1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nghệ An

Hãi hùng với bến đò "kiểu mẫu"!

(Dân trí) - Dù được cắm biển bến đò kiểu mẫu nhưng thuyền chở quá tải trọng, cả khách lẫn chủ không mặc áo phao. Thậm chí, có những khi đò chở cả người lẫn… bò.


Bến đò Cung nằm giữa địa phận 2 xã Trung Sơn (Đô Lương, Nghệ An) và Cát Văn (Thanh Chương, Nghệ An). Năm 2012, bến đò Cung được UBND tỉnh Nghệ An xây dựng mô hình bến đò kiểu mẫu. Bến được trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh để đảm bảo an toàn cho hành khách. Tuy nhiên, hầu như những vật dụng cứu sinh này chỉ được trang bị…. cho có.

Tại bến có 2 đò nhưng thời điểm chúng tôi có mặt (ngày 20/1) chỉ có đò mang BKS NA6714 hoạt động. Đò cập bến, khách chen nhau, xe máy cũng “trôi” từ trên dốc xuống đò. Hết khách trên bến thì chủ đò cho đò chạy. Theo tấm biển ghi trên đò thì con đò này chỉ có sức chở tối đa 12 người, trọng tải 0,5 tấn. Tuy nhiên, nhà đò đã chở đến 18 người cùng với 4 chiếc xe máy.

Sức chở tối đa chỉ là 12 người...

Sức chở tối đa chỉ là 12 người...

Phao cứu sinh lẫn áo phao đều được gác hoặc buộc trên mái đò nhưng tuyệt nhiên không thấy ai sử dụng. Với một chiếc áo phao để mặc nhưng khi tôi đang loay hoay mở khóa thì đò đã chạy được 1/3 sông. Những người có mặt trên chuyến đò khi được hỏi đều trả lời: “Không thấy ai mặc nên cũng không mặc” hoặc “không thấy chủ đò nhắc nhở”.

Một phụ nữ xã Cát Văn dắt thêm một cháu nhỏ tầm 4 tuổi, cả hai mẹ con đứng giữa thuyền nhưng không ai mặc áo phao. “Đi quen rồi, với lại cũng không thấy ai mặc mà. Dân ở đây chỉ mặc áo phao khi phải đi đò vào mùa lũ thôi, khi đó nước dâng cao với lại dòng chảy cũng mạnh”, chị này cho biết.

Đa số khách đi xe máy đều ngồi nguyên trên xe từ khi xuống đò. Thậm chí, một bác tài chở cả con bê trên xe nhưng vẫn… ung dung như đang ở trên mặt đất. Khi được hỏi, những người khách này đều bàng quan đến sửng sốt “rơi sao được”.

Cứ đò đầy là chạy...

Cứ đò đầy là chạy...

Chị H. T. T ở Thanh Chương nhưng công tác tại huyện Đô Lương nên thường xuyên phải qua đò để đến cơ quan. Chị T. cho biết: “Hồi đầu mới đi đò cũng sợ lắm. Có khi chủ đò xếp chặt một đò cả người lẫn xe đến nỗi phải ngồi nguyên trên xe máy để… tiết kiệm chỗ. Nói dại chứ lỡ mà có sự cố gì thì bao nhiêu con người, bao nhiêu xe cộ rơi xuống sông thì chỉ có nước chết.

Có lần đò chở cả người, xe máy còn kèm theo cả con bò, chúng tôi phải nín thở vì sợ bò lồng lên gây lật đò. Tôi cũng thử lấy phao cứu sinh trên mái nhưng khó mở ra quá nên… thôi, với lại cũng có thấy ai mặc đâu. Hơn nữa, nếu có muốn mặc áo phao thì khách đi đò cũng chẳng có thời gian mà mặc bởi cứ người khách cuối cùng lên là đò chạy”.

Đưa thắc mắc này hỏi ông chủ đò, ông thủng thẳng: "phao đó, ai mặc thì tự lấy mà mặc". Khi biết chúng tôi đang ghi hình thì ông lái đò tỏ rõ thái độ khó chịu.


Trao đổi về tình trạng quá tải cũng như việc xem thường an toàn tính mạng hành khách khi đi qua bến đò Cung, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết: “Xã cũng thường xuyên kiểm tra và lập biên bản chủ đò về các vi phạm liên quan đến việc đảm bảo an toàn tính mạng của khách đi đò. Về việc đò chở quá tải thì ngay chiều nay tôi sẽ cho anh em ra kiểm tra, nếu đúng sẽ lập biên bản xử phạt hành chính theo quy định".

Còn ông Trần Hữu Khai – Phó Chủ tịch UBND xã Cát Văn - cũng thừa nhận có tình trạng khách qua đò không mặc áo phao mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra và xử phạt hành chính khi phát hiện vi phạm. Ông Khai nói do không có lực lượng túc trực tại bến để kiểm tra nên “Nhắc nhở rồi, tuyên truyền rồi, xử phạt rồi nhưng đâu lại hoàn đấy", ông Khai cho hay.

Riêng việc đò chở quá tải trọng cho phép, theo ông Phó Chủ tịch UBND xã Cát Văn, chỉ là “việc có một không hai thôi. Mấy năm trước có xảy ra chết người do đò chở quá tải trọng bên mạn sông phía xã Trung Sơn nên giờ người ta cũng không dám chở quá tải nữa đâu".

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm