1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kỷ niệm 60 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/2005):

Hai thiếu nữ kéo cờ trong lễ Tuyên ngôn Độc lập

(Dân trí) - Hai thiếu nữ mười chín, đôi mươi ngày ấy giờ đã lên chức bà, chức cụ. Lần theo lối cầu thang gỗ ngôi nhà cổ trên phố Ngô Quyền, Hà Nội, chúng tôi lên căn phòng ấm cúng của gia đình người thiếu nữ Hà Nội năm nào.

Năm nay bà đã xấp xỉ 80, cái tuổi đã gần đất xa trời, thế nhưng, khi nói về những ấn tượng được kéo lá cờ Tổ quốc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập  ngày 2/9 cách đây đã 60 năm, bà trở nên nhanh nhẹn hơn. Người thiếu nữ Hà Thành được vinh dự kéo cờ tổ quốc trong ngày Độc lập đó là Lê Thi (tên thật là Dương Thị Thoa, con gái thứ tư của cố giáo sư Dương Quảng Hàm). Qua câu chuyện của bà, chúng tôi cũng được nghe nhiều về “cô du kích người Tày” Đàm Thị Loan cùng Lê Thi kéo cờ Tổ quốc trong ngày Độc lập.

 

Kéo cờ không được chuẩn bị trước

 

Nhớ lại giây phút lịch sử của ngày lễ Độc lập 2/9/1945, bà Lê Thi xúc động kể lại: Việc tôi được chọn kéo cờ trong lễ Tuyên ngôn Độc lập của Tổ quốc là ngẫu nhiên, không hề được báo trước. Đang đứng trong hàng thì có người nói: “Các cô cử một người lên kéo cờ”. Tôi đang đứng ở ngay đầu hàng, lại “mang tiếng” là cán bộ nên các đồng chí trong hàng đều nói “Thi lên đi”. Thực sự, lúc đó tôi sợ lắm, tự nhiên nói lên kéo cờ là lên, chẳng được báo trước gì cả. Đang lưỡng lự thì trên gọi, dưới thúc, tôi “liều” bước lên (khi đó Lê Thi 19 tuổi - PV).

 

 

Hai thiếu nữ kéo cờ trong lễ Tuyên ngôn Độc lập - 1
 

GS Lê Thi (người thứ 2 hàng sau
từ trái sang) cùng với những
chiến sỹ của trung đoàn Thủ đô.

Lên đến nơi đã thấy một chị du kích người Tày đại diện cho An toàn khu đứng ở đó, chưa kịp hỏi tên nhau, hai cô gái đã được dẫn đến cột cờ chuẩn bị nghi lễ. Lúc ấy tôi nghĩ lại thời còn là học sinh trường Đồng Khánh, chiều nào tôi cũng phải cùng một bạn kéo cờ. Thế nhưng chúng tôi “nghịch” lắm, lại có ý chống đối nên kéo cờ lúc nào cũng trong tình trạng cái cao, cái thấp, nhiều khi lại làm cờ bị tắc tị. Còn bây giờ, đứng trước lá cờ tổ quốc linh thiêng mà không được tập trước... sao mà run thế? Tôi lo lắm, mình kéo cờ nhỡ tắc thì sao? Đang miên man trong dòng suy nghĩ thì có tiếng nói cắt ngang “chuẩn bị kéo cờ”.

 

Tôi vội vàng nói với chị du kích người Tày: Chị thấp chị nâng cao cờ lên, em cao hơn sẽ kéo. Hai chị em thoả thuận như thế và “nín thở” kéo cờ. Đến khi  lá cờ đã lên cao, tung bay trong bản nhạc "Tiến quân ca" tôi mới dám thở phào.

 

Cô du kích người Tày – vợ Đại tướng Hoàng Văn Thái

 

Đó là cách gọi thân mật mà Lê Thi gọi chị du kích chưa biết tên ấy. Kéo cờ xong, người thì về hàng nữ du kích chiến khu, người về phụ nữ Hà Nội. Mãi đến tận năm 1989, khi hồi ký của Lê Thi được đăng trên báo kể về một “cô du kích người Tày”, còn hồi ký của “cô du kích người Tày” lại nói về một cô thiếu nữ Hà Nội. Sau 44 năm xa cách, họ được gặp nhau tại buổi họp của Trung đoàn thủ đô ở Viện bảo tàng quân đội. Lúc này họ mới biết tên họ của nhau, một người là Lê Thi (Dương Thị Thoa) còn người kia là Đàm Thị Loan.

 

Sinh năm 1926 tại Cao Bằng , người thiếu nữ dân tộc Tày đã sớm đến với cách mạng từ những ngày còn gian khó. Tròn 14 tuổi, bắt đầu tham gia Hội Việt minh, ở xã Bình Long, huyện Hòa An, Cao Bằng, từ đó Đàm Thị Thoa lấy bí danh là Thanh Xuân.

 

Cô gái người Tày này là một trong số 34 đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân trong lễ tuyên thệ (22/12/1944). Sau ngày Độc lập, bà Loan được giao giữ chức trung đội trưởng Đội tự vệ thành Hoàng Diệu, sau này chiến tranh xảy ra lại trở về chiến khu Việt Bắc. Hòa bình lập lại, bà chuyển sang làm nhiệm vụ cơ yếu (Bộ Tổng tham mưu). Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, bà lại có mặt ở Tây Ninh.

 

Bây giờ phu nhân của cố Đại tướng Hoàng Văn Thái, bà Đàm Thị Loan cũng đã bước sang tuổi bát tuần. Bà ở cùng người con trai trong căn nhà nhỏ trên phố Lý Nam Đế (Hà Nội). Bà không thể nói chuyện được do biến chứng của tai biến mạch máu não, thế nhưng mỗi lần có người đến hỏi chuyện, bà luôn hướng ánh mắt dõi theo miệng người con trai thay bà kể về kỷ niệm đó.

 

 

Hai thiếu nữ kéo cờ trong lễ Tuyên ngôn Độc lập - 2
 

Giáo sư Lê Thi trong căn
gác nhỏ của mình.

Còn Lê Thi, sau cái ngày vinh dự ấy, bà lại hăng hái tham gia các phong trào Cách mạng, bà được bầu làm Bí thư Hội phụ nữ cứu quốc khu Hoàn Kiếm, làm phó Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Vĩnh Phúc... Đến  năm 1956 khi hoà bình lập lại, bà được cử đi học lớp lý luận cao cấp đầu tiên của trường Nguyễn Ái Quốc. Tốt nghiệp loại ưu, bà được giữ lại làm giảng viên, rồi đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau.

 

Bây giờ, khi tuổi đã cao, không còn đi được nhiều nữa, GS vẫn tìm niềm vui trong công việc, nghiên cứu, viết sách, viết báo... và đến thăm người bạn già Đàm Thị Loan.

 

Hồng Hải