Huế:
Hạ thủy tàu vỏ gỗ đầu tiên giá 7,7 tỷ đồng đóng mới bằng vốn vay ưu đãi
(Dân trí) - Sáng 30/3, tại Thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế), UBND huyện Phú Vang đã diễn ra lễ hạ thủy chiếc tàu đánh bắt xa bờ đầu tiên của tỉnh theo Nghị định 67 (chính sách phát triển thủy sản) của Chính phủ.
Theo đó, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên của tỉnh TT-Huế này có tổng kinh phí 7,7 tỷ đồng được thực hiện từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ (do Ngân hàng Agribank TT-Huế đảm nhận nguồn vốn cho vay). Tàu có công suất 700CV, chiều dài 22m, rộng 6m do ông Văn Chinh (47 tuổi, trú thị trấn Thuận An) làm chủ tàu.
Phát biểu tại buổi lễ hạ thủy, ông Phan Văn Chinh vui mừng nói: “Bản thân tôi là một ngư dân tham gia gắn bó với nghề khai thác biển suốt 20 năm nay. Tôi ước mơ có một chiếc tàu có công suất lớn, đủ điều kiện vươn khơi đánh bắt xa bờ. Hôm nay điều đó đã trở thành hiện thực. Có được chiếc tàu chắc chắn và bề thế như này là nhờ công của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tạo điều kiện hỗ trợ cho ngư dân như chúng tôi vay vốn để đóng và hoàn thành chiếc tàu này. Tôi xin hứa sẽ quyết tâm vươn khơi bám biển đánh bắt, khai thác có hiệu quả, sớm hoàn thành trả vốn vay, phát triển kinh tế gia đình, góp phần tăng năng suất và sản lượng thủy hải sản của địa phương”.
Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện trong chiến lược phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 thì tỉnh nhà được phân bổ 45 tàu, trong đó có 5 tàu hậu cần với công suất trên 1.200CV và 40 tàu đánh bắt thủy sản với công suất 700CV.
“Với sự chủ động của địa phương, sự hướng dẫn nhiệt tình của các ngân hàng thương mại, sự tâm huyết của ngư dân, đến nay toàn tỉnh đã có 4 tàu theo dạng này được phê duyệt, trong đó có 2 tàu hậu cần và 2 tàu đánh bắt. Việc hạ thủy chiếc tàu võ gỗ đầu tiên này là một tín hiệu rất đáng mừng, bởi đây là mô hình làm cho ngư dân quen với việc vay ngồn vốn lớn để đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ, bám biển, bảo vệ chủ quyền đất nước và phát triển nghề cá” – ông Thọ cho hay.
Đại Dương