Hà Tây: Khởi tố, bắt tạm giam 6 quan xã “ăn” đất công
Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Hà Tây đã khởi tố và bắt tạm giam 6 nhân vật chính trong vụ vi phạm đất đai nghiêm trọng tại xã Phú Cát, huyện Quốc Oai. Từ năm 1992 đến năm 2004, 6 ông quan xã này đã tuỳ tiện cấp, bán gần 190.000 m2 đất và ký xác nhận chuyển nhượng hơn 360.000 m2 đất cho 216 hộ dân.
Đất di dân xây dựng vùng kinh tế mới hóa thành... trang trại và biệt thự?
Tháng 7/1992, UBND tỉnh Hà Tây có tờ trình số 249-TT/UB gửi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính xin phê duyệt dự án đầu tư di dân xây dựng vùng kinh tế mới miền tây huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây.
Sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt phạm vi vùng dự án bao gồm: Địa dư hành chính của 4 xã, 1 nông trường là: Phú Cát - Hòa Thạch - Phú Mãn - Đông Yên và nông trường chè Long Phú, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND) xã Phú Cát có chủ trương giao đất đồi gò cho các hộ trong nội vùng khai hoang đưa vào sản xuất nông nghiệp, trồng chè, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và tái sinh rừng tự nhiên.
Trong tổng số hơn 390 ha đất được Bộ Quốc phòng bàn giao, cho đến năm 1994, Phú Cát đã giao cho 404 hộ diện tích gần 130 ha đất đồi gò thuộc các khu vực thôn 3, thôn 5, thôn 6 và thôn 7, xã Phú Cát để các hộ trồng cây lâu năm và làm nhà ở.
Nhưng sau đó, lợi dụng chính sách di dân xây dựng vùng kinh tế mới tây Quốc Oai, UBND xã Phú Cát đã ký hợp đồng cho thuê đất lâu dài, cấp bán đất công cho các hộ sử dụng làm nhà ở, kinh doanh dịch vụ, trồng cây lâu năm.
Từ năm 1992 cho đến năm 2004, UBND xã đã cấp, bán diện tích khoảng gần 200.000 m2 đất (chủ yếu nằm trong diện tích đất kinh tế mới, đất đồi gò do Bộ Quốc phòng bàn giao lại) và ký xác nhận chuyển nhượng hơn 360.000 m2 đất cho 216 hộ, trong đó có cả diện tích đã nằm trong quy hoạch Khu công nghiệp Bắc Phú Cát do UBND tỉnh Hà Tây quy hoạch.
Và thế là, hàng trăm nghìn mét vuông đất công dưới bàn tay phù phép của lãnh đạo xã Phú Cát đã bị biến thành đất tư. Nhiều hộ sau khi mua được đất đã xây nhà kiên cố, làm trang trại, thậm chí xây cả biệt thự to, đẹp, hoành tráng mà điển hình là lô đất 37.000m2 ở hồ Vai Réo. Nếu vụ án này không bị phanh phui thì lô đất trên đã bị biến thành một khu du lịch sinh thái thuộc quyền sở hữu của một người ở Hà Nội.
Nghiêm trọng hơn, cho đến năm 2000 khi UBND huyện Quốc Oai ra Thông báo số 28 gửi UBND các xã, thị trấn nội dung: Đình chỉ việc chuyển nhượng đất, cho thuê đất và thu tiền đất trái thẩm quyền, các “quan xã” này vẫn tiếp tục ký cấp bán đất công cho 37 hộ với diện tích 42.100,3m2 thuộc khu vực từ thôn 3 đến thôn 7, xã Phú Cát để làm nhà ở và trồng cây lâu năm.
Tiền bán đất công đã chảy vào túi các “quan xã” như thế nào?
Phùng Văn Khay, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phú Cát từ năm 1994 đến 1999, Chủ tịch UBND xã từ năm 2000 đến tháng 6/2004. Chính ông Khay đã cùng Đảng ủy xã Phú Cát đề ra chủ trương giao cho UBND xã thực hiện khai thác các nguồn thu từ việc ký hợp đồng cho thuê đất lâu dài, cấp bán đất công và xác nhận chuyển nhượng đất trái phép. Từ năm 1995 đến năm 2004, Phùng Văn Khay đã cấp bán hàng trăm nghìn mét vuông đất công trái phép cho 59 hộ, hưởng lợi cá nhân trên 300 triệu đồng.
Lê Bá Lai, Chủ tịch UBND xã Phú Cát nhiệm kỳ 1994 - 1999, Phó chủ tịch HĐND xã Phú Cát nhiệm kỳ 2000 - 2004, là Chủ tịch UBND xã Phú Cát, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai quản lý nhà nước về đất đai của xã Phú Cát.
Nhưng Lê Bá Lai đã cùng đồng phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, ký hợp đồng giao đất lâu dài, cấp bán đất công trái phép cho 123 hộ với diện tích hơn 126.000 m2 đất thuộc các khu vực từ thôn 4 đến thôn 7, xã Phú Cát để làm nhà ở và trồng cây lâu năm. Trong hàng tỉ tiền bán đất công, Lai đã thu lợi cho riêng mình gần 400 triệu đồng.
Trong thời gian từ năm 1992 đến 2003, Nguyễn Quang Tạ là Phó chủ tịch - Trưởng Công an xã Phú Cát, phụ trách khối nội chính và là Trưởng ban xử lý vi phạm mặt bằng tại xã Phú Cát. Nguyễn Quang Tạ đã thực hiện và ký cấp, bán đất công trái phép cho 27 hộ với diện tích 6.454 m2 đất thuộc khu vực thôn 7, xã Phú Cát.
Trong quá trình Phùng Văn Khay, Lê Bá Lai cùng đồng phạm cấp bán đất công và ký xác nhận chuyển nhượng trái phép, Nguyễn Quang Tạ được hưởng lợi số tiền trên 200 triệu đồng.
Trong thời gian làm cán bộ địa chính xã Phú Cát (từ tháng 12/1995 đến tháng 5/2004), Ngô Văn Diễn đã cùng Lê Bá Lai, Chủ tịch UBND xã Phú Cát nhiệm kỳ 1994 - 1999 và Phùng Văn Khay, Chủ tịch UBND xã Phú Cát nhiệm kỳ 2000 đến tháng 5/2004, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, ký hợp đồng cho thuê đất lâu dài, cấp bán đất công và xác nhận chuyển nhượng đất trái phép thu lợi 139 triệu đồng.
Đối với Nguyễn Xuân Trường, Ủy viên Thường vụ, Thường trực Đảng ủy xã Phú Cát nhiệm kỳ 1994 đến 1999, Bí thư Đảng ủy xã Phú Cát nhiệm kỳ từ năm 2000 đến tháng 8/2005, Chủ tịch HĐND xã nhiệm kỳ 2000 đến tháng 5/2004 và Nguyễn Văn Yến, Đảng ủy viên xã Phú Cát từ năm 1995 đến tháng 8/2005, Thường trực Đảng ủy xã từ năm 2000 đến tháng 8/2005, Phó chủ tịch HĐND xã năm 1994 đến 1999. Nguyễn Xuân Trường và Nguyễn Văn Yến cũng đã được hưởng lợi cá nhân mỗi người được hưởng 115 triệu đồng từ việc bán đất công trái phép.
Hiện Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Hà Tây đã khởi tố và bắt tạm giam 6 nhân vật chính trong vụ vi phạm đất đai nghiêm trọng này là Phùng Văn Khay, Lê Bá Lai, Nguyễn Quang Tạ, Ngô Văn Diễn, Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Xuân Trường.
Trong những năm gần đây, công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Hà Tây đã đạt được một số kết quả: Khai thác được tiềm năng đất đai theo hướng phát triển nông nghiệp ổn định và bền vững, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn trong tỉnh. Tuy vậy, quá trình tổ chức thực hiện việc quản lý và sử dụng đất đai ở cơ sở còn có nhiều thiếu sót, khuyết điểm.
Tình trạng vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng đất đai vẫn tái diễn. Kết quả xử lý vi phạm sau thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội còn chậm và có nhiều vướng mắc. Cấp ủy, chính quyền các cấp nhất là cấp cơ sở ở một số địa phương trong đó có huyện Quốc Oai còn buông lỏng trong công tác quản lý, thiếu kiểm tra và chưa kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về đất đai mà vụ án ở Phú Cát là một ví dụ.
Theo Đặng Huyền
Công An Nhân Dân