1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hạn chế tàu thuyền để "cứu" hòn Trống Mái ở Quảng Ninh

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Để tránh tạo sóng, các phương tiện thủy chạy qua khu vực hòn Trống Mái (Quảng Ninh) không được đi quá tốc độ 10km/giờ và phải giữ khoảng cách với "báu vật" này tối thiểu 70m.

Liên quan đến việc tìm phương án xử lý sạt trượt hòn Trống Mái trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Vũ Văn Kinh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Ninh cho biết, đơn vị đã có phương án để tránh tạo sóng tác động đến hòn Trống Mái.

Cụ thể, sau khi thống nhất giữa các bên liên quan, Sở GTVT Quảng Ninh chốt phương án để tránh tạo sóng khi phương tiện thủy chạy qua khu vực hòn Trống Mái không được đi quá tốc độ 10km/giờ và phải giữ khoảng cách với "báu vật" này tối thiểu 70m.

Ông Kinh cho biết, Sở GTVT Quảng Ninh đang cho thiết kế phao và chuẩn bị lắp đặt xung quanh làm mốc ranh giới, phao sẽ được đặt cách hòn Trống Mái ít nhất 70m.

Sở GTVT Quảng Ninh đã giao cho Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long và các đơn vị liên quan tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu, thuyền trưởng biết khi di chuyển khu vực hòn Trống Mái.

Hạn chế tàu thuyền để cứu hòn Trống Mái ở Quảng Ninh - 1

Hòn Trống Mái trên Vịnh Hạ Long đang có nguy cơ sạt trượt (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long).

Trước đó, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý cho báo cáo Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).

Theo ông Hồ Tiến Chung, Phó trưởng Phòng Kiến tạo và Địa mạo - Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (chủ nhiệm nghiên cứu), vịnh Hạ Long thuộc bờ tây Vịnh Bắc Bộ có tổng diện tích khoảng 1.553km2. Khu vực này được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá đặc biệt là tài nguyên địa chất - địa mạo rất thuận lợi cho phát triển du lịch.

Các quá trình địa chất - địa động lực hiện đại vẫn đang tiếp tục diễn ra, chịu nhiều biến động mạnh trên phạm vi toàn cầu.

Hòn Trống Mái gồm 2 đảo đá nhỏ có hình thù như một đôi gà trống mái cao khoảng 13,9m, chân đảo thót lại tạo tư thế chênh vênh.

Trải qua quá trình hoạt động địa chất, kiến tạo và sự tác động của nước biển, hòn Trống Mái có cấu tạo đơn nghiêng với nhiều hệ thống khe nứt tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt, lở hoặc bị biến dạng làm mất đi hình ảnh biểu tượng của Di sản Thế giới Vịnh Hạ Long.

Vì thế, ông Chung nhấn mạnh việc nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng, làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái trên vịnh Hạ Long rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng phục vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Kết quả điều tra, đo vẽ chi tiết khu vực hòn Trống Mái kết hợp với phân tích ảnh vệ tinh, xây dựng mô hình 3D bằng sử dụng thiết bị bay không người lái đã xác định trên khu vực hòn Trống Mái tồn tại 40 khối có nguy cơ trượt lở, đổ lở. Trong đó, hòn Trống có 11 khối và hòn Mái tồn tại 29 khối.

Phân tích mô hình các kiểu trượt cho thấy có tổng cộng 13 khối có nguy cơ trượt phẳng (hòn Trống có 6 khối và hòn Mái có 7 khối) và 23 khối có nguy cơ đổ lở, lật đổ (hòn Trống có 2 và hòn Mái có 21 khối).

Kết quả áp dụng phương pháp tính toán ổn định sườn dốc đá và mô hình hóa 3D cho thấy có 28 khối có nguy cơ cao (hòn Trống có 7 khối và hòn Mái có 21 khối), 2 khối có nguy cơ trung bình ở hòn Trống và 10 khối có nguy cơ thấp (2 khối ở hòn Trống và 8 khối ở hòn Mái).