Hai thanh niên bị bố mẹ xích, nhốt nhiều năm
(Dân trí) - Tại gia đình ông bà Nguyễn Văn Lượng - Nguyễn Thị Vân ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc có 2 người con trai bị xích, nhốt hơn 15 năm nay trong hai căn chòi kín; mọi sinh hoạt ăn, uống, vệ sinh đều thực hiện tại chỗ.
Người con lớn là Nguyễn Văn Hội, sinh năm 1978. Nơi nhốt Hội là một ngăn được xây trong nhà ngang, có diện tích gần 4m2, 3 bề xây bịt kín, bề trước mặt hướng ra sân có hàn các song sắt rất kỹ. Do Hội bấu víu, leo chèo nhiều, các ống sắt đều sạch bóng. Nền lát gạch, nửa trong lát cao hơn khoảng 10cm để làm “giường”.
Khi chúng tôi đến, trên người Hội không mảnh vải che thân. Từ năm 13 tuổi, Hội đã bị nhốt vào đây, đến nay đã được gần 17 năm.
Ông Lượng, bố đẻ Hội cho biết, khi Hội mới lên 3 tuổi đã có nhiều biểu hiện rất khác thường như gào khóc, vật mình oằn oại, đôi khi còn cắn xé dữ dội. Lên 5 tuổi, do phải đi làm đồng, ông bà Lượng xích con ở nhà vì sợ con ra ngoài làm chuyện dại dột như đánh trẻ em khác hoặc bị các trẻ em khác đánh, hoặc nhảy xuống ao, hồ... Hễ mặc quần áo là Hội xé hết vứt đi. Ngay cả chăn, chiếu cũng bị Hội xé nát vứt đi.
Đối diện với nơi nhốt người anh qua mặt sân nhỏ bé là nơi nhốt người em, tên Nguyễn Văn Huy, kém anh 2 tuổi. Cách nhốt Huy cũng tương tự như người anh nhưng rào chắn bề trước làm bằng gỗ vì Huy ít phá phách hơn.
Quá trình sinh ra và lớn lên của Huy cũng tương tự người anh nhưng ít dữ dội hơn. Vì thế, khi còn nhỏ, cha mẹ đi làm thường xích Huy dẫn theo ra đồng rồi cột vào đầu bờ. Lớn lên, Huy có các hành động giống như người anh nên ông bà Lượng cũng phải nhốt Huy lại.
Được hỏi vì sao không cho các con đi bệnh viện tâm thần, ông Lượng trả lời qua nước mắt: “Nhà có gì đâu mà cho các cháu đi. Cho đi phải có tiền, có người ở với các cháu, bỏ mặc các cháu ở viện sao đành! Nhà tôi ăn còn chả đủ, nói gì các chi phí khác. Các cháu cũng đã được đi viện và hiện được cấp thuốc uống tại nhà”.
Ông Lượng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin ở chiến trường Quảng Trị. Hiện ông được trợ cấp chế độ nạn nhân chất độc da cam trực tiếp, hai con ông hưởng chế độ gián tiếp. Số tiền ít ỏi này không đủ cho gia đình ông sinh sống nên ông bà vẫn làm ruộng kiếm sống.
Hoàn cảnh gia đình ông bà Nguyễn Văn Lượng và Nguyễn Thị Vân thật thương tâm, rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng.
Nguyễn Văn Chữ