Hai nữ sinh trường văn hóa nghệ thuật trượt ngã vì ma túy
Rất bất ngờ khi chúng tôi tìm hiểu vụ án mua bán và tổ chức sử dụng ma túy do PC17 Công an tỉnh Phú Thọ triệt phá, phát hiện ra 2 bị can chính là nữ sinh viên của Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, chỉ khoảng 2 tháng nữa sẽ ra trường.
Khi sơn ca đứt tiếng giữa chừng
Chiều tháng 7 ngột ngạt nắng, phòng hỏi cung trong trại tạm giam của Công an tỉnh Phú Thọ hôm nay đột nhiên hỏng quạt. Khuôn mặt trắng trẻo của Trần Thị Vân Anh, 21 tuổi, quê ở thị xã Phú Thọ, sinh viên lớp Sư phạm Nhạc khóa K8, Trường VH-NT tỉnh Phú Thọ đỏ hồng lên trông càng hấp dẫn.
Ở cô gái này, ngay từ khi bước vào phòng hỏi cung, tôi đã cảm nhận được sự ân hận đến xót xa từ giọng nói đến ánh mắt. Trước khi gặp Vân Anh, tôi được điều tra viên Nguyễn Văn Thực cho biết cô gái bị sốc tâm lý, căn bệnh thiếu máu não tái phát nên thi thoảng bị ngất.
Nhưng từ hôm mẹ Vân Anh gửi thuốc vào cho con, sức khỏe của bị can đã khá hơn rất nhiều. Vân Anh cũng bình tĩnh hơn trong cuộc chuyện trò với chúng tôi. Cô gái kể rằng bố mẹ đã không hạnh phúc trong hôn nhân, cô ở với mẹ làm nghề giáo viên tại thị xã Phú Thọ.
Xinh xắn, hát hay, ngay từ nhỏ Vân Anh đã bộc lộ năng khiếu ca hát. Cô như con chim sơn ca tưng bừng tiếng hát trong các hội diễn ở địa phương. 19 tuổi, không đỗ đại học, cô lấy chồng, đi theo tiếng gọi tình yêu với một chàng trai Hà Nội, nhưng không được bền lâu. Chỉ được hơn 1 năm, cô ly hôn chồng và về quê.
Ngày trở về nhà, mẹ không một lời trách Vân Anh, nhưng cô thấy thương mẹ da diết khi nhìn vào đôi mắt buồn thăm thẳm của bà. Cô gái 20 tuổi ấy quyết tâm làm lại cuộc đời, miệt mài ôn thi vào Trường VH- NT tỉnh Phú Thọ.
Thi đỗ với số điểm thuộc tốp đầu của Khoa Sư phạm Nhạc, Vân Anh được tín nhiệm bầu làm lớp trưởng. Với năng khiếu bẩm sinh về thanh nhạc, thêm sự cần cù, chịu khó, Vân Anh học rất giỏi. Chưa tốt nghiệp, nhưng Vân Anh đã được Nhà trường cử đi biểu diễn ở các hội nghị trong tỉnh, cô cũng được nhiều nơi mời đi hát thêm trong các ngày lễ hội.
Vào đầu tháng 6/2008, Vân Anh là một trong những học sinh xuất sắc được trường cử đi dự hội diễn tiếng hát hay toàn quốc tổ chức tại Tuần Châu (Quảng Ninh).
Nhưng chưa kịp đến ngày đó thì vào một buổi sáng cuối tháng 5, khi Vân Anh đang học tại giảng đường thì bị các trinh sát PC17 đến thực hiện lệnh bắt khẩn cấp. Vân Anh bị dẫn giải ra xe của lực lượng Công an trong sự ngỡ ngàng của các bạn và thầy cô trong lớp.
Tất cả là từ mối quan hệ với tay chơi Nguyễn Toàn Thắng. Trong một lần Thắng rủ Vân Anh cùng đám bạn sang Lập Thạch chơi, cả bọn cắn thuốc lắc, chúng rủ Vân Anh cắn theo.
Lần đầu tiên sử dụng, Vân Anh thấy tâm trạng phấn khích. Rồi cảm giác phấn khích ấy cứ bám riết lấy cô gái. 4 lần sau, cô tự bỏ tiền ra mua thuốc lắc của bọn Thắng, Duy, khi thì 2, 3 viên, lúc gần chục viên ma túy tổng hợp (MTTH) để tổ chức cho bạn bè lắc ngay tại phòng trọ của mình và của bạn.
Những người Vân Anh chọn rủ khi là người bạn thân tên Hoàn, trọ ở gần, khi là Cường, một người làm công tác trong ngành Văn hóa - Thể thao đã từng nâng đỡ và dành các show hát cho Vân Anh. Họ dùng thuốc lắc, rồi mở dàn nhạc máy tính ra để nghe và nhảy, để được lâng lâng trong cảm giác phê thuốc.
Với kiến thức được học, Vân Anh cũng hiểu được rằng thứ mình đang dùng là ma túy, là vi phạm pháp luật. Nhưng cô gái đã bị lệ thuộc vào MTTH, thiếu bản lĩnh để dứt bỏ khỏi sự vây bủa của nó. Vân Anh bị khởi tố, bắt giam về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.
“Em đã bỏ lại tất cả ở đằng sau”, Vân Anh ngập ngừng nói trong nước mắt. Chỉ đến tháng 7 này, con chim sơn ca đầy triển vọng ấy sẽ ra trường. Cô gái ấy đã từng mơ thành một ca sỹ chuyên nghiệp, cất tiếng hát trong ánh đèn lung linh của sân khấu, hoặc trở thành một cô giáo dạy nhạc cho các em học sinh.
“Em thương nhất là mẹ, mẹ sống nốt cuộc đời này cũng là để lo cho em. Em chỉ mong mẹ tha thứ và chờ em ngày quay lại với cuộc sống bình thường”. Trước khi chia tay với tôi, Vân Anh đã thì thầm như vậy.
Nỗi ân hận giày vò, sự tiếc nuối nghẹn ứ, tiếng nói của cô chỉ còn như gió thoảng bên tai tôi. Đưa cô gái - bị can ấy trở lại phòng giam, lòng tôi cũng ngập tràn cảm xúc. Giận có, nhưng thương cũng nhiều, cái giá phải trả của em lớn quá. Nhưng tôi vẫn mong với nhận thức và sự ân hận của em, khi em ra trại sẽ quyết tâm làm lại cuộc đời, sống lương thiện hơn.
Nữ sinh lớp họa - “chúa sơn lâm” ngã bước
Do có chủ định nên tôi quan sát bị can phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý Nguyễn Thị Thu Nhã, 21 tuổi, trú tại huyện Yên Sơn (Phú Thọ), sinh viên năm cuối của lớp họa Trường VH-NT tỉnh Phú Thọ khá kỹ, từ khi cô gái bước ra khỏi phòng giam và theo điều tra viên về nơi hỏi cung.
Một khuôn mặt tròn, mái tóc cắt tém buộc túm như đuôi gà đằng sau. Không xinh nhưng cũng ưa nhìn. Tuy nhiên, thái độ của cô gái thì khá lỳ lợm, bất cần, khuôn mặt cứ hất lên nhìn trời.
Trước khi vào gặp Nhã, tôi đã đọc rất kỹ các bản cung, cũng như bản tự kiểm điểm của bị can này. Nhã khai rằng mình quen với Nguyễn Xuân Thắng qua một người bạn. Một hôm, Nhã theo đám bạn của Thắng lên sàn Polo chơi.
Tại đây, thấy cô gái tấm tắc khen cô người mẫu nhảy đẹp, Thắng thì thầm: “Em có muốn nhảy đẹp như cô người mẫu kia không? Anh có một thứ làm cho em nhảy đẹp được, có muốn thử không?”. Hỏi ra, Nhã biết là thuốc lắc, cô từ chối. Nhưng thiếu bản lĩnh, lại ham chơi, cô chỉ từ chối được lần đầu nhưng không kìm nén được khi bọn Thắng rủ cắn thuốc lắc lần 2, lần 3...
Nhã nói mỗi lần cắn thuốc, cô thấy trong người lâng lâng, tê tê, cảm giác như mình quên hết mọi sự đời và muốn sống thực với bản năng. Sau khi đã cho Nhã quen với lối sống chơi bời, lệ thuộc vào MTTH, Thắng sai cô gái này đi đưa thuốc cho anh ta mỗi khi có khách gọi điện hỏi mua. Đã 2 lần, Nhã đi taxi mang MTTH giao cho khách và cầm tiền về nộp.
Khi tôi hỏi vì sao dùng thuốc lắc, cô ta viện lý do vì đang buồn nhiều chuyện trong cuộc sống. Nhưng một cô gái ở độ tuổi và hoàn cảnh như Nhã, gia đình đủ đầy, bố là Phó Chủ tịch UBND một xã thuộc tỉnh Tuyên Quang, có trang trại phát triển kinh tế; chưa người yêu, vẫn đang là sinh viên thì đâu có chuyện gì buồn đến mức tìm đến ma túy để quên.
Ngay cả khi đã bị bắt giam, trước mặt tôi và các điều tra viên, cô gái này vẫn cãi về một số hành vi phạm tội, dù chứng cứ và lời khai cũ vẫn còn. Có lẽ chính tính cách ngang bướng, bất cần của Nhã đã khiến cho cô gái này sa ngã.
Khi đưa Nhã về trường thực hiện lệnh bắt, một cán bộ ở đây đã nói đến cái biệt danh “chúa sơn lâm” của Nhã. Cô gái này nhất định từ chối không giải thích với chúng tôi về biệt danh ấy.
Gia đình chu cấp cho Nhã ăn học đầy đủ. Trong căn phòng trọ của Nhã chẳng thiếu vật dụng gì. Hôm khám xét phòng trọ của Nhã, cô gái còn bảo các trinh sát rằng “Các chú phải mang 2 xe ôtô mới chở hết đồ đạc của cháu”. Quả đúng vậy, hàng trăm bộ quần áo, mấy chục đôi giày, và vô số các đồ đạc khác...
Sau khi đường dây này bị vỡ, những đối tượng đầu tiên bị bắt, Nhã đã bỏ học, gọi điện xin mẹ gửi cho 2 triệu đồng nói dối để đi học nâng cao, nhưng thực chất là lẩn tránh về Hà Nội.
Cuối cùng, chính người bố đau khổ vì đứa con hư đã tìm con về và đưa ra cơ quan Công an đầu thú. Đến cuối buổi nói chuyện, tôi hỏi Nhã: “Em có ân hận vì việc làm của mình không?”. “Có ân hận chứ ạ” - Nhã cao giọng nói, cái mặt vênh vênh, khiến tôi hiểu rằng, cô gái này vẫn chưa thực sự ân hận và thấm được cái giá mình đang và sẽ phải trả.
“Em đã phá huỷ tương lai của mình và làm bố mẹ em đau khổ đến chừng nào, em biết không?”. Đến chừng thấy tôi không kìm nén được, nói to tiếng thì Nhã mới cúi đầu, vân vê tà áo. Một phút tĩnh lặng, một chút ánh nước trong đôi mắt.
Nhìn theo dáng nhỏ bé của Nhã trở lại phòng giam, tôi chỉ mong rằng thời gian bị bắt và thụ án trong trại sẽ đủ khiến cô ngẫm nghĩ được lẽ đúng sai của cuộc đời, về hành vi phạm tội của mình để cải tạo và trở thành người lương thiện hơn khi trở về với cuộc sống bình thường.
Theo T.Hòa - H.Giang
Công an Nhân dân