1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hạ tầng Hà Nội chưa sẵn sàng cho ôtô cũ đổ bộ

Theo dự đoán của Phòng CSGT, sau khi ôtô cũ được nhập khẩu, mỗi tháng sẽ có khoảng 3.000 - 4.000 xe được đăng ký mới. Hà Nội có thể thành "phố đi bộ" khi không có bài toán giao thông hữu hiệu.

Số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, hiện Hà Nội có 152.000 ôtô và 1,6 triệu xe máy, chưa kể số xe mang biển ngoại tỉnh lưu hành chiếm 30%.

Khi xe cũ chưa tràn vào thành phố, tình trạng ùn tắc giao thông đã khá nghiêm trọng. Tại những điểm nóng như cầu Chương Dương, Ngã Tư Sở, Chùa Bộc... chỉ cần một chiếc xe chết máy thậm chí không phải là giờ cao điểm cũng đã gây ùn tắc.

Theo một quan chức Sở Giao thông công chính, mật độ phương tiện đã vượt 120% khả năng thông xe, nên việc điều khiển giao thông bằng nút đèn tín hiệu ít hiệu quả.

Việc thiếu điểm đỗ xe ở nội đô cũng đang gây đau đầu cho các nhà quản lý. Không chỗ đậu, nhiều chủ xe đã đỗ luôn dưới lòng đường khiến diện tích lưu thông vốn đã hẹp lại càng trở nên hạn chế.

Ông Hoàng Duy Hùng, Giám đốc Công ty Khai thác và quản lý điểm đỗ xe Hà Nội, tỏ vẻ lo lắng: "Nếu mỗi tháng có thêm 3.000 - 4.000 ôtô sẽ càng gây quá tải cho các bãi đỗ xe hiện nay, hầu khắp đường phố HN sẽ trở thành bãi đỗ xe tự phát". Để đáp ứng nhu cầu bãi đỗ cho 4.000 chiếc tăng thêm mỗi tháng, HN sẽ cần tới 100.000 m2.

Theo ông Hùng, thành phố cần đầu tư xây dựng bãi đỗ, rồi đấu thấu khai thác, thậm chí đấu thầu ngay tại lòng đường vỉa hè để nhiều đơn vị tham gia kinh doanh, tránh giao đất cho doanh nghiệp xây dựng. Trên hết, thành phố cần đầu tư xây dựng ở khu vực ven đô theo quy hoạch để tránh "mất" đất giao thông tĩnh trong thời gian tới.

"Lượng ôtô đưa vào sử dụng thường tăng cao hơn ngưỡng mà các cơ quan chức năng phán đoán. Do vậy, cần đầu tư xây dựng theo quy hoạch lâu dài. Đến năm 2010, thành phố phải có 441 ha đất dành cho giao thông tĩnh", ông Hùng nói.

Trong khi bài toán điểm đỗ cho ôtô chưa có lời giải thì quan điểm của Phòng CSGT Hà Nội lại nghiêng về hướng không phát triển thêm diện tích đỗ xe dưới lòng đường để trả lại diện tích cho phương tiện lưu thông. Phòng cảnh sát giao thông đang kiến nghị UBND thành phố xây dựng cầu vượt để hạn chế va chạm giữa các luồng phương tiện.

Ngoài ra, đơn vị này còn đề nghị ngành giao thông phát triển thêm cặp đường một chiều để tránh xung đột, phấn đấu trong 5 năm tới có 60% tuyến một chiều; toàn thành phố có 735 ngõ rộng dưới 4 m cần cấm ôtô đi lại; phát triển xe buýt công cộng ra ngoại tỉnh; hạn chế xe quá cảnh vào trung tâm thành phố...

Với mức tăng trưởng ôtô đã qua sử dụng khá cao, trong khi hạ tầng phát triển chậm, ùn tắc giao thông tất yếu sẽ xảy ra. Nhằm hạn chế ôtô vào một số tuyến phố trong nội đô, nhiều chuyên gia giao thông đề xuất tăng phí sử dụng đường hoặc phân luồng cấm ôtô vào khu vực này.

Đề xuất trên đang được Phòng CSGT nghiên cứu. Tuy nhiên, điều này đã vấp phải ý kiến phản ứng của nhiều chủ xe. "Tôi mua ôtô để phục vụ nhu cầu giao dịch khi làm ăn, mà phần lớn các giao dịch ở nội đô. Bây giờ cấm một số tuyến thì chẳng lẽ tôi phải đi bộ hay thuê xe ôm đến chỗ của đối tác", anh Nguyễn Trọng Hưng, Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng, bức xúc.

Trong khi đó, từ nhiều tháng nay, Sở Giao thông công chính vẫn đang mày mò nghiên cứu các giải pháp như: phân bố giờ làm việc của các cơ quan trung ương và Hà Nội, phân luồng một chiều trên các cặp đường để giảm lượng xe tập trung vào giờ cao điểm, tiếp tục lắp đặt nhiều nút đèn tín hiệu.

Mọi phương án hữu hiệu nhằm giải quyết nguy cơ ách tắc giao thông vẫn đang "ngổn ngang" trên bàn của các chức sắc có thẩm quyền thành phố, trong khi thời điểm cho phép nhập khẩu ôtô cũ đã cận kề.

Theo Đoàn Loan
VnExpress