1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hãi hùng rắn độc cắn chết người

Chuyện rắn độc vùng Bảy Núi (An Giang) hoành hành không còn là giai thoại. Đã có người chết vì bị rắn cắn; và một người may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần kể chuyện bị rắn cạp nia tấn công khi đang ngủ…

Vùng Bảy Núi (An Giang) gần đây liên tục xảy ra chuyện rắn độc tấn công người. Đa phần do rắn cạp nia (hổ sơn), một trong những loài rắn độc nhất thế giới, gây ra. Mới đây, ngày 18/9, một trường hợp bị rắn cạp nia cắn đã được cứu sống xuất viện.

Muộn màng

Chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Chí Thanh, 25 tuổi, nhà trên triền núi Dài Năm Giếng, thuộc ấp Phú Hòa, xã An Phú (Tịnh Biên, An Giang). Anh Thanh là nạn nhân do rắn cạp nia cắn chết cách nay hơn bốn tháng.

Người nhà anh kể hôm đó khoảng 2 giờ khuya, vợ chồng anh Thanh đang ngủ trong mùng, bỗng có con rắn cạp nia chui vào cùng con rắn mối. Bị rắn phập vào ngón trỏ tay phải khiến anh Thanh tỉnh giấc. Anh Thanh thấy con rắn bự bằng ngón chân cái có khoang trắng, khoang đen nằm cạnh mình nên phát hoảng, đẩy vợ ra khỏi mùng. Sự việc làm cả nhà kinh động.

Chị Loan, vợ anh Thanh, nhớ lại: “Lúc anh Thanh bị rắn cắn thì chỉ thấy vết thương hơi bầm. Tui và ảnh chui ra khỏi mùng. Ảnh lấy sợi dây cột ngang cánh tay cho nọc độc đừng phát tán, rồi cầm cây đập chết con rắn. Lúc này ngoài rừng trời đổ mưa nên không thể chở ảnh đi thầy. Đập xong con rắn, ảnh kêu mẹ chồng tui lấy cho chai rượu, ảnh ực hết cả lít. Ảnh nói uống rượu để giải độc.

Nhưng khoảng 1 tiếng đồng hồ sau, người anh Thanh bỗng đơ cứng nên chúng tôi kêu người cõng xuống núi, lấy xe chở đi thầy. Chở đến ông thầy ở cầu Cây Me, ổng kêu chở vào bệnh viện huyện. Người nhà chở ảnh vào bệnh viện thì có người chỉ chở đến thầy Đại đức Chau Kim Sa, Sãi cả chùa Phnom Pi Lơ. Đến đây thì anh Thanh tắt thở. Lúc đó khoảng 8 giờ sáng. Ông thầy nói chở đến quá trễ, không trị kịp. Gia đình mới chở ảnh về lo chôn cất” - chị Loan kể trong nước mắt.
 
Một con rắn độc bị đập chết nơi trường bắn Chi Lăng, huyện Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: V.SƠN
Một con rắn độc bị đập chết nơi trường bắn Chi Lăng, huyện Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: V.SƠN 

Thoát chết ngoạn mục

Cũng ở ấp Phú Hòa, xã An Phú có bà Phạm Thị Sương (60 tuổi) bị rắn cạp nia hạ độc. Khoảng 12 giờ khuya 9/8, bà Sương đang say giấc một mình nơi căn chòi giữa rừng, sát chân núi Dài Năm Giếng thì bị rắn cạp nia cắn khiến bà không còn cử động. Bà Sương đã ngưng thở nhưng sau đó lại được cứu sống một cách hi hữu.

Ngày 17/9, chúng tôi gặp bà Sương trong bệnh viện. Giọng nói còn đơ cứng, bà kể mình góa chồng và có một người con gái ở riêng. Gia đình nghèo nên bà sống một mình trong căn chòi giữa đám rừng dưới chân núi Dài Năm Giếng. Bà ngủ ở căn chòi có sàn cao để giữ vườn xoài mướn. Khoảng nửa đêm 9-8, trong không gian tĩnh mịch chốn núi rừng, khi tay trái của bà chỏi ra cửa mùng thì lập tức bị con rắn cạp nia phập trúng khuỷu tay. Cắn xong, con rắn còn quấn xiết lấy tay bà. Bà giũ mạnh nó mới văng ra. Sau đó bà lấy dây cột chặt cánh tay chống độc phát tán, rồi lấy cây củi đập con rắn đến chết.

Bà Sương kể tiếp: “Nhìn vết cắn chỉ thấy hơi bầm, không có máu chảy và cũng chẳng sưng tay. Biết rắn độc cắn nên tui liền chạy xuống núi kêu người chở đi thầy. Khoảng 1 giờ sau tui được người ta chở đến BV huyện Tịnh Biên khi người đã cứng đờ và không còn biết trời trăng mây nước gì nữa…”.

Bà Phạm Thị Sen, em gái bà Sương, tiếp lời chị: “Khoảng 8 giờ sáng chị tui mới được chuyển ra BV Châu Đốc, rồi chuyển thẳng đến bệnh viện tỉnh lúc hơn 10 giờ. Bác sĩ tại đây lắc đầu vì chị đã ngưng thở, lưỡi thè ra khỏi miệng. Người nhà kêu chở chị về nhưng tui không chịu. Nhờ vậy bả mới còn sống tới giờ này. Bác sĩ ở đây làm hết sức mình nhưng mấy ngày trôi qua chị tui vẫn như người chết”.

BS Phạm Ngọc Kiếu, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc BV Đa khoa Trung tâm An Giang, cho biết sau 39 ngày điều trị, bà Sương đã nói chuyện được và tay chân đã cử động. “Lúc nhập viện, bệnh nhân đã ngưng thở, đồng tử giãn tét bét, ức chế toàn bộ thần kinh. Loại rắn cạp nia cắn bệnh nhân không có kháng huyết thanh và khả năng cứu sống gần như chẳng còn. Chúng tôi chỉ biết trợ thở và nâng đỡ cơ thể để độc thải từ từ. Đây là bệnh nhân đầu tiên trong năm bị rắn độc cắn và được cứu sống hết sức hi hữu. Kháng huyết thanh các loại rắn khác thì có, còn con cạp nia thì không, do hiệu quả kinh tế thấp nên ít khi được sản xuất”. 
 
Một con rắn độc bị đập chết nơi trường bắn Chi Lăng, huyện Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: V.SƠN
Người dân chưa được truyền thông thường xuyên về cách phòng trị rắn độc cắn nên hay chở đến thầy thuốc rắn, khó tránh khỏi những cái chết đáng tiếc. Trong ảnh: Một người đang hút nọc độc rắn hết sức nguy hiểm. Ảnh: V.SƠN 

Báo động rắn độc vùng Bảy Núi

BS Phạm Ngọc Kiếu khuyến cáo vùng Bảy Núi rắn độc rất nhiều. Khi đi vườn rẫy bà con cần mang giày cao gót, mang găng tay cao su để phòng ngừa rắn cắn. Khi bị cắn thì nạn nhân cần ít cử động và kêu chở ngay đến trạm y tế xã. Nơi đây sẽ vệ sinh vết thương rồi cho chuyển thẳng về bệnh viện tỉnh.

“Chuyện thầy thuốc chữa hết nọc rắn đến nay chưa ai điều tra xác định. Khi nạn nhân ngưng thở, thường các thầy thuốc rắn tưởng đã chết nên kêu chở về chôn. Trong khi bệnh nhân chỉ mới chết lâm sàng và khả năng cứu sống vẫn còn. Do đó, chắc ăn nhất bà con nên chở người bị rắn cắn đến đây. Chúng tôi đảm bảo khả năng cứu sống đến 80%. Loại rắn có kháng huyết thanh đặc trị thì khả năng được cứu sống còn cao hơn” - BS Kiếu nói.

Đại đức Chau Kim Sa, Sãi cả chùa Phnom Pi Lơ nằm dưới chân núi Nam Quy (thuộc ấp An Thuận, xã Châu Lăng, Tri Tôn, An Giang), cho biết đầu năm đến nay tại chỗ ông đã chữa trị cho 66 người bị rắn cắn. Hầu hết các loài rắn cực độc đều có mặt ở Bảy Núi như hổ mang, hổ sơn, lục đuôi đỏ, chàm quạp, hổ đất… “Có hai người chở đến tui nhưng đã quá trễ, họ đã ngưng thở, tui đành bất lực. Mỗi năm vùng này có cả trăm người bị rắn cắn. Thời gian gần đây rắn độc cắn người ngày càng tăng” - Sãi cả Chau Kim Sa nói.
 

Bà Sương cần được giúp đỡ

BS Phạm Ngọc Kiếu cho biết bà Phạm Thị Sương (ảnh), người bị rắn độc cắn vừa thoát chết, nhà quá nghèo.  

“Ngoài việc giữ vườn thuê với thu nhập ít ỏi, mỗi ngày bà còn bó chổi bán kiếm sống. Ngày 18/9, chúng tôi cho bà Sương xuất viện mà phải hỗ trợ tiền về xe. Bà Sương rất cần sự giúp đỡ của xã hội” - BS Kiếu nói.

Theo Vĩnh Sơn

PLTPHCM 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm