1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

UBTVQH xem xét Pháp lệnh đấu thầu:

Hạn chế chỉ định thầu để tránh tiêu cực

"Quy định về chỉ định thầu quá rộng là Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) không tán thành” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã thẳng thắn nói như vậy tại phiên thảo luận về dự án Pháp lệnh đấu thầu, vừa được Chính phủ trình lên UBTVQH xem xét hôm qua, 29/6.

Góp ý thẳng vào dự thảo pháp lệnh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh cho rằng quy định về hình thức chỉ định thầu vẫn còn “quá rộng”, dễ dẫn đến tiêu cực. Trên thực tế, theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cung cấp, hình thức chỉ định thầu hiện còn áp dụng quá nhiều.

Năm 2004, trong khi hình thức đấu thầu rộng rãi chỉ chiếm gần 15% trong tổng số trên 28.000 gói thầu sử dụng vốn Nhà nước, thì hình thức đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu chiếm đến 70%. Bản thân Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc cũng thừa nhận, tình trạng đấu thầu hình thức, khép kín trong đấu thầu vẫn chưa được khắc phục.

Việc lạm dụng hình thức đấu thầu hạn chế, chia nhỏ các gói thầu để tổ chức đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu, tạo điều kiện cho nhà thầu liên kết, móc ngoặc dưới dạng “quân xanh, quân đỏ”, đã làm giảm tính cạnh tranh và hiệu quả của công tác đấu thầu.

Tham gia thảo luận, ông Vũ Khoa, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam cũng không ngần ngại gọi chỉ định thầu là “khe hở” dẫn đến tiêu cực. “Vừa qua, báo chí đưa tin một số công trình đầu tư xây dựng cơ bản ở Hà Giang không hiệu quả, lãng phí.

Đó không phải trường hợp đặc biệt có nguyên nhân từ chỉ định thầu. Chính phủ hiện cũng chỉ định thầu tràn lan, cầu cũng chỉ định thầu, đường cũng chỉ định thầu, nhà máy điện cũng chỉ định thầu. Thế mới có chuyện Thuỷ điện Sê San 3 dự kiến phát điện vào năm 2006 mà đến giờ tổng dự toán vẫn chưa được duyệt”.

Dự thảo Pháp lệnh đấu thầu lần này quy định đến 9 trường hợp được chỉ định thầu. Ngoài ra, dự thảo pháp lệnh còn quy định, chỉ định thầu được áp dụng “trong trường hợp có lý do đặc biệt và phải được người có thẩm quyền cho phép”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu lên tiếng: “Lý do đặc biệt ở đây là gì cần phải được làm rõ và chặt chẽ hơn”.

Ngay từ đầu buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đánh giá: “Trong tình hình hội nhập hiện nay, mới chỉ xây dựng được Pháp lệnh về đấu thầu là quá yếu”, và gợi ý có nên nâng dự thảo pháp lệnh này lên thành luật.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, theo cam kết gia nhập WTO, trong năm nay Việt Nam phải hoàn thành Luật Đầu tư chung, Luật Doanh nghiệp chung và Pháp lệnh đấu thầu.

Tuy nhiên, qua thảo luận, đa số ý kiến trong UBTVQH đều cho rằng nên nâng ngay pháp lệnh lên thành luật. “UBTVQH đề nghị Chính phủ, trên cơ sở dự thảo pháp lệnh lần này để nâng lên thành luật. UBTVQH bảo đảm sẽ thông qua ngay dự luật này vào kỳ họp cuối năm 2005” - Chủ tịch Nguyễn Văn An nhấn mạnh trước khi phiên họp kết thúc.

Cũng tại phiên họp này, UBTVQH đã đề nghị Chính phủ nâng dự thảo Pháp lệnh đấu thầu lên thành luật để thông qua vào kỳ họp cuối năm nay.

Theo SGGP