Hải Dương có giấu dịch?
(Dân trí) - Cúm gia cầm được <a href="http://www11.dantri.com.vn/Sukien/2007/2/168203.vip">phát hiện tại Hải Dương</a> từ ngày 14/2 làm 10.000 con gà chết hàng loạt, nhưng phải đến 10 ngày sau mới công bố dịch. Trước những dư luận thắc mắc và lo lắng về hiện tượng giấu dịch tại địa phương, Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh đã có cuộc trả lời báo chí chiều 27/2.
Nguyên nhân nào dẫn đến dịch cúm gia cầm tái phát tại Hải Dương thưa ông?
Hiện, nguyên nhân ban đầu dẫn đến tái phát dịch cúm gia cầm tại Hải Dương được dự đoán do lây lan từ chim hoang.
Vì sao có sự chậm trễ trong việc công bố dịch đến vậy. Đây có phải là hiện tượng giấu dịch của địa phương?
Không có chuyện giấu dịch. Ngày 14/2, dịch cúm gia cầm phát ra tại một trang trại chăn nuôi gà ở xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện. Ngày 16/2, Trung tâm chẩn đoán thú y Hải Phòng đã nhận được mẫu bệnh phẩm gia cầm từ xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
Lúc đầu, Trung tâm sử dụng phương pháp xét nghiệm của CDC, USPA và cho kết quả âm tính, sau đó họ chuyển sang phương pháp của Hong Kong 1 thì lại cho kết quả dương tính. Chính vì vậy đơn vị này đã chuyển mẫu bệnh phẩm lên Trung tâm chẩn đoán thú y trung ương tại Hà Nội.
Ngày 25/2, Trung tâm chẩn đoán thú y trung ương đã xét nghiệm và cho kết luận chính thức: đàn gà ở xã Đoàn Tùng chết vì virus H5N1.
Sở dĩ, chúng tôi phải kiểm tra cẩn thận trước khi công bố dịch cúm gia cầm tái phát ở miền Bắc vì vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Những kết quả trái ngược nhau đến vậy có đủ cơ sơ để kết luận vi-rút cúm gia cầm lại tiếp tục biến đổi?
Chúng tôi không loại trừ khả năng vi-rút cúm gia cầm có thể đã có những biến đổi. Nhưng trên thực tế chỉ cần có biến đổi nhẹ ở mẫu phẩm xét nghiệm cũng khiến cho việc đọc kết quả gặp khó khăn hoặc có thay đổi trái ngược. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có kết luận chính thức về sự biến đổi của vi-rút.
Mới đây, chúng tôi đã gửi những mẫu vi-rút cúm gia cầm mới nhất ở Hải Dương sang Australia, Trung Quốc và sắp tới là Mỹ để nghiên cứu.
Cuối năm ngoái, vi-rút cúm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng có biến đổi nhẹ nhưng chưa ảnh hưởng đến kế hoạch tiêm phòng. Đến thời điểm nào đó phải thay đổi vắc-xin tiêm phòng thì chúng ta cũng phải chấp nhận. Vào thời điểm này, chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng vắc-xin tiêm phòng cũ và nó vẫn có tác dụng tốt trong việc phòng chống dịch bệnh.
Vậy đã có đủ vắc-xin tiêm phòng cho đợt 1/2007?
Kế hoạch tiêm phòng đợt 1/2007 là phải nhập 150 triệu liều từ Trung Quốc, song đến thời điểm này, phía bạn mới cung cấp 25 triệu liều. Phần lớn số vắc-xin này đã chuyển vào các tỉnh ĐBSCL để tiêm phòng bổ sung đợt tái phát dịch vừa qua. Hiện nguồn vắc-xin tồn kho chỉ khoảng 900.000 liều.
Theo kế hoạch, từ 11-13/3 mới có thêm 20 triệu liều vắc xin được nhập khẩu về Việt Nam. Với số lượng vắc-xin ít, việc phân bổ sẽ càng khó vì các tỉnh phía Nam đang "xin" thêm cho đàn vịt mới ấp nở, còn các tỉnh miền Bắc cần tiêm phòng khẩn cấp đề phòng tái phát dịch.
Như vậy, dịch cúm gia cầm đang đe doạ toàn miền Bắc thưa ông?
Hiện nay, Hải Dương đã sau 9 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới. Địa phương này cũng đã thống kê số lượng các loại gia cầm trong xã và các xã xung quanh để tổ chức tiêm phòng. Kết quả tạm thời cho thấy các xét nghiệm mẫu gia cầm tại Thái Bình, Hà Tây, Bắc Ninh chưa có virus H5N1.
Cục Thú y cũng đang tiếp tục đàm phán để sớm có vắc-xin về nước, tiêm phòng ngay trong tháng 3 cho toàn bộ đàn gia cầm. Bên cạnh đó Bộ vẫn vẫn chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, có thể thấy vi-rút cúm có ở bất cứ nơi nào trên nước ta và chỉ đợi thời cơ là tái phát. Chính vì vậy, các địa phương (đặc biệt là các tỉnh phía Bắc) trong thời điểm này cần hết sức cảnh giác.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Trầm (ghi)