được dư luận quan tâm. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô đã có cuộc trao đổi với Dân trí về vấn đề này.

Hạn chế tốc độ nếu không phù hợp với thực tế vận tải sẽ "khuyến khích” lái xe phạm luật và làm cho tình hình tai nạn giao thông gia tăng.

Những quy định hiện hành về hạn chế tốc độ đang là chủ đề “nóng” của các doanh nghiệp vận tải. Theo ông, quy định này ảnh hưởng thế nào đến đội ngũ lái xe?

Bất cập lớn nhất hiện nay trong quy định hạn chế tốc độ là lẽ ra tốc độ chạy xe phải được quy định theo cấp độ kỹ thuật của con đường thì hiện tại lại quy định theo địa giới hành chính, tốc độ chạy xe trong đô thị, mà đô thị hóa lại diễn ra quá nhanh.

Điều tra của Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển cho thấy, 24% doanh nghiệp vận tải và 51% lái xe được khảo sát cho rằng: các biện pháp xử lý vi phạm giao thông không có tác dụng; 71,4% DN cho rằng các biện pháp trên làm tăng chi phí vận tải; 63% doanh nghiệp và 78,8% lái xe cho rằng như vậy là tạo đất cho tệ nạn "mãi lộ" hoành hành.

Đô thị ở đây bao gồm cả đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường huyện, có nhiều cấp độ kỹ thuật khác nhau, nhưng hiện tại, theo quy định lại có chung một loại tốc độ. Việc chia ra quá nhiều loại xe trong quy định tốc độ của Bộ Giao thông vận tải cũng khiến nhiều bất cập nảy sinh.

Theo phản ánh của các lái xe, nếu chia nhiều loại như vậy đương nhiên sẽ khiến năng lực chạy xe bị kìm hãm, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của doanh nghiệp.

Rõ ràng những quy định bắn tốc độ hiện nay đang gây bức xúc cho hầu  hết các lái xe. Vậy theo ông, nên bắn tốc độ như thế nào?

Theo tôi, đã đặt ra quy định về tốc độ thì phải có cơ quan kiểm tra việc thực hiện, tuy nhiên phải thật minh bạch.

Hiện tại, đoạn đường giao nhau giữa quy định tốc độ cao và tốc độ thấp thường là điểm hay bị bắn tốc độ khiến lái xe luôn trong tình trạng ức chế vì lo bị phạt tiền.

Do vậy nên bắn tốc độ với mục đích giáo dục, khuyến khích lái xe thực hiện đúng luật chứ không nên làm với mục đích trừng phạt như hiện tại. Tuy nhiên cũng cần bắn tốc độ ở những đoạn đường nếu chạy xe nhanh sẽ gây nguy hiểm.

Nhiều ý kiến cho rằng, giới hạn tốc độ cho xe cơ giới chạy qua trường học, chợ, bệnh viện vào ban đêm là không cần thiết vì thời điểm này rất vắng người qua lại. Theo ông nên hạn chế tốc độ ra sao cho hiệu quả?

Hiện tại, mỗi năm Nhà nước đều đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp đường bộ. Đường đẹp lên, tốt lên là để xe đi nhanh hơn, nhưng thực tế thì ngược lại. Điều này đã khiến nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng không còn tác dụng thúc đẩy giao thông vận tải phát triển.

Điều khiến các lái xe băn khoăn nhiều nhất hiện nay chính là quy định tốc độ không phù hợp. Khi bị hạn chế tốc độ ở nhiều đoạn đường, lái xe sẽ tìm cách bù lại ở những đoạn không bị hạn chế. Lúc này, những quy định bất hợp lý sẽ “khuyến khích” tai nạn xảy ra nhiều hơn.

Ông nhận xét gì về hệ thống biển báo giao thông và tốc độ đô thị hóa quá nhanh dọc các tuyến đường quốc lộ?

Chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh của lái xe về tình trạng thiếu minh bạch của hệ thống biển báo hiện nay: biển cắm ở góc khuất, có biển hạn chế tốc độ nhưng ko có biển giải tỏa hạn chế... Còn việc các khu dân cư xuất hiện ngày càng nhiều dọc các đường quốc lộ đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Theo quy định của luật giao thông đường bộ, hai bên quốc lộ phải có hành lang bảo vệ rộng 20m. Thế nhưng, trong 20m này, Nhà nước thường đền bù 5m vì nếu đền bù đủ theo quy định đòi hỏi một khoản ngân sách rất lớn. 15m còn lại thuộc hành lang an toàn nhưng lại thuộc quyền sở hữu của dân nên họ vẫn tận dụng “bám đường” để sinh nhai.

Mỗi lần kiểm tra hành lang an toàn, Nhà nước đều phải giải tỏa, cưỡng chế, chi phí cộng gộp lại cũng không nhỏ. Vì vậy, theo tôi nên đền bù đầy đủ để đảm bảo an toàn và tránh lãng phí.

Có ý kiến cho rằng tăng tốc cũng đồng nghĩa với tăng tai nạn. Vậy theo ông nên quy định tốc độ thế nào cho hợp lý mà vẫn đảm bảo an toàn và lợi nhuận của doanh nghiệp vận tải?

Không hẳn cứ tăng tốc là tai nạn nhiều thêm, vấn đề là phải quy định tốc độ chạy xe cho khoa học và sát với thực tế. Theo tôi việc tăng tốc thêm một vài chục km theo kiểu số học sẽ ko hợp lý mà nên quy định tốc độ theo chất lượng kỹ thuật mặt đường.

Lái xe sẽ chạy theo tốc độ quy định còn tại những điểm đông dân cư, những đoạn đường nguy hiểm, nhiều cua gấp sẽ đặt những biển hạn chế tốc độ.

Ngoài ra, theo phản ánh của số đông các doanh nghiệp vận tải cũng nên bỏ cách quy định tốc độ theo địa giới hành chính và chỉ nên quy định 2 nhóm xe thay vì việc chia thành quá nhiều nhóm như hiện nay.

Trong "Đề án” vừa được Cục đường bộ Việt Nam trình lên Bộ Giao thông Vận tải, ông đánh giá như thế nào về khả năng hạn chế tai nạn giao thông và các bất cập khi đưa vào áp dụng trong thực tế?

Khi tiến hành soạn thảo đề án, Cục đường bộ Việt Nam cũng đã có lấy ý kiến đóng góp từ phía Hiệp hội. Chúng tôi thấy nên bỏ khái niệm đường bộ, nên quy định là đường đô thị như tôi đã phân tích ở trên.

Bên cạnh đó đề án cũng không cần phân tích theo loại xe mà chỉ cần quy định một loại tốc độ tối đa cho các loại phương tiện và cũng nên giảm bớt nhóm xe quy định.

Trước kia quy định đã phân ra 5 nhóm xe, hiện tại là đang duy trì 4 nhóm và theo Dự thảo của đề án là 3 nhóm. Trong đó nhóm 3 quy định xe kéo xe, xe gắn máy không cần thiết, vậy nên chuyển các loại xe này sang nhóm 2 và bỏ nhóm 3 đi.

Giới hạn tốc độ được đề xuất tăng từ 10-20km cũng chỉ nên quy định đối với đường cấp 3 trở xuống. Đường cấp 2, cấp 1 và đường cao tốc nên để tốc độ chạy cao hơn.

Xin cám ơn ông!

Theo "Đề án điều chỉnh tốc độ xe cơ giới lưu thông trên đường bộ”, số nhóm xe sẽ giảm từ 4 xuống còn 2-3 nhóm và tăng tốc độ tối đa thêm 10-20 km/h cho xe tải, xe khách.

Trên các tuyến đường quốc lộ ngoài đô thị, nếu có quy mô 4 làn xe cơ giới trở lên và có dải phân cách thì sẽ quy định tốc độ cụ thể theo điều kiện kỹ thuật và hành lang an toàn giao thông đường bộ của từng chặng…

Hiền Ly (thực hiện)