Hải Dương trong cơn lốc đô thị hoá: Ra đường vì… dự án
(Dân trí) - Hàng trăm hộ gia đình ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) sắp phải… ra đường để nhường đất cho các dự án của thành phố. Chính quyền địa phương gồng sức “tìm việc” cho gần 5.000 lao động đang “kêu cứu”; nhiều trẻ nhỏ đứng trước nguy cơ thất học.
Người lớn thất nghiệp
Vài năm nay, tỉnh Hải Dương có chủ trương chuyển đổi hình thức sử dụng đất cho các doanh nghiệp, công ty, tổ chức làm kinh tế trong và ngoài nước. Hàng loạt các dự án, công trình nhà máy thi nhau “mọc đè lên” nhiều khu trang trại, đất ruộng, hoa màu, đất nông nghiệp.
Một góc khu dự án rác thải của TP Hải Dương trên địa bàn phường Tứ Minh
Chúng tôi vào nhà ông Phạm Văn Thắng, thôn Lộ Cương, một gia đình tiêu biểu về sự “đông đúc” với 7 người con. Năm 1992, ông đưa vợ và các con ra khai hoang phục hóa ở khu vực ngoài sông Kẻ Sặt, làm kinh tế trang trại với mô hình VAC. Sau khi khai hoang, gia đình ông được Uỷ ban xã ký hợp đồng cho mượn đất và khoán thầu ao thả cá.
Chỉ chưa đến 10 năm, với sự cần cù, chịu khó, gia đình ông đã làm nên một mô hình kinh tế trang trại kiểu mẫu tại địa phương, được UBND TP Hải Dương cấp chứng nhận tiêu chuẩn kinh tế trang trại. Đáng phục hơn, khả năng nhìn của ông Thắng chỉ bằng 60% người thường, một mắt của ông gần như hỏng hoàn toàn.
Thu nhập từ mô hình kinh tế này cứ tăng dần đều. Cách đây 2 năm là gần 200 triệu đồng, đến nay một năm cũng được xấp xỉ nửa tỷ đồng từ thu hoạch ao cá, nuôi lợn, gà và làm ruộng. Số tiền ấy đảm bảo cho gia đình đông đúc của ông một cuộc sống đầy đủ, các con được ăn học bằng người.
Kinh tế gia đình chắc chắn sẽ ngày càng khấm khá nếu ông không phải trao trả đất vườn để làm dự án rác thải xây dựng cho TP Hải Dương. Ông Thắng than vãn: “Bao nhiêu công sức gây dựng mới có được mô hình kinh tế VAC tổng hợp này, được nhà nước công nhận tiêu chí kinh tế trang trại thế mà gia đình tôi vẫn bị thu hồi đất vì họ “vin” vào cớ sử dụng đất không đúng mục đích.
Rồi khi thực hiện đền bù theo bảng áp giá không phù hợp, tôi cũng không biết kêu ai. Dù cho khi thực hiện di dời, chúng tôi cũng được hỗ trợ một số tiền để sớm ổn định cuộc sống, nhưng tiền cầm trong tay rồi sẽ có ngày hết, việc làm thì không có, làm sao tôi nuôi được lũ trẻ nếu không có việc làm hả anh?”.
Một trường hợp tương tự là hộ nhà ông Đức, người cũng ra khai hoang cùng với vợ chồng ông Thắng hơn chục năm trước. Hai vợ chồng ông vẫn đều tay chăm sóc ao cá và chăn nuôi gà lợn. Tính trung bình một năm gia đình ông thu đến hơn 100 triệu đồng từ việc thu hoạch cá và các sản phẩm VAC khác.
Ông trăn trở, chỉ còn mấy hôm nữa là người dân ở đây phải bàn giao nhà đất, vườn tược cho dự án rác thải thành phố. Tiền thì đã nhận và tiêu sắp hết. Vì từ khi có quyết định thu hồi đất, mọi người đều chán nản, không còn tập trung vào công việc như trước nữa.
Các công ty trên địa bàn khi chưa xây dựng thì nói là nhận lao động địa phương nhưng đến khi đi vào hoạt động vài năm vẫn chưa thấy có người địa phương vào làm việc, nếu có thì phải chạy tiền đến chục triệu mới được vào làm việc. Không biết có ai nhận những người đầu đã hai thứ tóc như vợ chồng ông hay không.
Ông Đỗ Văn Hóa - Chủ tịch UBND phường Tứ Minh, TP Hải Dương - cho biết, phường có 2.580 hộ dân tương đương với 6.000 lao động trong độ tuổi, trong đó đã có gần 1.000 bộ hồ sơ phường xác nhận vào lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Số còn lại vì không đủ tiêu chuẩn vào công ty nhà máy, họ chủ yếu làm nghề dịch vụ như xây dựng, làm mộc, làm bánh đa…
Sau khi bàn giao đất cho các dự án của nhà nước, số lao động này sẽ “không còn đất làm ăn”, trong khi chính quyền vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết việc làm cho những hộ bị thu hồi hết đất. Nguy cơ thất nghiệp đang cận kề những người dân phường Tứ Minh.
Không chỉ người lớn sẽ mất chốn làm ăn, trẻ em xã Tứ Minh cũng đang đứng trước nguy cơ không được đến trường. Khi cái ăn còn phải trăn trở thì việc đến trường của con trẻ cũng đành phải làm ngơ.
Những đứa con nhà ông Thắng đang đứng trước nguy cơ thất học
Mấy đứa con nhà ông Đức học rất giỏi. Ngoài giờ học, chúng vẫn thường phụ giúp bố mẹ các công việc nhỏ nhặt như cho lợn ăn, tưới cây, chăm sóc gà vịt. Công việc chủ yếu của chúng vẫn là học, tiền để chúng ăn học được kiếm từ những lao động cật lực của hai vợ chồng. Nhưng chẳng bao lâu nữa, bố mẹ chúng sẽ “thất nghiệp”, liệu rằng chúng sẽ tiếp tục được đến trường như bao đứa trẻ khác?!
Hầu hết các hộ trong diện di dời nhường đất cho dự án của thành phố của xã Tứ Minh đều có hoàn cảnh tương tự như gia đình ông Thắng, ông Đức. Rất nhiều trẻ em trong độ tuổi đi học đang đứng trước nguy cơ không được đến trường bởi gia đình không chu cấp nổi sau khi phải bàn giao đất cho các dự án tại địa phương.
Trên thực tế cũng đã có nhiều em phải vừa đi học vừa phải đi làm để giúp gia đình trang trải cuộc sống. Thực tế ấy đang gây bức xúc những người dân nơi đây. Ai cũng nghĩ cho con em mình, người lớn mất việc còn có thể kiếm việc khác, còn trẻ nhỏ, không được học hành thì tương lai của chúng sẽ ra sao?!
Nguyên Cường