Hai “quái nhân” của năm 2006
Ở lĩnh vực an ninh trật tự xã hội, năm 2006 trôi qua với rất nhiều sự kiện gây xôn xao dư luận, làm tốn khá nhiều giấy mực của báo chí. Trong đó, “nổi” nhất là "tỉ phú đôla" Lê Quốc Hồ, và "tiến sĩ, viện sĩ hàn lâm, giáo sư quốc tế giải phẫu thẩm mỹ" Nguyễn Xuân Ái.
“Tỉ phú đôla” Lê Quốc Hồ
Gần cuối năm 2005 đến giữa năm 2006, dư luận cả nước xôn xao khi nghe tin một người đàn ông 54 tuổi, cư trú tại nhà số 4, ngõ 251 đường Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội đến Cơ quan Công an trình báo đã bị kẻ trộm đột nhập vào nhà, lấy đi 2,5 tỉ USD, 500 viên kim cương mỗi viên có đường kính trung bình 15 ly, 4 pho tượng đồng đen, mỗi tượng nặng 20 ký cùng một vali đựng đầy vòng vàng nạm đá quý.
Đến hiện trường, không ai tin nổi nơi chứa một tài sản khổng lồ như thế lại là một căn nhà cấp 4 cũ kỹ, tường vôi loang lổ, nằm cuối ngõ cụt, lối đi vào lổn nhổn. Trên cánh cổng sắt, khổ chủ giàu có Lê Quốc Hồ cho gắn tấm biển với hàng chữ xanh đỏ: “Chùa Giác Nguyên”.
Tiếp xúc với chúng tôi, Lê Quốc Hồ luôn mồm tự xưng là “thầy” mặc dù ông ta - và cả “chùa Giác Nguyên” - chưa bao giờ được Giáo hội Phật giáo Việt Nam công nhận. Năm 1970, khi còn là chú tiểu đi học đạo ở chùa Quán Sứ, Lê Quốc Hồ đã bị đuổi vì vi phạm giới luật.
“Thầy có bao giờ để ý chuyện tiền nong đâu. Cứ bó thành từng cọc 100 nghìn USD ấy mà. Lúc mất rồi, thầy mới lấy số còn lại giấu trên trần nhà xuống đếm, thì hóa ra mất những 2,5 tỉ USD” - Lê Quốc Hồ mở đầu câu chuyện bằng một giọng rất thản nhiên. Theo lời thầy, thì rất may là sợi dây chuyền bạch kim, mặt chữ Vạn có gắn 8 viên kim cương - mỗi viên trị giá 500 lượng vàng, cùng chuỗi hạt đá thiên thạch do bà cố Thủ tướng Ấn Độ Indira Ghandi tặng thầy năm 1980 là chưa bị cuỗm mất.
Giải thích về nguồn gốc của số tài sản kếch xù này, Lê Quốc Hồ nói: “Họ hàng nhà thầy ở Anh, Pháp, Mỹ, Đức... có hàng nghìn người, hơn 30 năm nay đều đặn gửi tiền về nên mới có”.
Rồi thầy tiếp: “Năm 2002, cha mẹ thầy trao lại toàn bộ tài sản cho thầy và dặn đến năm 2005, dùng tiền này xây dựng bệnh viện Hoàng Gia, chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo. Kế hoạch này đã được em họ thầy là ông Nguyễn Hữu Khai, Tổng giám đốc Công ty Đông Nam dược Bảo Long đồng ý, và đang chuẩn bị thành lập hội đồng quản trị”.
Ngay sau khi đơn trình báo mất tài sản của Lê Quốc Hồ được gửi đến cơ quan chức năng, Công an quận Long Biên lập tức vào cuộc. Hiện trường vụ mất trộm cho thấy tài sản được cất giữ trong một căn phòng chỉ rộng khoảng 10m2. Nhận định ban đầu đưa ra, rằng rất có thể đây chỉ là vụ mất trộm “ảo” bởi lẽ với 2,5 tỉ USD - dù tất cả đều bằng loại giấy bạc có mệnh giá 100 USD, thì với diện tích 10m2, không thể nào chứa hết được. Hơn nữa, bọn trộm cắp có huy động đến chục người, cũng chẳng thể đưa hết ra ngoài rồi tẩu tán trong thời gian vỏn vẹn chừng 2 tiếng.
Tiếp tục xác minh, nhiều vụ việc liên quan đến Lê Quốc Hồ lộ diện. Hóa ra, thầy là chuyên gia lừa đảo. Nhiều nạn nhân ở Hà Nội, Lâm Đồng, TPHCM..., đã đến Cơ quan Công an tường trình về chuyện được thầy Hồ chữa bệnh, mỗi lần tốn từ vài chục đến vài trăm triệu, nhưng tiền mất, tật mang.
Giấy CMND mà thầy sử dụng là giấy giả bởi lẽ bên cạnh cái tên Lê Quốc Hồ còn có “pháp danh” Thích Giác Nguyên (giấy CMND không cho phép ghi tên theo kiểu này). Táo tợn hơn, thầy khắc dấu giả “Hiệp hội Phật giáo quốc tế” để lừa đảo.
Trước những chứng cứ cụ thể, thầy Lê Quốc Hồ bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Hà Nội khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khám xét chỗ ở của thầy, cơ quan chức năng tìm thấy 11 cọc USD, mỗi cọc bên ngoài là tờ 100 USD còn bên trong chỉ toàn tờ 1 USD. Ngoài ra, còn có 8 tờ tiền photocopy mệnh giá mỗi tờ 1 triệu USD, 2 con dấu “Hiệp hội Phật giáo quốc tế và... 10 CMND mang tên Lê Quốc Hồ.
Khám xét 2 căn phòng mà thầy Hồ thuê của Tập đoàn Y Dược Bảo Long, CQĐT thu được loại “thần dược” Solumylavinpanpao thầy đã dùng để chữa bệnh, lừa đảo nhiều người. Kết quả điều tra cho thấy thầy tên thật là Lê Quốc Hổ, sinh năm 1959 tại Hải Phòng. Thầy chưa hề tốt nghiệp Đại học Y dược TPHCM, chưa hề có bằng Tiến sĩ Ấn Độ như thầy khoe, chưa đi nước ngoài lần nào nên cũng chẳng hề có chuyện thầy đã chữa bệnh cho vợ chồng nhiều vị nguyên thủ trên thế giới như thầy từng quảng cáo.
Sau 8 tháng bị tạm giam, nhận thấy Lê Quốc Hồ có dấu hiệu tâm thần phân liệt thể hoang tưởng, đồng thời còn bị bệnh tiểu đường nên ngày 19/6/2006, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã ký quyết định tạm tha cho Lê Quốc Hồ. Sau đó, thầy lui về sống ở phường Đức Giang, quận Long Biên, và vẫn "nổ như sấm".
10h sáng ngày 17/12/2006, Lê Quốc Hồ đã chết vì biến chứng của bệnh tiểu đường.
“Tiến sĩ, Viện sĩ, Giáo sư quốc tế” Nguyễn Xuân Ái
Học Y khoa Huế nhưng chưa hề trình luận án tốt nghiệp, lợi dụng bối cảnh ngày Huế sắp giải phóng, ông Nguyễn Xuân Ái tự cấp cho mình tấm bằng “Tiến sĩ Y khoa quốc gia chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ và tạo hình”. Tấm bằng này, sau khi những hành vi sai phạm của ông Ái bị lôi ra ánh sáng, mới được CQĐT xác minh là giả hoàn toàn.
Ngay từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, ông Nguyễn Xuân Ái đã tự quảng cáo rầm rộ, tự xưng là “Giáo sư giải phẫu thẩm mỹ quốc tế”, “Viện sĩ hàn lâm giải phẫu thẩm mỹ Hoa Kỳ, Australia...”, “Tiến sĩ giải phẫu thẩm mỹ thế giới”, cùng hàng chục chức danh khác. Thực chất, những tổ chức đã cấp bằng “tiến sĩ”, “viện sĩ” cho ông Ái, chỉ là những tổ chức tư nhân, lập ra để bán chức tước với giá từ 500-700 USD.
Năm 1994, đã có một số bài báo vạch trần trò bịp bợm bằng cấp của ông Ái, nhưng tất cả đều rơi vào im lặng. Ông Ái rất khôn khéo. Tất cả bệnh nhân đến chỗ ông “giải phẫu”, ông đều không để lại một bút tích gì trên giấy trắng mực đen nên khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng rất khó giải quyết.
Một số nhân viên ở “Trung tâm giải phẫu thẩm mỹ Á Châu” được ông Ái huấn luyện kỹ lưỡng: Khi có khách hàng, họ không ngớt lời ca tụng “tay dao” của “tiến sĩ” Ái, và cam đoan mổ xong, Thị Nở cũng thành Tây Thi nhưng nếu xảy ra tai biến, thì trước sau họ chỉ là người... làm công ăn lương, chuyện mổ xẻ họ không biết. Bản thân ông Ái, khi có bệnh nhân đến bắt đền cũng thường hoặc là bỏ trốn, hoặc lu loa lên rằng bị vu khống, rằng giấy tờ chứng thực đâu...
Ngày 3/10/2006, cơ quan chức năng đã giải thoát cho chị P.T.N.D. tại cơ sở của ông Nguyễn Xuân Ái, số 114 A, đường Cao Thắng, phường 4, quận 3, TPHCM, khi ông mổ căng da bụng rồi giam lỏng chị nhiều ngày. Đến 22/10, Công an TPHCM xác nhận ông Nguyễn Xuân Ái không có tên trong sổ cấp bằng của Đại học Y khoa Huế. Ngày 23/10, Sở Y tế TPHCM ra quyết định hủy chứng chỉ hành nghề của ông Ái.
Đến ngày 26/10, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TPHCM xem xét, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những sai phạm của ông Ái nhưng cũng trong ngày này, ông Ái vẫn tiếp tục trương bảng quảng cáo “giải phẫu thẩm mỹ” tại số 348-350 đường Trần Phú, quận 5. Đến ngày 7/12, tại số 605-607 đường Cách Mạng Tháng Tám, vẫn ngang nhiên tồn tại tấm bảng “Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ái, giải phẫu thẩm mỹ và hút mỡ bụng”.
Khi các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt lên tiếng, phanh phui những bằng cấp bịp bợm của mình, ông Nguyễn Xuân Ái bèn phản công bằng cách trưng ra nhiều loại giấy tờ.
Một trong số những giấy tờ này là “chứng chỉ tạm” của Trường đại học Y khoa Huế, chứng nhận ông Ái là “tiến sĩ y khoa quốc gia” mặc dù ông chưa trình - và chưa bảo vệ luận án. Bên cạnh đó, chứng chỉ lại chỉ có chữ ký của người cấp mà không hề có con dấu (trong lúc chứng chỉ tạm cấp cho những bác sĩ khác, đều có đóng dấu và chỉ ghi là “đã tốt nghiệp 4 môn cuối cùng”).
Một giấy tờ khác mà ông Ái đưa ra, là bức thư được cho là của “Giáo sư Nguyễn Văn Phận, Phó hiệu trưởng Đại học Y khoa Huế”, nội dung cám ơn bác sĩ Tobin đã mời ông Ái gia nhập “Viện Hàn lâm giải phẫu thẩm mỹ Hoa Kỳ” (!?).
Cũng để chứng minh rằng mình là "tiến sĩ y khoa" thứ thiệt, ông đã thuê một "cò mồi" lên tiếng bênh vực mình trên một diễn đàn trên Internet, kết án báo chí Việt Nam là: “...sẵn sàng vì các lợi ích cá nhân mà xúm vào đánh hội đồng một đồng nghiệp và đồng loại của mình. Liệu những người đó có xứng đáng là con người nữa không?”.
Cuối cùng, sau nhiều ngày bàn cãi, Sở Kế hoạch - Đầu tư rút chức năng “chuyển giao công nghệ sáng kiến khoa học trong ngành giải phẫu và thẩm mỹ” trong giấy phép của ông Ái”. Tuy nhiên, rút thì rút, quảng cáo ông vẫn quảng cáo, ông vẫn giải phẫu thẩm mỹ nếu có bệnh nhân tìm đến...
Theo Vũ Cao
Công An Nhân Dân