Hai vấn đề xin ý kiến Chính phủ về tổ chức chính quyền địa phương
(Dân trí) - Bộ Nội vụ xin ý kiến Chính phủ về 2 vấn đề trọng tâm khi tiến hành xây dựng dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Tại hồ sơ dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vừa gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Nội vụ xin ý kiến Chính phủ về 2 vấn đề trọng tâm.
Vấn đề thứ nhất được Bộ Nội vụ xin ý kiến Chính phủ về mô hình chính quyền địa phương được đưa ra tại dự thảo luật.
Thực hiện Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định cụ thể về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính đô thị, nông thôn, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, phù hợp với đặc thù của từng địa bàn.
Riêng với mô hình chính quyền đô thị là vấn đề quan trọng, nhận được sự quan tâm của các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Nhằm thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó xác định đô thị hóa là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đề ra mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, Bộ Nội vụ đề xuất mở rộng áp dụng mô hình chính quyền đô thị như của TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng để áp dụng chung cho các thành phố trực thuộc trung ương khác (trừ Hà Nội thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô).
Theo đó, tại quận, phường thuộc quận, đơn vị hành chính cấp xã của thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND là cơ quan hành chính tại địa phương (chính quyền một cấp).
Đồng thời mở rộng việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị với các thành phố thuộc tỉnh. Cụ thể, tại thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND là cơ quan hành chính tại địa phương.
Đối với thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (là đô thị có quy mô lớn, có tính độc lập và tự chủ cao, có chức năng đặc thù so với các quận) và thị xã thuộc tỉnh, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (là mô hình đang trong tiến trình đô thị hóa, còn đan xen nhiều yếu tố giữa nông thôn và đô thị) vẫn tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm có HĐND và UBND để đảm bảo phù hợp với đặc thù của các đô thị này.
Bộ Nội vụ thông tin, hiện nay có thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM và thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng. Trong tương lai có thể có thêm thành phố thuộc thành phố Hà Nội (thực hiện theo Luật Thủ đô).
Thị xã Hương Trà và thị xã Hương Thủy thuộc thành phố Huế; riêng thị xã Sơn Tây thuộc thành phố Hà Nội đang áp dụng Luật Thủ đô, không áp dụng Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Việc đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương như đề xuất tại dự thảo luật nhằm đảm bảo thực hiện chủ trương của Trung ương về giảm cấp chính quyền địa phương, phân biệt rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn.
Hơn nữa, điều đó còn nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế; đẩy mạnh tiến trình đô thị hóa của các địa phương, nhất là tại các địa bàn đang có tốc độ phát triển nhanh như các thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Vấn đề thứ hai được Bộ Nội vụ xin ý kiến Chính phủ liên quan đến xử lý vướng mắc giữa Luật Tổ chức chính quyền địa phương với các luật chuyên ngành khi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương.
Dự thảo luật đã quy định các nguyên tắc về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp và ủy quyền nhằm tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ phản ánh tại các luật chuyên ngành hiện nay có nhiều quy định chưa đảm bảo tính thống nhất với nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền quy định trong dự thảo luật.
Rà soát sơ bộ đã thấy 142 luật quy định nhiệm vụ, thẩm quyền của các cấp chính quyền (HĐND và UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã), trong đó có những việc quy định cả 3 cấp hoặc 2 cấp cùng thực hiện, có sự chồng chéo về nhiệm vụ, thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương.
Để xử lý vấn đề này, Bộ Nội vụ đưa vào dự thảo luật quy định giao Chính phủ căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn, quyết định điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương đang quy định tại các luật chuyên ngành chưa phù hợp với nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân quyền, quyền hạn của chính quyền địa phương tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất bổ sung quy định cụ thể về nguyên tắc phân cấp theo hướng cơ quan phân cấp chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ phân cấp.
Cơ quan được phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp nếu cơ quan phân cấp đã đảm bảo các điều kiện thực hiện.
"Các cơ quan chủ động phân cấp trong tổ chức thực hiện dựa trên nguyên tắc mới về phân cấp được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)", Bộ Nội vụ nêu rõ.
Được biết, Bộ Tư pháp đang tổ chức nghiên cứu và sẽ tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để thẩm định dự án luật trên.