Hai thuyền viên nhảy xuống biển Chile nói gì?
Sau khi xuống sân bay Nội Bài vào chiều 26/5, hai thuyền viên Trần Anh Sơn và Lê Đình Lâm được đại diện Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động - thương mại và du lịch đưa đi khám sức khỏe, nhưng lại thu hồi hết mọi giấy tờ tuỳ thân, phiếu khám sức khỏe sau đó.
Công ty bắt hai thuyền viên viết giấy cam đoan “không được tiết lộ mọi thông tin” về vụ việc nhảy xuống biển từ tàu đánh cá tại Chile...
Khi chúng tôi tìm đến nhà Sơn ở xóm 5 xã Thạch Bằng, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) thì Sơn vẫn chưa hết nỗi kinh hoàng. Với vẻ mặt mệt mỏi và lo lắng, anh nói: “Tôi thoát chết nhưng còn lo bảy anh em thuyền viên (một người Quảng Bình, một người Hà Tĩnh và năm người Nghệ An) đang ở trên tàu đó không biết bây giờ ra sao!”.
Theo lời Sơn, anh cùng tám thuyền viên VN xuống tàu câu mực của Đài Loan vào ngày 21/10/2005 tại Singapore. Trên tàu còn có 12 người Trung Quốc, ba người Đài Loan (gồm một tàu trưởng, một “cai” tàu và một công nhân trực).
Tàu trưởng và “cai” đều có súng và roi điện mang bên người. Ngay ngày hôm sau, tàu sang vùng biển Nam Phi để tiếp thêm nhiên liệu và một số thức ăn khác. Sau đó tàu vòng qua vùng biển Argentina, bắt đầu câu mực. Hành trình chuyến đi mất 22 ngày đêm.
Công việc của Sơn là xóc, lựa mực rồi chuyển vào hầm lạnh. Bất kể nắng hay mưa, Sơn cũng phải làm việc liên tục 18 giờ/ngày. Trên tàu, Sơn thường xuyên bị “cai” quất bằng roi điện. Chỉ cần lựa mực không nhanh là “cai” quất ngay.
Có lần do không biết tiếng Hoa (chín thuyền viên VN không được học tiếng Hoa như lời hứa của công ty) nên không hiểu được ý của “cai”, Sơn liền bị phạt bắt nằm sấp, chống tay hít đất đến khi mặt sưng phù mới thôi. Nhiều thuyền viên đã từng bị “cai” hành hạ, ngay cả thuyền viên người Trung Quốc cũng bị đánh.
Không chịu đựng nổi, Sơn và Lâm xin lên bờ làm việc nhưng lần nào “cai” cũng lắc đầu. Ngày 15/5, nhân lúc tàu đang câu mực ở vùng biển chỉ cách bờ Chile chừng 4km, Sơn bèn nhảy xuống biển với chiếc phao là một thùng phuy. Thấy vậy Lâm cũng nhảy theo. Cả hai chỉ mong rời khỏi con tàu để thoát thân về nhà.
Trong gần mười giờ nằm lênh đênh trên nước biển lạnh dưới 10 độ C, Sơn và Lâm chỉ biết khấn trời, khấn biển... cho đến khi Lâm bị ngất. May mắn lúc ấy một chiếc tàu của Chile chở đoàn học sinh đi du lịch phát hiện hai người đang chơi vơi giữa biển. Họ quay phim, chụp ảnh và báo cho tàu hải quân Chile ra cứu.
Sơn và Lâm được chuyển về bệnh viện cấp cứu trong tình trạng Lâm bị chết lâm sàng, còn Sơn toàn thân bầm tím. Sau ba ngày Lâm mới tỉnh và Sơn mới hoàn hồn. Sơn nhớ lại: “Lúc này cả hai phải trả lời phỏng vấn của hơn 100 phóng viên nước ngoài. Trước đó, có rất đông học sinh và người dân địa phương mang quà đến thăm. Đặc biệt có một bà mẹ khoảng 50 tuổi ngày nào cũng đến chăm nom”.
Bà Trần Thị Sử, mẹ Sơn, than: “Hồi nó đi, tui phải thế chấp nhà cửa vay ngân hàng và xóm giềng hết 18 triệu đồng. Nay không ngờ gặp cơ sự này thì không biết phải làm gì để trả nợ”. Nhưng rồi bà lại tự an ủi: “May mà còn người”.
Cùng tâm trạng như mẹ, Sơn rất phân vân khi kể: “Về đến sân bay, công ty chỉ cho mỗi người 200.000 đồng làm lộ phí mà không hứa hẹn một điều gì”. Sơn còn nói: “Trong bảy tháng lao động cật lực trên tàu, gia đình mới chỉ nhận được một tháng lương trị giá 160 USD”.
Theo Vũ Toàn - Đắc Lam
Tuổi Trẻ