Hải Phòng: Lại nhập tàu cá cũ về phá dỡ?
(Dân trí) - Câu chuyện những chiếc tàu cá cũ nhập khẩu về để phá dỡ lấy phế liệu gây ô nhiễm môi trường cho người dân Hải Phòng chưa kịp lắng xuống thì thông tin về chiếc tàu cá cũ Viktor Streltsov của Công ty TNHH Quý Hải vừa mở tờ khai hải quan ngày 27/12/2006 lại tiếp tục gây hoang mang cho người dân.
Việc nhập chiếc tàu cũ này liệu còn đúng luật? Khi mà trước đó, ngày 10/11/2006, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã có công văn chỉ đạo chấm dứt hoạt động nhập khẩu tàu cũ phá dỡ gây ô nhiễm môi trường.
Chỉ nhập thân tàu!
Chiếc tàu cá cũ Viktor Streltsov hiện đang được neo ở bến chờ Ninh Tiếp (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng) để làm thủ tục nhập khẩu. Theo Công ty TNHH Quý Hải, các thiết bị, máy móc và những bộ phận có khả năng gây ảnh hưởng môi trường đã được doanh nghiệp này thuê tháo dỡ ra khỏi con tàu ngay từ khi còn ở nước ngoài. Hiện tàu Viktor Streltsov chỉ còn thân vỏ.
Để chứng minh việc nhập khẩu con tàu này phù hợp với các tiêu chuẩn được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại Quyết định số 12/2006/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên - Môi trường ban hành ngày 8/9/2006, công ty TNHH Quý Hải đã thuê hai doanh nghiệp là Vinacontrol và Công ty Bureau Veritas Vietnam chứng thư giám định.
Cả hai công ty này đều có kết luận khá giống nhau như: “Thân, vỏ tàu và các hệ thống làm hàng, các hệ thống phụ trợ đã được tháo dỡ một phần; Cabin và các khoang chứa đồ đã bị cắt phá, tháo dỡ, không còn nguyên bản như ban đầu; Hệ thống động lực: Máy chính, máy phụ và các hệ thống phục vụ đã được tháo dỡ từ trước”.
Theo đó, hai tổ chức giám định này cho hay: Thân vỏ tàu biển nói trên không còn các chất dễ gây ô nhiễm môi trường, chỉ dùng để cắt phá làm phế liệu.
Khi con tàu Viktor Streltsov về đến bến Ninh Tiếp, UBND thành phố Hải Phòng đã cử 3 đoàn công tác ra kiểm tra tàu. Qua kiểm tra, các đơn vị này thấy việc vệ sinh để thải loại các chất gây ô nhiễm môi trường còn chưa cao nên chưa có kết luận cụ thể gì về trường hợp tàu cá Viktor Streltsov.
Bởi, việc “thân, vỏ tàu” không thể tháo dỡ, loại bỏ hoàn toàn các vật liệu gây ô nhiễm môi trường, vì với các loại tàu nói chung, nhất là tàu cá thì bao giờ cũng có 2 lớp vỏ. Chỉ khi đưa lên cạn cắt phá mới lấy các tạp chất như cao su, amiang và các thành phần phi kim loại khác ra được. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cả 3 đoàn công tác của Hải Phòng không đưa ra kết luận gì về khả năng gây ô nhiễm môi trường của thân vỏ tàu trên.
Đủ điều kiện nhập khẩu?
Được biết, trên mỗi một chiếc tàu cá tương tự như tàu Viktor Streltsov đều có một lượng tạp chất phi kim loại khoảng 360 tấn gây ô nhiễm môi trường khi phá dỡ ra để lấy kim loại. Cụ thể: amiang 10 tấn; xốp cách nhiệt 50 tấn; gỗ nội thất cabin, gỗ hầm hàng 100 tấn; bê tông nằm trên các mặt sàn 70 tấn; dây điện cao su 30 tấn; dầu thải và dầu sạch 100 tấn (chưa tính các loại thiết bị như: nút điện bằng nhựa, bóng đèn thủy tinh, xuồng cứu sinh bằng comporit).
Những năm trước, khi chưa có Luật Bảo vệ môi trường, những chiếc tàu cá cũ được nhập khẩu và đưa về Hải Phòng để lấy thép phế liệu, còn những tạp chất phi kim loại đều được thải vào môi trường Hải Phòng, gây không ít bức xúc cho người dân nơi này.
Kể từ khi có Luật bảo vệ môi trường, cũng như để thực hiện luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2006 và tháo gỡ cho việc nhập tàu cũ lấy phế liệu phục vụ ngành công nghiệp luyện kim, ngày 8/9/2006, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Mai Ái Trực kí Quyết định số 12/2006/QĐ-BTNMT về việc ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Trong đó, tại điểm d, mục 1 có cho nhập: “Thân, vỏ tàu biển (kể cả sà lan) đã qua sử dụng sau khi đã được tháo gỡ, loại bỏ dầu, mỡ, cao su, amiang và các thành phần phi kim loại khác tại nước hoặc lãnh thổ xuất khẩu”.
Về vấn đề xử lý việc nhập khẩu tàu biển cũ để phá dỡ, ngày 10/11/2006, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã kí có công văn số 1844/TTg-KG “giao cho Tổng cục Hải quan xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực và làm thủ tục thông quan đối với các trường hợp tàu đã về cảng trước ngày 30/11/2006. Sau thời điểm này, các trường hợp nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ đều buộc phải tái xuất và thực hiện các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật”.
Trước những vấn đề trên, ngày 15/1/2007, UBND Thành phố Hải Phòng đã có văn bản số 236/UBND-MT về việc nhập khẩu tàu Viktor Streltsov để phá dỡ, giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Công nghiệp, Công an thành phố, Cục Hải quan “khẩn trương kiểm tra cụ thể, xác định rõ thân tàu này đã được tháo gỡ, loại bỏ hoàn toàn hay chưa số dầu mỡ, cao su, amiang và các thành phần phi kim loại khác tại nước hoặc lãnh thổ xuất khẩu, báo cáo đề xuất về UBND thành phố trước ngày 20/1/2007”.
Qua trao đổi với Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hải Phòng, ông Vũ Thọ cho rằng: Việc cho nhập thân vỏ tàu là một vấn đề mới, bởi đến nay vẫn chưa có khái niệm thống nhất, cụ thể thế nào là “thân, vỏ tàu không gây ô nhiễm môi trường”. Cũng theo ông Thọ, chính việc này đã khiến cho Sở Tài nguyên - Môi trường bị động, cần phải xin ý kiến của Bộ mới đưa ra kết luận cụ thể.
Tuy nhiên, tại công văn số 101/STN&MT ngày 18/1/2007, lãnh đạo Sở này lại đề nghị UBND thành phố Hải Phòng cho nhập khẩu con tàu này (!?).
Được biết, trong thời gian ngắn tới, sẽ có một đoàn thanh tra của Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) xuống Hải Phòng để kiểm tra con tàu Viktor Streltsov. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về con tàu tới bạn đọc.
An Hạ